Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cần xác định cụ thể phương thức và mục tiêu đổi mới trong hoạt động công đoàn trong tình hình mới. Ảnh: VGP/Lê Sơn. |
Tham gia hội thảo có các nhà quản lý, nhà khoa học, đại biểu dân cử, liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đây là hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện hoạt động của công đoàn hiện nay khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Hội thảo cũng là diễn đàn để nhìn lại hoạt động trong bối cảnh mới, nhất là khi Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Các hiệp định FTA truyền thống chỉ xoay quanh đến các vấn đề về thương mại, nhưng đối với các FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến độ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), ngoài việc thúc đẩy mạnh mẽ về mở cửa thị trường, hai Hiệp định này đã đề cập đến những cam kết về lao động, môi trường, thương mại công bằng và tự do, nhiều khía cạnh xã hội khác trong các quy định mà các quốc gia thành viên phải thực hiện, một số quy định có dẫn chiếu đến Tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 1998…
Theo TS. Nguyễn Anh Thơ, quyền Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động, trong các FTA thế hệ mới, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng.
“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra nhiều thách thức đối với nước ta, có thể phá vỡ cơ cấu lao động truyền thống khi tự động hoá robot thay thế lao động chân tay trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, có khả năng đẩy hàng trăm nghìn lao động rơi vào thiếu việc làm. Bên cạnh đó là những thách thức đối với người lao động trong thời đại số hoá, đòi hỏi kiến thức, sự thích nghi, các vấn đề rủi ro về sức khoẻ, an sinh xã hội và tài chính”, TS. Nguyễn Anh Thơ phân tích.
Những vấn đề nêu trên đòi hỏi tổ chức công đoàn – người đại diện cho lợi ích hợp pháp của người lao động, cần phải đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động để có thể thích nghi với sự phát triển mới.
Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương), TS. Đoàn Ngọc Xuân cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cần tiếp tục nghiên cứu và đánh giá các tác động và đề xuất giải pháp cụ thể để hoàn thiện pháp luật trong nước theo từng yêu cầu về lao động trong EVFTA và CPTPP; chuẩn bị trong trường hợp phải thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp về lao động trong EVFTA và CPTPP; tìm hiểu về pháp luật lao động và thực tiễn thực hiện ở các nước thành viên trong 2 hiệp định này làm cơ sở cho việc đánh giá quá trình thực hiện các cam kết lao động của các quốc gia thành viên của 2 hiệp định trên.
Về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới, ông Nguyễn Duy Vũ, Phó Trưởng ban tổ chức (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động hướng về cơ sở, vì đoàn viên công đoàn và người lao động; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của công đoàn và chăm lo xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.
Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về nhiều chủ đề lớn như: Các vấn đề pháp lý, cơ chế, chính sách đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động công đoàn; các vấn đề đặt ra cho tổ chức công đoàn, cán bộ công đoàn, đoàn viên công đoàn khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại thế hệ mới; đề xuất giải pháp về nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; vai trò của tổ chức công đoàn thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động để phát triển mô hình quan hệ lao động hài hoà ở Việt Nam trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19; an toàn và vệ sinh lao động, các hàng rào kỹ thuật thực hiện các hiệp định thương mại tự do với sứ mệnh của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…
Lê Sơn