In bài viết

Y tế cơ sở: ‘Lá chắn’ ngăn bệnh lao

(Chinhphu.vn) - Mặc dù hệ thống phòng chống lao bao phủ trên toàn quốc, nhưng vẫn còn khoảng 40% bệnh nhân chưa được phát hiện, điều trị và báo cáo. Để đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, hệ thống y tế cơ sở được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong việc phát hiện và điều trị, quản lý bệnh lao trong cộng đồng.

18/08/2023 15:39
Y tế cơ sở: ‘Lá chắn’ tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh Lao - Ảnh 1.

TS.BS. Đinh Văn Lượng cho biết, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ nâng cao năng lực và đẩy mạnh vai trò tuyến y tế cơ sở trong phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao - Ảnh: VGP/TH

Tại Hội nghị sơ kết Chương trình chống lao quốc gia 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm 2023, tổ chức ngày 18/8, TS.BS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, hệ thống phòng, chống lao cần lồng ghép với hệ thống y tế chung, các dịch vụ khám, chữa bệnh lao cần được bao phủ rộng khắp tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế, nhằm đảm bảo người dân tiếp cận dễ dàng, thuận tiện nhất với các dịch vụ khám, chẩn đoán, điều trị bệnh.

Chương trình chống lao quốc gia, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ nâng cao năng lực và đẩy mạnh vai trò tuyến y tế cơ sở trong phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao thông qua chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phòng, chống lao các tuyến.

Từ đầu năm 2023, Chương trình chống lao đã triển khai thí điểm mô hình phát hiện chủ động bệnh lao trên diện rộng tại cộng đồng với sự tham gia tích cực của hệ thống y tế cơ sở, sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND và Sở Y tế tỉnh Ninh Bình. Mô hình này đã có những kết quả khả quan. Vì vậy, lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương mong muốn sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra này tới các địa phương khác, trên cơ sở rút ra các bài học, kinh nghiệm trong quá trình triển khai.

Ông Đinh Văn Lượng cũng cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Chương trình chống lao quốc gia sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy trình vận động và tiếp nhận viện trợ cho hoạt động phòng, chống lao giai đoạn tiếp theo; tích cực tham mưu Bộ Y tế và các bộ, ngành trình Chính phủ có các chính sách hỗ trợ người bệnh lao, mở rộng phát hiện chủ động tại cộng đồng, lồng ghép trong hệ thống y tế cơ sở; vận động sự cam kết và hỗ trợ tài chính từ chính quyền địa phương cho công tác phòng chống lao…

Y tế cơ sở: ‘Lá chắn’ tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh Lao - Ảnh 2.

Hệ thống y tế cơ sở được kỳ vọng tạo ra những đột phá trong việc phát hiện và điều trị, quản lý bệnh lao trong cộng đồng - Ảnh: VGP/TH

Theo WHO, đại dịch COVID-19 đã có tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua. Rõ nhất là sự sụt giảm lớn về số bệnh nhân lao được phát hiện trên toàn cầu: Từ mức cao nhất là 7,1 triệu trường hợp trong năm 2019, đã giảm xuống còn 5,8 triệu vào năm 2020 (giảm 18%), trở lại mức phát hiện của năm 2012. Năm 2021, con số này đã có sự phục hồi nhỏ, lên mức 6,4 triệu trường hợp được phát hiện (mức phát hiện của năm 2016-2017).

Việc giảm số ca được phát hiện trong năm 2020 và 2021 cho thấy, số bệnh nhân chưa được phát hiện và điều trị đã tăng lên đáng kể, dẫn đến tăng số ca tử vong do lao và mức độ lây truyền trong cộng đồng cũng mạnh hơn.

Trong 2 năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu những ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22,7% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Số lượng và tỉ lệ tử vong do lao ở Việt Nam năm 2021 được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020.

Năm 2022, số ca phát hiện bệnh lao trên cả nước tăng gần 31% so với năm 2021, nhưng cũng chỉ mới phát hiện được khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính trong cộng đồng.

Hiền Minh