Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND hai tỉnh: Bình Thuận, Đồng Nai liên quan đến tình trạng tự ý tháo dỡ hàng rào và trộm cắp tài sản công trình tại dự án cao tốc Bắc - Nam các đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo Bộ GTVT, các dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây được giao Ban QLDA 7 và Ban QLDA Thăng Long tổ chức triển khai thi công, hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 5/2023, phát huy hiệu quả đầu tư.
Theo báo cáo, 2 đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đã nhiều lần xảy ra tình trạng người dân tự ý tháo dỡ hàng rào, kẻ xấu trộm cắp tấm chống chói, vật tư, thiết bị điện trong hệ thống điện chiếu sáng... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bảo đảm an toàn khai thác, thất thoát tài sản dự án.
Mặc dù các chủ đầu tư đã có văn bản gửi cấp có thẩm quyền địa phương để xử lý nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.
"Để bảo đảm an toàn khai thác các dự án, UBND hai tỉnh: Bình Thuận và Đồng Nai cần quan tâm, chỉ đạo và đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân, kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, không để tiếp diễn tình trạng nêu trên", Bộ GTVT đề nghị.
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8km đi qua các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận). Tuyến cao tốc này được đưa vào khai thác từ tháng 5/2023.
Trên tuyến có các nút giao Ba Bàu, quốc lộ 28, quốc lộ 28B, nút giao quốc lộ 1 kết nối Bình Thuận với Ninh Thuận, Lâm Đồng nên đã thu hút một lượng lớn xe cộ, rút ngắn hành trình và tiết kiệm thời gian so với đi quốc lộ 1 như trước đây.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km qua Đồng Nai, Bình Thuận được thông xe vào cuối tháng 4/2023. Trên tuyến có 7 nút giao kết nối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua hai địa phương này, phát huy hiệu quả kết nối giao thông liên vùng.
Tuyến cao tốc đã rút ngắn hành trình từ TPHCM đến Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) chỉ còn khoảng 2 giờ chạy xe.
Phan Trang