Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 6/3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT kiểm tra tình hình thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau).
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, sản lượng xây lắp của dự án đến nay đạt hơn 22%, chậm 6,6% theo kế hoạch.
Các nhà thầu hiện đã đào nền đường tuyến chính được khoảng 94%, đắp cát nền đường được hơn 2,5 triệu m3. Riêng đường công vụ đã thi công đắp cát nền đường khoảng 94%. Toàn tuyến có 126 cầu, các nhà thầu đã triển khai tho công được 93 cây, đạt 79%.
Cao tốc Cần Thơ- Cà Mau có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.523 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư.
Dự án được phân thành hai dự án thành phần gồm: Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 37km, mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài hơn 73 km, tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.
Về công tác bàn giao mặt bằng, đến nay các địa phương đã bàn giao hơn 99% mặt bằng. Trong đó, đủ điều kiện thi công khoảng 97%. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là đoạn qua tỉnh Kiên Giang còn 22 hộ dân, tương đương với 2km, chưa bàn giao mặt bằng.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, sau một năm triển khai thi công, dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều vấn đề cốt lõi liên quan đến dự án cũng đã được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, các nhà thầu từng bước tháo gỡ.
Về mặt bằng, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Kiên Giang tiếp tục giải quyết dứt điểm những vị trí còn vướng trong tháng 3/2024, đặc biệt là tại vị trí cầu Phó Sinh Cạnh Đền, Cái Nhum..., bàn giao cho các nhà thầu thi công.
Đối với Ban quản lý dự Mỹ Thuận, các nhà thầu, Bộ trưởng chỉ đạo tập trung, quyết liệt triển khai đắp gia tải nền đường đối với các vị trí đất yếu. Các mốc thời gian quan trọng là tháng 6, 8 và đến tháng 10/2024 là phải hoàn thành việc đắp gia tải xử lý nền đất yếu để đảm bảo thời gian gia tải 12 tháng.
Đối với khó khăn về nguồn vật liệu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo Ban quản lý dự án làm việc với các địa phương có trữ lượng cát sông, hỗ trợ cung cấp 3 triệu m3 còn lại, bao gồm cấp trực tiếp và mua thương mại theo giá nhà nước quy định.
Cùng với đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT, tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh hoàn thành nhanh các thủ tục cấp mỏ cát biển trong tháng 3/2024 để tháng 4/2024 bắt đầu khai thác.
"Phấn đấu hoàn thành dự án sớm nhất có thể, chậm nhất là 31/12/2025 để đảm bảo toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam được đưa vào khai thác, phục vụ người dân", Bộ trưởng chỉ đạo.
Ông Lê Quốc Dũng, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA 7 báo cáo, Ban đã yêu cầu các nhà thầu tại cao tốc Vân Phong - Nha Trang huy động 42 mũi thi công (24 mũi làm đường, 18 mũi làm cầu) với gần 1.000 máy móc thiết bị, gần 1.900 nhân lực. Tiến độ triển khai chung của toàn dự án nhanh hơn 2,6% so với kế hoạch.
Dự án thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang (qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa) có tổng chiều dài hơn 83km. Điểm đầu (Km285+000) kết nối đường dẫn cửa phía nam hầm Cổ Mã (thuộc huyện Vạn Ninh). Điểm cuối (tại khoảng Km368+350) kết nối điểm đầu cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng.
Tại công trường dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao Ban Quản lý dự án 7, các đơn vị triển khai dự án và sự vào cuộc quyết liệt của Khánh Hòa trong công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật...
"Trên cao tốc Vân Phong - Nha Trang, các đơn vị đã tận dụng mặt bằng tốt, huy động máy móc, nhân công đảm bảo số lượng, chất lượng để thi công vượt tiến độ. Cao tốc triển khai giai đoạn 2 nên điều kiện thi công tốt hơn, thuận lợi hơn, các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá.
Đánh giá cao tiến độ giải phóng mặt bằng của tỉnh Khánh Hòa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị địa phương, các đơn vị chức năng tiếp tục phát huy, xây dựng Vân Phong - Nha Trang thành dự án cao tốc tiêu biểu, kiểu mẫu về việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đảm bảo tốt GPMB, nguồn vật liệu...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ghi nhận quyết tâm hoàn thành cao tốc Vân Phong - Nha Trang sớm nhất trong 12 dự án cao tốc thành phần (giai đoạn 2021 - 2025) của các đơn vị liên quan.
"Ngay trong tháng 4 này, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ được đưa vào khai thác. Như vậy, cao tốc từ TPHCM về Nha Trang đã nối thông. Đến năm 2025, các dự án cao tốc giai đoạn 2 tiếp tục hoàn thành, Khánh Hòa sẽ "rộng cửa" phát triển, không chỉ du lịch mà cả bất động sản sẽ có cơ hội bứt tốc...", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Riêng cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, Ban QLDA 7 cho biết, các nhà thầu đã huy động 45 mũi thi công, 537 thiết bị với trên 1.300 nhân lực, cơ bản đáp ứng yêu cầu, phù hợp với điều kiện mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, hiện nay sản lượng chậm khoảng 0,5% so với kế hoạch, mới đạt gần 30,5% giá trị hợp đồng. Nguyên nhân do vướng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật.
Kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các nhà thầu cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong phải nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo tiến độ bù lại sản lượng chậm.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Chí Thạnh - Vân Phong đang được triển khai với hai gói thầu xây lắp với tổng mức đầu tư hơn 10.700 tỷ đồng. có điểm đầu trùng điểm cuối dự án đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (Phú Yên), điểm cuối kết nối với quốc lộ 1 và dự án hầm Đèo Cả ở huyện Đông Hòa (Phú Yên). Trên tuyến có hầm đường bộ Tuy An dài 1.020m. Dự án khởi công tháng 1/2023, dự kiến hoàn thành năm 2025.
Trực tiếp thị sát cao tốc qua Bình Định, Phú Yên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ghi nhận nỗ lực triển khai dự án, đẩy tiến độ của Ban Quản lý dự án 85, các nhà thầu, địa phương trên tuyến cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh.
Ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Ban QLDA 85 cho biết, các nhà thầu của 2 dự án cao tốc đã chủ động tập kết vật liệu, thi công toàn tuyến.
Trong đó, cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn có gần 100 mũi thi công (40 mũi thi công cầu, 13 mũi thi công đường, 43 mũi thi công cống, hầm chui); Khoảng 500 đầu máy móc, thiết bị, cùng với gần 1.300 kỹ sư, công nhân, lái máy được huy động thi công trên tuyến. Cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh có hơn 60 mũi thi công, hơn 820 đầu thiết bị, với gần 1.700 kỹ sư, công nhân thi công trên tuyến.
Hiện, cả 2 dự án đạt 22-23% tiến độ, đáp ứng yêu cầu, vượt kế hoạch, phấn đấu năm 2024 có 25km cao tốc thảm bê tông nhựa.
"Kiểm tra công trường, tôi đặt niềm tin các dự án này sẽ hoàn thành vượt tiến độ, phấn đấu cán đích vào 30/9/2025, vượt tiến độ ít nhất 3 tháng", Bộ trưởng giao kế hoạch.
Riêng về xử lý nền đất yếu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, trên địa bàn Phú Yên dù khối lượng vướng mắc mặt bằng không nhiều nhưng nằm ở khu vực nền đất yếu. Nếu không sớm xử lý dứt điểm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành cả dự án.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên khẳng định, tỉnh vào cuộc quyết liệt, phấn đấu đến 30/4 sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho cao tốc.
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay, tỉnh chỉ còn 2 đơn vị tập thể chưa GPMB do đặc thù, còn lại cơ bản đã hoàn thành giao mặt bằng cho cao tốc. Riêng vướng diện tích rừng tự nhiên ở gói thầu 11 XL, cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đang phối hợp các đơn vị để báo cáo các cấp sớm xử lý dứt điểm.
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (qua tỉnh Bình Định) có tổng chiều dài hơn 70km. Tuyến đi qua thị xã Hoài Nhơn, huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn và thị xã An Nhơn. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.400 tỷ đồng.
Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh có tổng chiều dài gần 62km (qua địa bàn tỉnh Bình Định gần 20km (huyện An Nhơn, Tuy Phước và TP Quy Nhơn); qua địa bàn tỉnh Phú Yên hơn 42km (huyện Sông Cầu và huyện Tuy An). Tổng mức đầu tư dự án hơn 14.800 tỷ đồng.
Cả hai dự án cao tốc trên đều do Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư.
Phan Trang