Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ GTVT vừa ban hành thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp triển khai đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ và hệ thống giao thông thông minh của bộ vào ngày 21/2 vừa qua.
Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc, sớm đưa vào sử dụng, phục vụ nhân dân, với 8 trạm dừng nghỉ đã phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các Ban quản lý dự án chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ để triển khai thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư ngay khi Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu được ban hành và có hiệu lực thi hành đồng thời chỉ đạo nhà đầu tư thi công và hoàn thành sớm nhất có thể các trạm dừng nghỉ để phục vụ nhân dân.
Giám đốc Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu để xảy ra chậm chễ, không đáp ứng tiến độ.
Đối với các trạm dừng nghỉ còn lại trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, các Ban quản lý dự án chủ động chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ đề xuất dự án kinh doanh, hồ sơ mời thầu đủ điều kiện trình thẩm định, phê duyệt trong thời gian các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được xây dựng, sửa đổi, ban hành để rút ngắn tiến độ lựa chọn các nhà đầu tư và đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng chủ động rà soát, xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT để triển khai thủ tục ban hành sớm (nếu Nghị định hướng dẫn Luật đấu thầu cho phép) làm cơ sở thực hiện lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ nói riêng và các công trình dịch vụ chuyên ngành đường bộ nói chung.
Cục Đường cao tốc Việt Nam chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát để rút ngắn tối đa thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện trạm dừng nghỉ, phù hợp với các quy định của pháp luật.
"Trong quá trình triển khai phải rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan (nếu có) để đảm bảo đầy đủ hành lang pháp lý làm cơ sở triển khai tổ chức thực hiện; trường hợp phát sinh vướng mắc, kịp thời tham mưu, báo cáo lãnh đạo bộ đề xuất phương án giải quyết, bảo đảm tiến độ đầu tư, đưa vào khai thác đồng bộ các trạm dừng nghỉ trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông khi các dự án đưa vào khai thác, sử dụng", Bộ trưởng lưu ý.
Liên quan đến hệ thống giao thông thông minh (ITS), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các Ban quản lý dự án (với trách nhiệm là chủ đầu tư dự án) khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành hệ thống ITS và Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến để đảm bảo hoạt động đồng bộ khi cao tốc khánh thành và đi vào khai thác.
"Quá trình đấu thầu lựa chọn nhà thầu đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm; công nghệ, thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu tiếp tục để chậm trễ và chất lượng dự án không đảm bảo," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Với các Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020, Ban Quản lý dự án 6 chỉ đạo đơn vị tư vấn khẩn trương rà soát, hoàn thiện thiết kế kỹ thuật (kiến trúc tổng thể hệ thống) với chất lượng tốt nhất, dự toán hệ thống ITS làm cơ sở để các Ban quản lý dự án triển khai thực hiện, hoàn thành trước ngày 5/3 tới.
Các Ban Quản lý dự án 6, 85, đường Hồ Chí Minh đôn đốc các nhà đầu tư tiếp tục triển khai đầu tư hệ thống ITS và Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến tại 3 Dự án Cao tốc Bắc-Nam đầu tư theo hình thức PPP theo đúng hồ sơ đã duyệt và hợp đồng PPP, bảo đảm hoàn thành khai thác đồng bộ.
Riêng các Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Giao thông Vận tải chỉ đạo các Ban quản lý dự án nghiêm túc thực hiện các nội dung chỉ đạo của bộ, phối hợp chặt chẽ cùng Ban Quản lý dự án 6 lập thiết kế kỹ thuật, dự toán; khẩn trương rà soát hồ sơ, thủ tục pháp lý, phương án đầu tư, cân đối, ưu tiên nguồn vốn của dự án để đầu tư hệ thống ITS và Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến; báo cáo bộ về dự kiến nguồn vốn cần bổ sung (nếu thiếu), không được để dự án chậm trễ do thiếu vốn.
Cục Đường cao tốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng và các Ban quản lý dự án xây dựng lộ trình, báo cáo cấp có thẩm quyền về lộ trình thực hiện Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến đường cao tốc.
Cơ quan này cũng được giao chủ trì, phối hợp cùng Trung tâm Công nghệ thông tin, Cục Quản lý đầu tư xây dựng nghiên cứu phương án mua sắm phần mềm ITS để dùng chung thống nhất cho các tuyến cao tốc nhằm đảm bảo tính tổng thể, tích hợp thông tin liên tuyến phục vụ công tác quản lý và điều hành giao thông.
"Cục Đường cao tốc Việt Nam tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất mô hình và phương án tổ chức đầu tư, vận hành Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh ITS quốc gia, đảm bảo kết nối, vận hành đồng bộ với các Trung tâm quản lý điều hành giao thông trên các tuyến cao tốc, bao gồm các hệ thống đã đưa vào khai thác và các dự án do các địa phương là cơ quan chủ quản," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Cục Đường cao tốc Việt Nam khẩn trương tham mưu cho Bộ GTVTcó văn bản hướng dẫn, yêu cầu các địa phương rà soát triển khai thực hiện đầu tư hệ thống ITS tại các dự án đường bộ cao tốc được giao là cơ quan chủ quản, đảm bảo hoàn thành đồng bộ, kết nối hiệu quả với hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc do bộ quyết định đầu tư.
Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương triển khai công tác lập quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (trong đó có quy hoạch hạng mục hệ thống ITS) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Luật Quy hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng giao một số cục, vụ của bộ rà soát, tham mưu về nguồn vốn để đầu tư hệ thống ITS và Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến đảm bảo đầy đủ, kịp thời, hiệu quả; tham mưu ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật phục vụ cho công tác quản lý, khai thác, vận hành và bảo trì hệ thống ITS.
Phan Trang