In bài viết

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/10/2024 (1)

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/10/2024 (1).

25/10/2024 17:02
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/10/2024 (1)- Ảnh 1.

Một máy bay của không quân Việt Nam cất cánh.

Quy định thể thức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay

Chính phủ ban hành Nghị định số 139/2024/NĐ-CP ngày 24/10/2024 quy định thể thức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

Tàu bay vi phạm bị bay chặn, bay kèm

Nghị định nêu rõ, tàu bay bị bay chặn khi có hành động vi phạm vùng trời Việt Nam.

Tàu bay bị bay kèm khi có hành động vi phạm phép bay.

Nghị định quy định tàu bay bay chặn, bay kèm tiếp cận tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam thực hiện theo phương thức sau:

Tàu bay bay chặn, bay kèm tiếp cận tàu bay vi phạm từ phía sau bên trái hoặc bên phải phù hợp với điều kiện cơ động, quan sát; sau đó thiết lập tốc độ và khoảng cách phù hợp bảo đảm an toàn, phát ra các ký, tín hiệu và hành động; đồng thời bảo đảm cho phi công (tổ bay) của tàu bay vi phạm có thể tiếp nhận các ký, tín hiệu và hành động từ tàu bay bay chặn, bay kèm.

Sau khi tàu bay vi phạm nhận được thông tin cần thiết và chấm dứt vi phạm, tàu bay bay chặn, bay kèm thoát ly khỏi khu vực.

Các trường hợp tàu bay bị bay ép hạ cánh

Đồng thời, Nghị định cũng nêu rõ tàu bay bị bay ép hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay nếu thuộc một trong 2 trường hợp sau:

1- Tàu bay đang bay trong vùng trời Việt Nam bị can thiệp bất hợp pháp.

2- Tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam bị bay chặn, bay kèm nhưng không chấp hành hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam đang thực hiện bay chặn, bay kèm.

Nghị định quy định tàu bay bay ép tiếp cận tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam thực hiện theo phương thức sau:

Tàu bay bay ép tiếp cận tàu bay vi phạm từ phía sau bên trái hoặc bên phải phù hợp với điều kiện cơ động, quan sát; sau đó thiết lập tốc độ và khoảng cách phù hợp bảo đảm an toàn, phát ra các ký, tín hiệu và hành động; đồng thời bảo đảm cho phi công (tổ bay) của tàu bay vi phạm có thể tiếp nhận các ký, tín hiệu và hành động yêu cầu hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay được chỉ định.

Sau khi tàu bay vi phạm hạ cánh an toàn tại cảng hàng không, sân bay được chỉ định, tàu bay bay ép thoát ly khỏi khu vực hoặc hạ cánh theo mệnh lệnh của chỉ huy bay quân sự.

Lực lượng thực hiện bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay

Nghị định quy định lực lượng thực hiện bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay là: Tàu bay, lực lượng đang làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và sự phối hợp điều hành của lực lượng quản lý hoạt động bay hàng không dân dụng.

Căn cứ tình huống cụ thể đối với từng loại tàu bay vi phạm và khu vực vi phạm, cấp có thẩm quyền quyết định sử dụng lực lượng đang làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu ở khu vực phù hợp thực hiện bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh.

Điều kiện cảng hàng không, sân bay được chỉ định

Nghị định cũng quy định về điều kiện cảng hàng không, sân bay được chỉ định. Theo đó, cảng hàng không, sân bay phải phù hợp về điều kiện kỹ thuật bảo đảm cho loại tàu bay vi phạm hạ cánh; địa hình khu vực sân bay phù hợp cho bay vòng, tiếp cận khu vực sân bay để vào hạ cánh; tàu bay vi phạm có đủ nhiên liệu để đến sân bay được chỉ định hạ cánh. Ưu tiên chỉ định hạ cánh tại sân bay có hoạt động hàng không dân dụng.

Nghị định cũng nêu rõ khi tàu bay vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay được chỉ định, có nguy cơ gây mất an toàn đến mục tiêu quan trọng hoặc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, việc xử lý thực hiện theo quy định xử lý tình huống tác chiến phòng không của Bộ Quốc phòng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 9/12/2024.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/10/2024 (1)- Ảnh 2.

Thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án - Ảnh minh họa

Thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1250/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án (Ban chỉ đạo).

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng Ban chỉ đạo.

Phó Trưởng Ban là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Các Thành viên Ban chỉ đạo gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Dũng; Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy; Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (chỉ đạo công tác kiểm sát thi hành án dân sự) và Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương.

Quyết định nêu rõ tùy theo tình hình thực tế, Trưởng Ban chỉ đạo có thể mời thêm Lãnh đạo của một số Bộ, ngành, cơ quan tham gia làm thành viên Ban chỉ đạo hoặc yêu cầu Lãnh đạo Bộ, ngành, cơ quan, địa phương dự họp và báo cáo những vấn đề cần thiết.

Chức năng của Ban chỉ đạo

Ban chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ, quyền hạn nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, bao gồm các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác (nếu có).

Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, điều hòa phối hợp và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện:

- Rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao, xác định nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án xử lý; chỉ đạo các bộ, cơ quan hướng dẫn tháo gỡ theo thẩm quyền.

- Tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án theo các nhóm vấn đề cụ thể, xác định thẩm quyền xử lý của các cấp có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để hướng dẫn các bộ, cơ quan và địa phương giải quyết theo từng nhóm vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; tham mưu Thủ tướng Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các nhóm vấn đề vượt thẩm quyền.

- Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề mới phát sinh (nếu có).

- Xem xét, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các thành viên Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân và thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban chỉ đạo, sử dụng bộ máy của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho Ban chỉ đạo theo chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo, bảo đảm không làm tăng đầu mối tổ chức và biên chế./.