Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 109/CĐ-TTg ngày 22/10/2024 về việc tăng cường tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai.
Công điện gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Công điện nêu: Ngày 10/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 105/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tập trung chỉ đạo ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; hoàn thành trước ngày 15/10/2024. Đến nay, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo thẩm quyền của địa phương (trong đó tỉnh Hải Dương và tỉnh An Giang đã ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật; nhiều tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật: thành phố Đà Nẵng, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đắk Nông, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc Liêu..).
Tuy nhiên, còn một số tỉnh, thành phố tiến độ ban hành văn bản còn rất chậm (gồm: thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Lạng Sơn, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Bến Tre, Sóc Trăng mới ban hành từ 2 đến 5 trên tổng số 20 nội dung được giao trong Luật). Việc các địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền đã hạn chế hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, thủ tục hành chính, hiệu lực hiệu quả trong thực hiện các chính sách mới của Luật Đất đai. Thủ tướng Chính phủ:
1- Phê bình nghiêm khắc Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Lạng Sơn, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Bến Tre, Sóc Trăng chậm trễ trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
2- Yêu cầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung đã chỉ đạo tại Công điện số 105/CĐ-TTg ngày 10/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai, trong đó phải tập trung chỉ đạo ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; việc ban hành văn bản quy định chi tiết được giao tại Luật Đất đai và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật phải hoàn thành trước ngày 31/10/2024, báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để chậm trễ ban hành các văn bản nêu trên.
3- Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
4- Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm, hiệu quả Công điện này.
5- Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương trong việc thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng phụ trách những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1221/QĐ-TTg ngày 21/10/2024 thay đổi thành viên Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, ông Nguyễn Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm thành viên Tổ công tác thay ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Quyết định trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (21/10/2024).
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1236/QĐ-TTg ngày 22/10/2024 ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược).
Chiến lược nêu rõ tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các nước dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ chuỗi khối; đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ chuỗi khối trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thực hiện hóa mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng.
Tăng cường ứng dụng công nghệ chuỗi khối
Mục tiêu cụ thể của Chiến lược đến năm 2025, thiết lập nền tảng phát triển công nghệ chuỗi khối: Hình thành Hạ tầng chuỗi khối Việt Nam bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân phục vụ các hoạt động phát triển, triển khai, vận hành và bảo trì các ứng dụng chuỗi khối; hỗ trợ khả năng tương tác, tích hợp và chia sẻ giữa các chuỗi khối; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về hoạt động ứng dụng và phát triển chuỗi khối.
Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ chuỗi khối tại 03 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; xây dựng và nâng cấp được 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo nhằm xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ chuỗi khối; công nghệ chuỗi khối được đưa vào khung chương trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các cơ sở nghiên cứu.
Thúc đẩy, tăng cường ứng dụng công nghệ chuỗi khối: Lựa chọn, hình thành tối thiểu 01 trung tâm/đặc khu/địa bàn thử nghiệm về chuỗi khối để hình thành mạng lưới quốc gia về chuỗi khối; ưu tiên triển khai tại các đơn vị đã có kinh nghiệm triển khai về mạng lưới chuỗi khối của địa phương.
Hình thành hệ sinh thái "Blockchain+" thông qua hoạt động ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong các ngành, lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, giao thông - vận tải, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, logistic, bưu chính - chuyển phát, sản xuất công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp, cung cấp dịch vụ công và các lĩnh vực khác.
Đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu trong khu vực về phát triển chuỗi khối
Mục tiêu đến năm 2030, củng cố và mở rộng Hạ tầng chuỗi khối quốc gia cung cấp dịch vụ cả trong và ngoài nước; ban hành tiêu chuẩn về ứng dụng và phát triển chuỗi khối tại Việt Nam.
Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển chuỗi khối. Xây dựng được 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ chuỗi khối trong khu vực.
Duy trì vận hành tối thiểu 03 trung tâm/đặc khu thử nghiệm về công nghệ chuỗi khối tại các thành phố lớn để hình thành mạng lưới quốc gia về chuỗi khối.
Có đại diện nằm trong Bảng xếp hạng nhóm 10 Cơ sở đào tạo và nghiên cứu về chuỗi khối dẫn đầu trong khu vực châu Á.
Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động ứng dụng và phát triển chuỗi khối
Để đạt được các mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược là xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động ứng dụng và phát triển chuỗi khối.
Trong đó, rà soát, nghiên cứu và đánh giá ảnh hưởng của hành lang pháp lý hiện hành với các giải pháp, ứng dụng chuỗi khối. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách và tiêu chuẩn về nền tảng, sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ chuỗi khối đảm bảo tính liên thông và tính mở của các bên tham gia vào các giao dịch dựa trên công nghệ chuỗi khối.
Tăng cường hướng dẫn và điều chỉnh công nghệ chuỗi khối. Nâng cao hiệu lực các quy định của pháp luật trong quản lý công nghệ chuỗi khối để thúc đẩy sự phát triển an toàn, tin cậy của công nghệ chuỗi khối.
Phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung, tạo không gian hình thành hệ sinh thái phát triển công nghiệp chuỗi khối
Phát triển Hạ tầng chuỗi khối Việt Nam phục vụ đa mục tiêu. Xây dựng, phát triển Hạ tầng chuỗi khối Việt Nam đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân đáp ứng đa mục tiêu, thúc đẩy ứng dụng và phát triển chuỗi khối tại Việt Nam.
Xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng và phát triển nền tảng quản trị, vận hành Hạ tầng chuỗi khối Việt Nam. Phát triển các nền tảng chuỗi khối Make in Việt Nam. Xây dựng các cơ chế vận hành, khai thác và tương tác, liên thông giữa các loại hình mạng chuỗi khối hoạt động trên Hạ tầng chuỗi khối Việt Nam.
Phát triển công nghiệp chuỗi khối gắn với chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số tạo động lực đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đẩy nhanh quá trình tích hợp ứng dụng công nghệ chuỗi khối và các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng lần thứ tư như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật,… đồng thời, thúc đẩy phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ tích hợp ứng dụng công nghệ chuỗi khối.
Phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung, tạo không gian hình thành hệ sinh thái phát triển công nghiệp chuỗi khối và công nghiệp công nghệ số. Thúc đẩy xây dựng các trung tâm ươm tạo và thu hút đầu tư cho phát triển doanh nghiệp công nghệ số trong lĩnh vực chuỗi khối. Triển khai các giải pháp huy động vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển doanh nghiệp và thương hiệu về chuỗi khối tại Việt Nam.
Tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xây dựng các nền tảng chuỗi khối (blockchain platform) thúc đẩy chia sẻ thông tin, nâng cao nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài./.