Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 1219/QĐ-TTg ngày 18/10/2024 phê duyệt Đề án "Hỗ trợ thông tin và tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc thuộc các tỉnh địa bàn biên giới đất liền".
Theo Quyết định, mục tiêu tổng quát là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền tại các tỉnh địa bàn biên giới đất liền; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh toàn dân, nền biên phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm ổn định quốc phòng, an ninh, xây dựng các tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển, tạo tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 1 (từ năm 2025 đến năm 2027): Hỗ trợ biên soạn, xuất bản tài liệu thông tin, tuyên truyền bảo đảm cho các tổ đội công tác của các đồn biên phòng, công an cấp xã, các đơn vị quân đội đóng quân, làm nhiệm vụ ở các xã, huyện biên giới; bảo đảm cung cấp tài liệu cho ít nhất 40% lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, ưu tiên lực lượng ở các xã, huyện biên giới, các xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh.
Hỗ trợ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng thông tin, tuyên truyền cho ít nhất 40% lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên; ưu tiên các tổ, đội công tác của các đơn vị quân đội, công an, báo cáo viên, tuyên truyền viên các xã, huyện biên giới, các xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh.
Giai đoạn 2 (từ năm 2028 đến năm 2030): Tiếp tục hỗ trợ biên soạn, xuất bản tài liệu thông tin, tuyên truyền bảo đảm đầy đủ cho các tổ đội công tác của các đồn biên phòng, công an cấp xã, các đơn vị quân đội đóng quân, làm nhiệm vụ ở các xã, huyện biên giới; bảo đảm tăng thêm 50% lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, ưu tiên lực lượng ở các xã, huyện biên giới, các xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh.
Tiếp tục hỗ trợ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng thông tin, tuyên truyền, bảo đảm tăng thêm 50% lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên; ưu tiên các tổ, đội công tác của các đơn vị quân đội, công an và lực lượng ở các xã, huyện biên giới, các xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh.
Quyết định nêu rõ, đối tượng thực hiện gồm: Các cơ quan, đơn vị quân đội, công an và các tổ chức, cá nhân có liên quan; nòng cốt là cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đóng quân, làm nhiệm vụ tại các tỉnh địa bàn biên giới đất liền.
Đối tượng thụ hưởng gồm: Cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân thuộc các tỉnh địa bàn biên giới đất liền.
Phạm vi về không gian: Triển khai áp dụng tại 25 tỉnh có biên giới đất liền. Về thời gian: Triển khai từ năm 2025 đến hết năm 2030; chia thành 02 giai đoạn (giai đoạn 1: Từ 2025 - 2027; giai đoạn 2: Từ 2028 - 2030).
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Quyết định cũng nêu rõ 8 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu gồm:
1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thông tin, tuyên truyền của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội; cấp ủy, người chỉ huy các đơn vị quân đội, công an.
2. Tổ chức khảo sát nắm bắt tình hình, thực trạng, nhu cầu đối tượng thụ hưởng để hỗ trợ thông tin, tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các tỉnh địa bàn biên giới đất liền: Các cơ quan, tổ chức liên quan.
3. Tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả các hình thức, mô hình hoạt động thông tin, tuyên truyền đã và đang được triển khai tại các tỉnh địa bàn biên giới đất liền, trọng tâm là hoạt động tuyên truyền của các đơn vị quân đội, công an.
4. Nâng cao năng lực cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội, công an, lực lượng trực tiếp thông tin, tuyên truyền tại các tỉnh địa bàn biên giới đất liền.
5. Phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao năng lực của các cơ quan báo chí, xuất bản trong thông tin, tuyên truyền ở các tỉnh địa bàn biên giới đất liền.
6. Huy động các nguồn lực phục vụ hỗ trợ thông tin, tuyên truyền tại các tỉnh địa bàn biên giới đất liền.
7. Tăng cường trao đổi, nghiên cứu học tập kinh nghiệm nước ngoài; đẩy mạnh phối hợp thông tin, tuyên truyền với chính quyền địa phương và các lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng.
8. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng trong thực hiện đề án.
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng, theo dõi thực hiện đề án; tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đôn đốc các ban, bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện đề án; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện đề án từng giai đoạn. Chỉ đạo thông tin, tuyên truyền về quân sự, quốc phòng; biên soạn, xuất bản tài liệu thông tin, tuyên truyền về quân sự, quốc phòng.
Bộ Công an thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại 25 tỉnh biên giới đất liền; kịp thời phát hiện, tham mưu giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh không để phức tạp kéo dài, trở thành "điểm nóng" tại khu vực biên giới, triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh mạng, an ninh văn hóa tư tưởng; đấu tranh phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch của các đối tượng phản động, chống đối.
Ủy ban Dân tộc chỉ đạo biên soạn, xuất bản tài liệu thông tin, tuyên truyền về dân tộc và chính sách dân tộc; xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được giao tại đề án; định kỳ từng giai đoạn tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ có liên quan gửi Bộ Quốc phòng tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc thực hiện các nhiệm vụ của đề án có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ. Chỉ đạo các cơ quan báo chí, xuất bản phát huy vai trò, trách nhiệm trong hỗ trợ thông tin, tuyên truyền tại các tỉnh địa bàn biên giới đất liền.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 1220/QĐ-TTg ngày 18/10/2024 phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc giai đoạn 2025 – 2030.
Đề án đặt mục tiêu nâng cao, cập nhật kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc từ trung ương đến địa phương trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể là tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Xây dựng và biên soạn các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực về nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách dân tộc đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Đến năm 2030, 100% đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực về nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách dân tộc.
Đến năm 2030, 100% các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc. được đẩy mạnh hoạt động về chuyển đổi số; hiện đại hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc.
Đề án được triển khai thực hiện tại Thanh tra và một số vụ, đơn vị có chức năng kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc thuộc Ủy ban Dân tộc; Thanh tra và các phòng chuyên môn thuộc Ban Dân tộc cấp tỉnh; phòng Dân tộc cấp huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2025 đến hết năm 2030.
Quyết định nêu rõ 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện bao gồm:
a) Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách: Rà soát, tham mưu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, các điều kiện đảm bảo hoạt động thanh tra, kiểm tra có tính chất đặc thù trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra để tháo gỡ, giải đáp những vướng mắc, những vấn đề mới phát sinh, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định quản lý về công tác dân tộc còn bất cập; đồng thời chia sẻ kỹ năng, bài học kinh nghiệm rút ra trong hoạt động thanh tra, kiêm tra thực hiện chính sách dân tộc.
b) Nhóm nhiệm vụ về nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc: Rà soát, xác định nhu cầu và xây dựng kế hoạch tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách dân tộc cho đội ngũ công chức tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, nhất là phục vụ cho việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho đội ngũ công chức tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
c) Nhóm nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chính sách dân tộc: Xây dựng phần mềm, cập nhật cơ sở dữ liệu nhằm theo dõi, quản lý về kết quả thanh tra, kiểm tra chính sách dân tộc trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
Tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu, khai thác số liệu về thanh tra, kiểm tra chính sách dân tộc.
d) Nhóm nhiệm vụ về tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo kinh phí cho hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác dân tộc: Tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện làm việc đảm bảo thực hiện có hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Ưu tiên, đảm bảo kinh phí hoạt động thanh tra, kiểm tra cho các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Dân tộc chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các cơ quan chức năng có liên quan xây dựng chương trình, tài liệu; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chính sách dân tộc các cấp. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện Đề án.
Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các hoạt động thuộc Đề án để triển khai thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật liên quan khác.
Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp thực hiện Đề án theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Phối hợp với các cơ quan theo dõi, đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến Đề án. Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác để phối hợp thực hiện Đề án.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan liên quan khác trong phạm vi, quyền hạn của mình và theo nhiệm vụ được phân công phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện các nhiệm vụ của Đề án./.