Hoạt động này thuộc Dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao và Chương trình Lao quốc gia Việt Nam (NTP).
Theo TS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Hệ thống này sẽ giúp giám sát ca bệnh lao và lao tiềm ẩn, quản lý chương trình thông qua các công cụ nâng cao, nhằm góp phần củng cố dịch vụ điều trị và dự phòng lao tại Việt Nam trong thời gian tới.
Từ năm 2019, USAID đã hợp tác với NTP để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát hiện, điều trị và báo cáo những người mắc lao chưa được phát hiện trong cộng đồng. Một trong những hợp phần quan trọng là nâng cấp hệ thống Vitimes để có thể giám sát chương trình chống lao một cách toàn diện.
Hệ thống Vitimes nâng cấp là một hệ thống thông tin điện tử toàn diện về bệnh lao, tích hợp đầy đủ các phân hệ, bao gồm các mô-đun dữ liệu, quản lý phát hiện và điều trị lao nhạy cảm, lao kháng thuốc và lao tiềm ẩn.
Hệ thống này sẽ góp phần làm giảm gánh nặng trong việc ghi nhận và báo cáo cho nhân viên y tế. Đồng thời cung cấp các báo cáo, phân tích dữ liệu giám sát bệnh lao, từ đó hỗ trợ các cấp đưa ra quyết định cho chương trình.
Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID/Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, USAID và NTP sẽ tiếp tục hợp tác để đảm bảo tất cả các tuyến trong hệ thống phòng chống lao, từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã có đủ năng lực để tiếp cận tới những nhóm cộng đồng dễ tổn thương và cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao tới những đối tượng cần hỗ trợ.
Đây cũng là cam kết của USAID trong việc hỗ trợ Việt Nam duy trì công tác kiểm soát bệnh lao, hướng tới giảm 90% tỷ lệ mắc lao, giảm 95% tỷ lệ tử vong do lao so với năm 2015 và không một hộ gia đình nào phải chịu chi phí thảm hoạ do lao gây ra, tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.
Dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao, do tổ chức FHI 360 triển khai, hỗ trợ chương trình chống lao ở cấp quốc gia, tại 9 tỉnh, thành ở nước ta, bao gồm An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh và Tiền Giang.
Hiền Minh