Theo Phó Thủ tướng, Bình Thuận nằm trên tuyến hành lang kinh tế Bắc - Nam, kết nối tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ - Đông Nam Bộ - Tây Nguyên, có những lợi thế khác biệt nổi bật về vị trí địa lý, vị thế địa - chiến lược trong thời đại hội nhập, mở cửa; trong kỷ nguyên của biển và đại dương và xu thế chuyển đổi xanh của toàn cầu.
Phát huy những tiềm năng lợi thế đó, Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Thuận liên tục nỗ lực, phấn đấu, phát huy bản lĩnh, tinh thần sáng tạo vượt qua khó khăn để phát triển mạnh mẽ, khẳng định là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 25 lần so với năm 1992 (thời điểm tái lập tỉnh). Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 8,1% so với năm 2022, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trên cả nước; xếp thứ 4/14 các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, kết nối, chia sẻ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 87 triệu đồng/người/năm, có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây.
Trong bối cảnh tăng trưởng của cả nước năm 2023 rất khó khăn, có thể nói, những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận là đặc biệt quan trọng.
Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu đưa vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Phát triển một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.
Với điều kiện và lợi thế riêng có, Bình Thuận được xác định là một trong những trung tâm công nghiệp về năng lượng sạch; du lịch biển, du lịch sinh thái và là một trong những điểm đến của con đường di sản miền Trung; trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển.
Hướng tới năm 2030, Bình Thuận dự kiến phấn đấu đạt GRDP bình quân đầu người khoảng 7.800 - 8.000 USD; tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng trên 50,8%, các đô thị hạt nhân được "thông minh hóa".
Nền kinh tế dựa trên trụ cột chính: Công nghiệp; dịch vụ du lịch, đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nông nghiệp công nghệ cao. Hoàn thành đầu tư khung hệ thống kết cấu hạ tầng: Cảng hàng không; cảng biển; đường cao tốc; đường sắt tốc độ cao.
Hạ tầng số đủ năng lực thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chuyển đổi số. Hạ tầng đô thị cơ bản được đầu tư hiện đại và tổ chức tốt… Người dân Bình Thuận dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận được công bố hôm nay mới chỉ định hướng không gian phát triển trong sự liên kết giữa các tỉnh thuộc tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, cũng như với các vùng kinh tế - xã hội khác, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.
Trong đó, Bình Thuận cần nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, toàn diện những lợi thế, bất lợi của tỉnh trong Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ để hoạch định, đề xuất những dự án kết nối hạ tầng quan trọng, cấp thiết.
Chia sẻ một số suy nghĩ, điểm nhấn trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Thuận quán triệt đầy đủ, sâu sắc Nghị quyết 06/NQ-TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, coi đô thị là giải pháp, mục tiêu, động lực phát triển kinh tế với các hệ sinh thái thương mại, dịch vụ, công nghiệp, du lịch… đi kèm.
Phó Thủ tướng cho biết, dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đang được xây dựng và hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý, phương pháp luận cho công tác quy hoạch đô thị, nông thôn, nhưng "ngay bây giờ, Bình Thuận nên chủ động lựa chọn những tổ chức tư vấn uy tín, nổi tiếng để cụ thể hóa những định hướng, mục tiêu trong quy hoạch chung của tỉnh thành các quy hoạch chi tiết, phân khu chức năng với lộ trình, tầm nhìn trăm năm".
"Cùng kinh nghiệm đã có, Bình Thuận cần rút ra những bài học, khắc phục được tồn tại của các đô thị hiện nay như ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ùn tắc giao thông, quản trị mật độ dân số…", Phó Thủ tướng trao đổi và yêu cầu tỉnh chú ý hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ hạ tầng với tư duy đô thị thông minh, đa mục tiêu, đồng thời gìn giữ, phát huy các di sản văn hoá trở thành nguồn tài nguyên du lịch quý giá.
Gợi mở một số định hướng về phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng, Bình Thuận phải tận dụng tiềm năng rất lớn về nắng, gió cho phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với mô hình thuỷ điện tích năng nhằm tạo ra nguồn điện xanh, ổn định, cân bằng cho hệ thống điện. Đây là lợi thế đột phá để tỉnh thu hút các nhà đầu tư trong xu thế chuyển đổi xanh của toàn cầu.
Bên cạnh đó, các hồ, đập thuỷ điện tích năng cũng là giải pháp hiệu quả để bảo đảm nguồn nước cho đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong mùa khô hạn.
Về du lịch, Bình Thuận tiếp tục đổi mới cách thức thiết kế, xây dựng sản phẩm du lịch, trên cơ sở phát huy tiềm năng biển, đảo gắn với thám hiểm, thể thao, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng. Cùng với đó, tài nguyên văn hóa cũng là nguồn cảm hứng, hấp dẫn rất đặc biệt đối với du khách.
Đánh giá cao quan điểm "không đặt lợi ích về khoáng sản cao hơn lợi ích về môi trường, bảo tồn văn hóa và thiên nhiên", Phó Thủ tướng đề nghị Bình Thuận hài hòa trong lựa chọn ưu tiên phát triển.
"Những nơi có thể khai thác khoáng sản thì tập trung công nghệ chế biến sâu, hàm lượng giá trị cao, còn nếu mâu thuẫn với công nghiệp xanh thì cần bảo tồn, dự trữ", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh các ngành kinh tế phi nông nghiệp, Phó Thủ tướng lưu ý, Bình Thuận đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp theo hướng vùng sản xuất, chế biến sâu, gắn với hạ tầng thuỷ lợi.
Để đáp ứng yêu cầu nhân lực của các ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, Phó Thủ tướng đề nghị Bình Thuận phối hợp với Bộ GD&ĐT khẩn trương cập nhật, đưa vào quy hoạch mạng lưới trường đại học, cơ sở giáo dục, trung tâm nghiên cứu.
"Với quyết tâm, khát vọng, sáng tạo, Bình Thuận sẽ chuẩn bị thật tốt cho nguồn tài nguyên con người được đào tạo, nắm bắt tri thức tập trung vào những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, đáp ứng được mục tiêu phát triển đã đặt ra trong quy hoạch", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành với tỉnh Bình Thuận trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, song tỉnh chủ động chuẩn bị "hành trang" về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc thù, hạ tầng kinh tế, xã hội, năng lượng… từ quan điểm, tư duy đổi mới trong Quy hoạch.
Với sự tham dự của các nhà đầu tư tại buổi lễ, Phó Thủ tướng mong muốn không chỉ đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Thuận mà các doanh nghiệp sẽ có những sáng kiến, đề xuất để xây dựng Bình Thuận thành môi trường đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư.
"Những nhà đầu tư đã được trao giấy chứng nhận, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đã sẵn sàng ý tưởng, tài chính, nguồn lực và địa phương phải chuẩn bị cơ chế chính sách, địa điểm để các dự án phát huy được hiệu quả", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng tin tưởng, với tinh thần vượt khó, năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân Bình Thuận sẽ đưa tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững, cả về tốc độ và chất lượng; mạnh, giàu từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước.
Minh Khôi