Đây là đánh giá của lãnh đạo các tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, Cà Mau trong dịp tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hòa Bình: 5.800 hộ thoát nghèo/năm
Là một tỉnh miền núi, Hòa Bình là nơi sinh sống của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có nhiều hộ nghèo, cuộc sống nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn đó là hộ nghèo khó tiếp cận được nguồn vốn với giá rẻ để tăng gia, sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Chính vì vậy, Nghị định số 78 của Chính phủ đã tạo cho tỉnh có nguồn lực hợp lý để hỗ trợ hộ nghèo, hộ đối tượng chính sách có vốn sản xuất.
Trong 20 năm qua (2002-2022) kể từ khi có Nghị định 78, hoạt động tín dụng chính sách luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ, UBND tỉnh và Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Hòa Bình. Cùng với đó, sự chung tay của 4 tổ chức chính trị-xã hội nhận uỷ thác, của các tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động cho vay được thông suốt, thủ tục đơn giản nên nguồn vốn của NHCSXH đã kịp thời đến tay người nghèo.
Khi mới thành lập (2003), Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình chỉ cho vay 2 chương trình tín dụng. Sau 20 năm, Chi nhánh đã triển khai 22 chương trình tín dụng với tổng dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng, tăng gần 20 lần so với đầu kỳ.
Vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ hơn 644.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong xóa đói, giảm nghèo. Kết quả là đã có hơn 116.000 lượt hộ thoát nghèo (theo từng giai đoạn điều tra, bình quân giảm 5.800 hộ/năm), góp phần quan trọng cho công cuộc xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Kinh nghiệm sau 20 năm thực hiện Nghị định 78 được Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh nhấn mạnh là tiếp tục thực hiện tốt Nghị định của Chính phủ. Trong đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường nguồn lực cho NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của tỉnh. Cùng với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội trong hoạt động tín dụng chính sách.
Thái Nguyên: Mức cho vay 1 hộ tăng 11,3 lần
Qua 20 năm thực hiện Nghị định 78, từ 3 chương trình tín dụng đầu tiên, với dư nợ 175 tỷ đồng, đến nay, NHCSXH tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thêm 16 chương trình, dư nợ đạt 3.976 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 6/2022, doanh số cho vay đạt 12.367 tỷ đồng, với gần 617.000 lượt hộ nghèo được vay vốn. Mức cho vay bình quân/hộ ngày càng tăng, từ 3,3 triệu đồng/hộ (năm 2003) lên 37,3 triệu đồng/hộ (hiện nay).
Con số này nói lên nhiều ý nghĩa. Đó là từ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, của cấp ủy, chính quyền địa phương, của NHCSXH, số tiền người nghèo được vay tăng mạnh (khoảng 11,3 lần), giúp họ có thêm nguồn lực sản xuất, con em được học hành. Cùng với đó, con số này cũng cho thấy rõ sự lớn mạnh của nguồn vốn tại NHCSXH.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là NHCSXH, việc triển khai Nghị định 78 trên địa bàn tỉnh đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, khẳng định vị trí đây là một trong những "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo.
Theo lãnh đạo NHCSXH tỉnh Thái Nguyên, để đưa nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người vay, hệ thống NHCSXH trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng thực hiện tốt phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân) và mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở...
Kết quả, những năm gần đây, tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội của NHCSXH tỉnh luôn chiếm trên 99% trong tổng dư nợ cho vay của toàn Chi nhánh.
Nguồn vốn ưu đãi được tập trung chủ yếu cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Trong đó, hơn 89% dư nợ được đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giáo dục và đào tạo; hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số; các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... nhằm giúp các đối tượng này cải thiện cuộc sống. Từ đó, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2003-2005, vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 9,85% xuống còn 4,68%; giai đoạn 2006-2010 giảm số hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) từ 26,85% xuống còn 10,8%; giai đoạn 2011-2015 giảm từ 20,57% xuống 7,06%; giai đoạn 2016-2020, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm từ 13,4% xuống còn 2,82%.
Với kết quả đạt được trong những năm qua, tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo và được đánh giá là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Nghị định 78 nơi đất mũi Cà Mau
Trong 20 năm qua, ngoài sự quan tâm của Trung ương, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Cà Mau còn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội. Điều này đã giúp NHCSXH tỉnh góp phần tích cực trong xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, tạo ra thế và lực bước đầu rất quan trọng, đặt nền móng vững chắc cho những bước đi tiếp theo.
Đến nay, tổng nguồn vốn của Chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt hơn 3.440 tỷ đồng, tăng gần 3.330 tỷ đồng (tăng hơn 29 lần) so với khi mới thành lập (2003).
Hiện Chi nhánh đang triển khai 21 chương trình tín dụng chính sách. Đến ngày 30/6/2020, doanh số cho vay đạt hơn 9.511 tỷ đồng, với 716.769 lượt hộ nghèo được vay vốn; tổng dư nợ đạt hơn 3.436 tỷ đồng, tăng so với thời điểm mới thành lập trên 3.341 tỷ đồng (tăng gần 35 lần), với 126.282 hộ còn dư nợ. Số vốn bình quân 1 hộ vay đạt tới 27,2 triệu đồng.
20 năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho hơn 716.769 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách; góp phần giúp cho hơn 356.966 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn, đưa số hộ vượt qua ngưỡng nghèo là 81.566 hộ; giải quyết việc làm cho 64.073 lao động; giúp cho 44.653 học sinh sinh viên có vốn để trang trải chi phí học tập; có 150.339 hộ được vay vốn xây dựng công trình nước sạch và cầu vệ sinh,…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân, những kết quả đạt được trong 20 năm đưa Nghị định 78 vào cuộc sống đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là công cụ, giải pháp có tính đặc biệt quan trọng, lâu dài để cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế./.