Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn vừa tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 4/10/2022 của Chính phủ về về tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (2002-2022).
Là 2 tỉnh miền núi vùng Đông Bắc Tổ quốc, nơi có tỉ lệ đồng bào người dân tộc thiểu số khá cao, đời sống người dân, trong đó có người nghèo và các đối tượng chính sách, còn khó khăn.
Vì vậy, từ khi NHCSXH được thành lập (cuối năm 2002), cùng với chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước mà dấu mốc quan trọng là Nghị định số 78 (tháng 10/2002), nguồn vốn tín dụng ưu đãi được NHCSXH triển khai đã góp phần quan trọng cho công cuộc giảm nghèo ở 2 địa phương này.
"Tổng động viên" các nguồn vốn cho giảm nghèo
Tại Cao Bằng, với sự quan tâm của Trung ương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh, sự nỗ lực của Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh và các Phòng giao dịch NHCSXH huyện, nhiều nguồn vốn đã được huy động để thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.
Qua 20 năm thực hiện Nghị định 78, đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đạt hơn 3.235 tỷ đồng, tăng hơn 3.138 tỷ đồng so với năm 2002, bình quân tăng 156,9 tỷ đồng/năm.
Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt hơn 2.705 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 77,1 tỷ đồng; nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân đạt 452,7 tỷ đồng. Riêng năm 2022, số tiền huy động qua tiền gửi tiết kiệm của NHCSXH đạt hơn 40 tỷ đồng.
Đến nay, tổng dư nợ 18 chương trình tín dụng ưu đãi tại Cao Bằng đạt 3.228 tỷ đồng với 56.554 hộ vay vốn, dư nợ bình quân đạt 57 triệu đồng/khách hàng/năm; trong đó, dư nợ tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đạt hơn 1.310 tỷ đồng với 24.180 khách hàng vay vốn.
Các chương trình tín dụng tập trung chủ yếu cho vay hộ nghèo chiếm 41,84%, chương trình cho vay hộ cận nghèo chiếm 20,34%, cho vay hộ gia đình SXKD vùng khó khăn 13,95%, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm 10,98%.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 421.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất; giải quyết việc làm cho hơn 25.000 lao động; hỗ trợ trên 2.000 người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng trên 61.500 công trình vệ sinh và nước sạch; hỗ trợ hơn 22.300 HSSV hộ nghèo theo học tại các trường đại học, cao đẳng; hỗ trợ xây dựng trên 8.100 căn nhà cho hộ nghèo, xây dựng trên 200 căn nhà cho hộ gia đình có thu nhập thấp.
Góp phần giảm 3% tỉ lệ hộ nghèo
Tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đánh giá việc triển khai chính sách của Chính phủ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nguồn vốn ưu đãi chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống vươn lên thoát nghèo.
Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh Lạng Sơn, sau 20 năm triển khai chương trình tín sách tín dụng, đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 3.584,6 tỷ đồng, tăng 19,1 lần so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân hằng năm đạt 17%/năm, với trên 65.989 hộ còn dư nợ. Doanh số cho vay trong 20 năm đạt 11.352,2 tỷ đồng với hơn 470.000 lượt hộ vay vốn.
Trong 20 năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã giúp 45.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân hằng năm hơn 3%.
Nguồn vốn đã giúp 28.000 lao động có việc làm; 31.000 HSSV được vay vốn học tập; hơn 128.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng. Cùng với đó, 7.900 ngôi nhà hộ nghèo và đối tượng chính sách được sửa chữa, cải tạo, xây dựng mới.
Cùng với thực hiện Nghị định số 78, trong triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là hỗ trợ người nghèo, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục… bị ảnh hưởng dịch COVID-19, NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đã triển khai hỗ trợ các đối tượng theo quy định.
Cụ thể, 44 doanh nghiệp và cơ sở giáo dục được vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 1.800 lượt lao động; 7 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay vốn để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19…
Tiếp tục bảo đảm nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo
Theo lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78 là nhằm đánh giá những kết quả đạt được cũng như những điểm còn hạn chế, trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ giải pháp thực hiện trong năm tiếp theo.
Vì vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới, ngoài thực hiện tốt Nghị định 78 của Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, đồng thời bám sát kế hoạch của NHCSXH Trung ương…
Hằng năm, địa phương bố trí một phần ngân sách để NHCSXH có thêm nguồn vốn cho vay các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Ban đại diện HĐQT, Chi nhánh NHCSXH tỉnh và các tổ chức nhận uỷ thác các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội nhằm đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, an toàn, hiệu quả, tránh việc trục lợi chính sách.
Các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tích cực tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội, các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu, tạo sự lan toả mạnh mẽ trong xã hội./.