Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Công đoàn hiện hành đã bộc lộ hạn chế, bất cập, một số quy định của luật đã không còn phù hợp với thực tiễn. Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các tác động của cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đã và đang đặt ra cho đất nước ta và tổ chức công đoàn những thời cơ và thách thức mới.
Việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả truyền thống của tổ chức công đoàn, đồng thời phải khẳng định được vai trò chủ lực, định hướng dẫn dắt phong trào công nhân trong tình hình mới. Do đó, đa số các ý kiến tán thành với sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Về phạm vi sửa đổi, nhiều ý kiến bày tỏ nhất trí với việc sửa đổi toàn diện dự án Luật, tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần thiết khác cần nghiên cứu, xem xét như: vấn đề xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt; tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, phong trào công nhân hay khuyến khích xã hội hóa nguồn lực,... cần phải được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đặt ra trong quá trình xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để việc sửa đổi các chính sách trong dự án Luật bảo đảm toàn diện, sâu sắc, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) dành sự quan tâm đến việc đảm bảo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động tại các doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất. Đại biểu cho biết, trên thực tế, không phải tất cả các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất hiện nay đều thành lập công đoàn, và không phải ở đâu có tổ chức công đoàn thì đều được điều kiện hoạt động thuận lợi về thời gian, điều kiện vật chất cũng như ủng hộ tinh thần.
Trong đó, tổ chức công đoàn là một tổ chức hoạt động đại diện mà vì người lao động, nhưng có tính chất tự nguyện, không phải là tổ chức nằm trong cơ cấu cấu thành của một tổ chức sản xuất. Do đó, nếu quy định chủ doanh nghiệp phải bố trí phòng làm việc phải tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn thì không phù hợp thực tế.
Băn khoăn về việc quy định thời gian lao động của cán bộ công đoàn không chuyên trách mà được hưởng lương, đại biểu cho biết, trên thực tế, chỉ khi chủ doanh nghiệp thấy rằng tổ chức công đoàn có tác dụng hỗ trợ mạnh mẽ, giúp đỡ đắc lực cho doanh nghiệp trong nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao hiệu quả... thì chủ doanh nghiệp mới được tạo điều kiện cho công đoàn.
Trường hợp này còn hiếm hoi, thực tế rất ít chủ doanh nghiệp chấp nhận, chấp hành quy định này. Do vậy, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo đưa ra những quy định khả thi, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo luật được đưa vào cuộc sống sau khi có hiệu lực.
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho biết, tại các công ty, doanh nghiệp, công đoàn là tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động, tuy nhiên, tiền lương và các chi phí trả cho cán bộ công đoàn ở các công ty, doanh nghiệp lại do chính chủ công ty, doanh nghiệp, tức người sử dụng lao động chi trả.
Đại biểu cho rằng, cơ cấu nguồn thu này dẫn đến cán bộ công đoàn ở trong công ty, doanh nghiệp khó có thể thực sự dám lên tiếng bảo vệ người lao động khi quyền lợi của người lao động bị xâm phạm.
Theo đại biểu, các tổ chức công đoàn còn thể hiện vai trò rất hạn chế trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các vụ việc khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động tại các công ty, doanh nghiệp. Để tổ chức công đoàn cơ sở tại các công ty, doanh nghiệp ngoài nhà nước phát huy được thực sự vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đại biểu đề nghị tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác đối với cán bộ công đoàn chuyên trách ở các công ty, doanh nghiệp nên lấy từ kinh phí từ của công đoàn cấp trên để chi trả. Quy định như vậy sẽ giúp cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại công ty, doanh nghiệp.
Đại biểu Hà Hồng Hạnh (Đoàn Khánh Hòa) cho biết, khoản 2 Điều 8 của dự thảo Luật có quy định rằng, điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể công đoàn các cấp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 17 của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc thành lập, giải thể tổ chức và hoạt động của công đoàn cơ sở được thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn. Do đó để đảm bảo sự đồng bộ, tương thích của hệ thống pháp luật, đại biểu đề nghị quy định cụ thể điều kiện thành lập, giải thể, tổ chức và hoạt động của các công đoàn trong dự thảo Luật.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, với không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, các đại biểu Quốc hội đã cơ bản thống nhất với việc sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn với nhiều nội dung mới, đồng thời, các đại biểu cũng đề cập nhiều vấn đề từ thực tiễn phong phú, sinh động từ cơ sở, từ yêu cầu phát triển, kế thừa và phát huy vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Các đại biểu cũng đưa ra các đề xuất có nhiều căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn sâu sắc, toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao đối với dự thảo Luật, làm cơ sở chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung quy định lẫn kỹ thuật lập pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần tiếp thu đầy đủ, xác đáng, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật.
LS