Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đại hội vinh dự được đón các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng...
Cùng dự đại hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lão thành cách mạng; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam qua các thời kỳ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương; các đoàn đại biểu quốc tế và Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn thế giới…
Phát biểu khai mạc Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII là sự kiện chính trị trọng đại, ngày hội lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, bàn, quyết định những vấn đề quan trọng của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn.
Ông Trần Thanh Hải nêu rõ, 5 năm qua, Đảng, Nhà nước tiếp tục dành nhiều sự quan tâm, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt là Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới", tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và hoạt động công đoàn.
Thực hiện nhiệm vụ do Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra, với tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, các cấp công đoàn tiếp tục có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động để thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của tình hình thực tiễn; có những mô hình mới, cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa, được đoàn viên, người lao động, cấp ủy, chính quyền và người sử dụng lao động ghi nhận.
Tổ chức công đoàn cũng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển và đổi mới đất nước; thực sự là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta.
"Những thành tích đó là kết quả của quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế", ông Trần Thanh Hải khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong gần 2 năm qua, đã diễn ra một phong trào sâu rộng của đoàn viên, người lao động chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Chương trình "1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19" đã có gần 830 nghìn công nhân, viên chức, lao động tham gia, đóng góp hơn 2 triệu sáng kiến, làm lợi hơn 33 nghìn tỷ đồng.
Đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là đại hội lần đầu tiên tiến hành trong một năm. Các cấp công đoàn đã có nhiều nỗ lực sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, vượt qua nhiều khó khăn, có 110.081 công đoàn cơ sở tổ chức đại hội, 7.486 công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị, bảo đảm tiến độ, tạo tiền đề cho các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tiến hành Đại hội.
Đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là đại hội đầu tiên cụ thể hóa Chiến lược phát triển Công đoàn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới". Tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm với đất nước, với đoàn viên, người lao động được thống nhất trong đại hội công đoàn cấp tỉnh, thành phố, công đoàn ngành và trong các nội dung trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhằm tạo ra thế và lực mới của Công đoàn Việt Nam.
Với tinh thần "Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển", Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là Đại hội chuyển hướng mạnh mẽ về nhiệm vụ trọng tâm hoạt động công đoàn, đột phá trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, tiếp tục bồi đắp các giá trị văn hóa của tổ chức Công đoàn để hướng tới 100 năm Công đoàn Việt Nam. Những quyết định của Đại hội thể hiện ý chí và nguyện vọng của đội ngũ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước, của các cấp công đoàn, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ.
Tiếp đó, Đại hội đã nghe Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày Báo cáo tóm tắt Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, các cấp công đoàn, nhất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, có kiến nghị xác đáng tại Hội đồng Tiền lương quốc gia, góp phần tăng lương tối thiểu vùng 25,34% so với đầu nhiệm kỳ.
Tham mưu tổ chức thành công Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân hàng năm, "Diễn đàn Người lao động" do Chủ tịch Quốc hội chủ trì, các cuộc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, viên chức, lao động, góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan tâm, bức xúc của công nhân, lao động; là kênh quan trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Cùng với đó, đã tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện ngày càng có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể theo hướng thực chất, tập trung vào các vấn đề tiền lương, điều kiện và thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của người lao động. Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, góp phần giảm 55,3% số cuộc ngừng việc tập thể so với nhiệm kỳ 2013 - 2018.
Hoạt động giáo dục, phổ biến, tư vấn pháp luật tại nơi ở, nơi làm việc của đoàn viên, người lao động và hoạt động bảo vệ quyền lợi của người lao động tại tòa án được đẩy mạnh. Công tác tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người lao động; công tác an toàn vệ sinh lao động tiếp tục được tăng cường.
Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các cấp công đoàn đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động; phối hợp tổ chức sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến", ban hành 5 chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động và con của người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID - 19, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu với tổng số tiền gần 6 nghìn tỉ đồng với 10 triệu lượt người lao động được thụ hưởng; tham gia đề xuất, phối hợp tổ chức triển khai và giám sát thực hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động và doanh nghiệp.
Hàng chục mô hình Công đoàn tham gia phòng, chống COVID - 19 được lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và người sử dụng lao động đánh giá cao. Các chương trình, mô hình chăm lo cho đoàn viên, người lao động mang đậm dấu ấn Công đoàn như "Tết Sum vầy", "Mái ấm Công đoàn", "Phiên chợ Công nhân"... tiếp tục được phát triển, hoàn thiện, lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu đến cơ sở. Tích cực nghiên cứu, tham gia đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nhà ở, nơi khám chữa bệnh, hạ tầng xã hội dành cho công nhân.
Việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đoàn viên, người lao động có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức nhất là việc ứng dụng rộng rãi công nghệ số. Đoàn viên, người lao động tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xuất hiện nhiều gương điển hình, nhiều mô hình hiệu quả, đóng góp cho sự lớn mạnh của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
"Tháng Công nhân" hằng năm được triển khai rộng khắp, hướng về cơ sở với nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, trở thành điểm nhấn quan trọng, có sức lan tỏa, tạo động lực và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho công nhân lao động cả nước, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, quần chúng lao động.
Công tác truyền thông về tổ chức công đoàn có bước chuyển mạnh. Các cấp công đoàn đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động. Quan tâm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động, nhất là công nhân, lao động khu công nghiệp, khu chế xuất, xuất hiện nhiều mô hình, sân chơi lành mạnh phục vụ người lao động.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đình Khang, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được triển khai sâu rộng, góp phần giảm thiểu các hành vi chống phá Công đoàn Việt Nam, chống phá Đảng và chế độ nhà nước ta. Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả...
Thu Cúc