In bài viết

Tạo đột phá cho tín dụng chính sách xã hội

(Chinhphu.vn) - Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần không nhỏ vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.

04/06/2024 10:18
Tạo đột phá cho tín dụng chính sách xã hội- Ảnh 1.

Giải ngân vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một - Ảnh: Báo Bình Dương

Đột phá từ cách làm

Trong những năm qua, tín dụng chính sách do NHCSXH Bình Dương thực hiện luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên. Nhờ vậy, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Theo ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH Bình Dương, ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 40, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt chỉ thị đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Đảng đoàn HĐND và UBND tỉnh ban hành chỉ thị triển khai thực hiện. 

Hằng năm, UBND tỉnh giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo và hộ thoát nghèo để trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt kết quả điều tra. Đây là căn cứ để thực hiện các chế độ chính sách đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo và cũng là cơ sở để NHCSXH Bình Dương thực hiện cho vay. Đối tượng vay vốn tín dụng chính sách được các tổ chức chính trị-xã hội cấp xã, tổ tiết kiệm vay vốn bình xét công khai có sự chứng kiến của trưởng khu, ấp và được UBND cấp xã xác nhận; từ đó việc cho vay bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng và có sự giám sát của người dân, chính quyền cơ sở trên địa bàn.

Chủ động thực hiện

Nhằm thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội”, cùng với nguồn vốn của Trung ương, hàng năm, UBND tỉnh Bình Dương và UBND các địa phương đều dành một phần vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn. 

Tính đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh đạt 4.717.291 triệu đồng, tăng 3.663.519 triệu đồng (tăng gần 3,5 lần) so với thời điểm ngày 31/12/2014. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đến ngày 30/4/2024 đạt 1.967.609 triệu đồng (chiếm 42% tổng nguồn vốn), tăng 1.903.684 triệu đồng (tăng gần 30 lần) so với thời điểm ngày 31/12/2014.

“Thời gian qua, nguồn vốn cho vay không ngừng tăng và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Nhất là từ khi có Chỉ thị 40, nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với trước kia”, ông Võ Văn Đức cho biết thêm.

Hộ gia đình bà Phạm Thị Hồng ở huyện Bắc Tân Uyên là một trong những gia đình được vay vốn từ nguồn vốn vay NHCSXH Bình Dương để phát triển kinh tế. Trước đây, gia đình bà Hồng thuộc hộ nghèo gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để phát triển kinh tế. Nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của chính quyền địa phương, năm 2018 gia đình bà Hồng được vay số tiền 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay của NHCSXH. Với số vốn được vay cộng thêm ít vốn tích lũy, gia đình bà Hồng đã tập trung đầu tư vào buôn bán. Sau thời gian cố gắng chịu khó làm ăn, nguồn vốn vay đã phát huy hiệu quả, giúp gia đình bà thoát khỏi khó khăn để ổn định cuộc sống.

Từ những số liệu thống kê cho thấy hiệu quả từ tín dụng chính sách xã hội thời gian qua đã giúp hàng chục nghìn hộ thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, góp phần bảo đảm công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế của tỉnh.

Tạo đột phá cho tín dụng chính sách xã hội- Ảnh 2.

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cao Lộc kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của hộ vay vốn xã Lộc Yên - Ảnh: Báo Lạng Sơn

Thời gian qua, Huyện ủy Cao Lộc, Lạng Sơn luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40, trong đó tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách xã hội của Nhà nước đến người dân; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Qua đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ trách nhiệm đối với việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hằng năm, UBND huyện đã chuyển nguồn vốn ngân sách huyện sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương của huyện sang NHCSXH huyện là hơn 6,8 tỷ đồng, tăng 6,3 tỷ đồng so với thời điểm chưa có Chỉ thị 40 (đây là huyện có nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cao nhất tỉnh).

Cùng với đó, nguồn vốn được triển khai đến 22/22 xã, thị trấn, 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện. UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện để NHCSXH huyện tổ chức giao dịch lưu động tại xã đảm bảo an ninh, an toàn, đồng thời quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách.

Ông Đặng Đức Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Gia Cát cho biết: Hiện toàn xã có 328 hộ vay vốn với tổng dư nợ trên 24 tỷ đồng. Xác định nguồn vốn vay ưu đãi có vai trò quan trọng đối với bà con, cấp ủy, chính quyền xã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 40, từ đó nâng cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức hội nhận ủy thác trong thực hiện kiểm tra, giám sát các hộ vay. Nhờ đó, nhiều năm qua, xã không có nợ quá hạn; các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, đời sống người dân ngày càng cải thiện.

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp hoạt động tín dụng chính sách của huyện ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao. 

Đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đang triển khai 16 chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ đạt trên 362 tỷ đồng, tăng trưởng 208 tỷ đồng so với năm 2014, tỉ lệ tăng trưởng hằng năm đạt 13,5% (đây là 1 trong 5 huyện có tỷ lệ tăng trưởng dư nợ cao của tỉnh). Dư nợ cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị-xã hội đạt 360,4 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể cơ sở trong việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách xã hội cũng như hoạt động của NHCSXH. 

Trong 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng đã giúp 4,6 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 1.033 lao động; xây dựng 3.227 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; 1.326 gia đình tại vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh; góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của huyện bình quân mỗi năm từ 3% trở lên, hết năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo của huyện còn 5,27%.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị 40, cấp uỷ, chính quyền huyện tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thực hiện tốt các nhiệm vụ. Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác các cấp tiếp tục quan tâm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội; chỉ đạo, giám sát việc bình xét các đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay hiệu quả.

BT