Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh cần tiếp tục được cắt bỏ. |
Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết, điều kiện kinh doanh là một loại rào cản lớn trong gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh, hạn chế sáng tạo và tác động bất lợi đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành rà soát và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 50% số điều kiện kinh doanh; hoàn thành và trình Chính phủ ký ban hành trước ngày 31/10/2018.
Tuy nhiên, đến nay, CIEM vẫn đang tiếp tục rà soát đánh giá, báo cáo, đề xuất với Chính phủ tiếp tục cắt giảm số điều kiện kinh doanh hiện hành.
Đánh giá sơ bộ về kết quả rà soát việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho hay, trong năm 2018, tính đến 31/10, đã có 36 nghị định về điều kiện kinh doanh được ban hành, qua đó sửa đổi, bổ sung 88 nghị định.
Tuy nhiên, các điều kiện kinh doanh thực sự được bãi bỏ chỉ là 771, trong khi đó có 29 điều kiện kinh doanh phát sinh. Theo ông Hiếu, so với các lĩnh vực được sửa đổi, thì con số 771 điều kiện được bãi bỏ đã đạt yêu cầu của Chính phủ, nhưng so với tổng số các điều kiện kinh doanh hiện hành thì chưa đạt yêu cầu (nhiều lĩnh vực vẫn chưa ban hành các nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh).
Điểm ra việc cắt giảm một số điều kiện kinh doanh có tác động lớn đến thị trường, ông Hiếu kể đến Nghị định 87/2018 về kinh doanh gas, Nghị định về kinh doanh xăng dầu… hay một số điều kiện kinh doanh đã quy định về số lượng nhân sự của ngành nghề đã rút cực gọn.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, vẫn có việc cắt giảm điều kiện kinh doanh không mang lại tác động hoặc không tác động đáng kể tới doanh nghiệp. Đặc biệt, có những quy định bổ sung điều kiện kinh doanh lại gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn như quy định “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”, hay việc sửa đổi các quy định yêu cầu nhân sự có kinh nghiệm 36 tháng thì được giảm xuống còn… 30 tháng.
“Có một điều rất đáng quan ngại. Đó là trong khi có những bộ cắt giảm điều kiện kinh doanh thì những điều kiện bị cắt giảm ấy lại được bộ khác đưa vào”, ông Hiếu nói. Lấy ví dụ về một số quy định trong Nghị định 49, quy định về yêu cầu kiểm định chất lượng giáo dục. Nghị định này yêu cầu cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục phải có ít nhất 10 kiểm định viên, có trụ sở ổn định hai năm, có phòng làm việc cho mỗi kiểm định viên tối thiểu 8 m2…
“Nó là các điều kiện mà các bộ đã bãi bỏ thì lại xuất hiện trong lĩnh vực giáo dục”, ông Hiếu nói và kết luận "phải xem xét lại chất lượng pháp luật mới là vấn đề”.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM cho rằng, nhiều điều kiện kinh doanh sửa đổi gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Theo đó, vẫn còn nhiều quy định không chung chung, thiếu rõ ràng, khó tiên liệu, tạo rủi ro cho doanh nghiệp; chứng chỉ hành nghề chỉ do các cơ quan quản lý nhà nước cấp tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực (nhất là trong lĩnh vực xây dựng); mở rộng thêm các quy định về điều kiện kinh doanh trong thủ tục hồ sơ.
Trên thực tế, tình trạng lạm dụng các điều kiện kinh doanh, đặt ra các yêu cầu không cần thiết hoặc vượt quá mục tiêu kiểm soát rủi ro, diễn ra khá phổ biến. Điều này dẫn tới hệ quả hoạt động kinh doanh bị cản trở, bị can thiệp quá mức, việc gia nhập thị trường và cạnh tranh trên thị trường bị bóp méo, trong khi các lợi ích công cộng vẫn không được bảo vệ.
Để hoạt động rà soát, điều chỉnh điều kiện đầu tư kinh doanh của các bộ, ngành đi vào thực chất hơn nữa, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần tăng cường sự tham vấn cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động rà soát pháp luật; tăng cường cơ chế kiểm soát; thống nhất quan điểm rà soát và mở rộng các đề xuất trong các phương án điều chỉnh pháp luật kinh doanh mà các bộ, ngành đề ra...
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì dẫn ý kiến luật sư cho rằng hiện có thể có tới 7.000 điều kiện kinh doanh. “Vì vậy, cuộc chiến này vẫn rất khẩn thiết”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Cùng quan điểm, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh quan điểm cải cách là việc rất khó khăn, do đó cần phải được duy trì liên tục, nhất quán, cần có động lực từ bên trong và áp lực từ bên ngoài.
Thanh Hằng