• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Phí BOT: Vấn đề nóng vào Nghị quyết của Chính phủ

(Chinhphu.vn) – Không thể phủ nhận rằng BOT đã làm thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông của Việt Nam, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng mức phí của nhiều trạm BOT đang ở mức cao so với sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.

11/05/2016 16:53
Nhiều ý kiến đề nghị nên kéo dài thời gian thu phí BOT thay vì "dồn cục" trong thời gian ngắn-Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ
Đến thời điểm hiện tại, nước ta có 71 dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT với số tiền đầu tư lên tới vài trăm nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án BOT đã giúp rút ngắn thời gian đi lại của người dân, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí khấu hao phương tiện. Tuy nhiên, gần đây mức phí tại một số dự án BOT đã gặp phản ứng của người dân và đặc biệt là từ doanh nghiệp.

Nay, vấn đề nóng bỏng này đã được đưa vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT hiện nay, đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải.

Phí đường bộ đắt hơn chi xăng dầu

Ông Hoàng Quang Ngọc, Giám đốc Công ty Vận tải container Hoàng Hà cho biết, một chuyến xe container 30 tấn đi quãng đường Hà Nội-Hải Phòng mất 800.000 đồng phí nếu đi Quốc lộ 5, còn đi cao tốc là 1.200.000 đồng. Trong khi trước đây, một xe chỉ mất 320.000 đồng phí. Thực tế, phí đường bộ còn đắt hơn cả chi phí xăng dầu vì đi Hà Nội-Hải Phòng, xe container chỉ mất 700.000 đồng tiền dầu.

“Một chuyến chở được 30 tấn hàng mà mất đến 800.000 đồng phí cầu đường, buộc chúng tôi phải tăng giá cước vận tải, mức cước này sẽ lại đổ lên hàng hóa và người dân phải chịu. Trong khi đó, các doanh nghiệp còn phải cạnh tranh lẫn nhau từng đồng một, buộc chúng tôi phải chọn con đường khác để đi, như đường 391 qua Hải Dương xa hơn một chút nhưng tiết kiệm được 180.000 đồng phí”, ông Hoàng Quang Ngọc chia sẻ.

Mặt khác, ông Hoàng Quang Ngọc cho rằng, doanh nghiệp đang không có quyền lựa chọn. Với mức phí cầu đường quá cao như hiện nay, doanh nghiệp buộc phải tăng cước vận tải trong khi Bộ GTVT lại chủ trương yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước.

“Tôi kiến nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh mức phí sao cho hợp lý, đừng áp đặt việc hoàn vốn cho chủ đầu tư trong thời gian ngắn nhất mà không tính đến sức chịu đựng của nền kinh tế”,  ông Hoàng Quang Ngọc nói.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, chủ doanh nghiệp vận tải Đức Anh ở Hải Phòng chia sẻ, một năm doanh nghiệp này phải nộp khoảng 17 triệu phí bảo trì đường bộ, nay đi đến đâu lại phải trả phí BOT, đây là một nguyên nhân khiến doanh nghiệp hiện chỉ hoạt động cầm chừng.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng chủ trương BOT là đúng, tuy nhiên hiện nay xuất hiện nhiều bất hợp lý, như đường Pháp Vân- Cầu Giẽ chỉ nâng cấp, mở rộng lan can, thảm mặt đường chưa xong đã thu, vừa làm vừa thu là không đúng.

“Từ Hà Nội đi Thái Bình có 100 km mà có tới 4 trạm thu phí. BOT là tốt phải có kiểm soát từ khâu đầu, có đấu thầu kiểm soát của nhà nước, thậm chí quốc tế. Cần phải minh bạch hơn về chi phí mà các nhà đầu tư bỏ ra và khoản thu vào”, ông Liên đề nghị.

Tìm lời giải cho bài toán khó

Nhận định về mức phí BOT hiện nay, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề nghị kéo dài thời gian thu phí để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, cho người dân, tránh “dồn cục” trong một thời gian ngắn hoặc thanh kiểm tra lại toàn bộ các dự án để trả lại đúng giá trị thực.

“Bởi, phí BOT đang thực sự ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Chi phí vận tải cao sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, giảm sức thu hút đầu tư các doanh nghiệp nước ngoài, người dân phải mua hàng hóa đắt đỏ hơn, kìm hãm nền kinh tế”, ông Ngô Trí Long nhận định.

Bản thân các doanh nghiệp vận tải cũng cho rằng, thà kéo dài thời gian thu phí để giảm bớt gánh nặng còn hơn bắt các doanh nghiệp chịu mức phí cao như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết cũng vừa có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền về việc Nhà nước nên xem xét lại giá phí đường BOT, cự ly các trạm BOT để phù hợp với sức chịu đựng của người dân và đúng với quy định hiện hành. Đồng thời, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thu phí để giảm thời gian chờ đợi, tăng tốc độ lưu thông, giảm chi phí vận tải khi phải dừng lại nhiều trạm BOT.

"Chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm chấm dứt thu phí 2 trạm Quốc lộ 5 cũ, chấm dứt các trạm thu phí đặt bất hợp lý như trạm Bắc Thăng Long- Nội Bài”, ông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị.

Các doanh nghiệp vận tải hiện đang rất hào hứng với yêu cầu của Chính phủ tại dự thảo Nghị quyết và cho rằng, nếu mức phí BOT được điều chỉnh hợp lý, hoạt động vận tải sẽ minh bạch hơn rất nhiều, không còn cảnh né trạm thu phí đi vòng qua tỉnh lộ và hàng hóa sẽ được sát với giá trị thực tế hơn.

Theo ông Hoàng Quang Ngọc, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đánh giá rất cao chủ trương quyết liệt và phù hợp này của Chính phủ.

“Tiếng nói của doanh nghiệp đã được Chính phủ, được Thủ tướng lắng nghe. Thực sự câu chuyện phí vận tải đang khiến doanh nghiệp rất khó khăn. Chúng tôi biết mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn, nhưng việc giảm bớt chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, trong đó có việc điều chỉnh phí đường bộ, phí BOT, sẽ giúp các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hơn và qua đó, ngân sách nhà nước sẽ được bù đắp bằng cách khác”, ông Ngọc nói.

Phan Trang