Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Một góc quần đảo Galapagos |
Nằm cách lục địa khoảng 1.000 kilômét, sân bay này là điểm tiếp nhận phần lớn trong số khoảng 140.000 du khách hàng năm thăm Galapagos, quần đảo đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên của nhân loại vào năm 1978 và nổi tiếng với hệ động vật phong phú, cơ sở cho nhà bác học lỗi lạc Darwin phát triển Thuyết Tiến hóa của mình.
Robot nano chữa các bệnh về gen
Các nhà khoa học Viện Công nghệ bang California (Hoa Kỳ) đã sử dụng công nghệ nano chế tạo thành công robot nano có thể di chuyển trong máu để chuyển các liệu pháp điều trị thích hợp các bệnh về gen tới các mô bị bệnh trong cơ thể người, như bệnh ung thư. Robot nano được phủ bằng một loại protein đặc hiệu có thể mở cửa các phân tử của nhiều loại mô khác nhau.
Thành công này mở ra một hướng điều trị mới được gọi là can thiệp gen (RNAi). Mark Davis, giáo sư về công nghệ hoá học, Trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng đây là nghiên cứu đầu tiên về một cơ chế hành động hiệu quả chống các bệnh về gen.
Một khi các robot nano phát hiện tế bào ung thư và vào được bên trong tế bào, nó tự vỡ ra, giải phóng các RNAi ngăn chặn các gen biến tế bào lành thành tế bào ung thư.
Các thử nghiệm lâm sàng đối với khối u da hắc tố cho thấy các robot nano đã tìm được cách đi vào bên trong các tế bào khối u và vô hiệu hoá các gen gây bệnh. Nghiên cứu này sẽ được công bố tại Hội nghị Ung thư học lâm sàng của Mỹ vào tháng 6 tới.
Nhật Bản chọn điện hạt nhân trong chính sách năng lượng dài hạn
Chính phủ Nhật Bản đang xây dựng dự thảo chiến lược năng lượng dài hạn, trong đó kêu gọi xây dựng ít nhất 14 nhà máy điện hạt nhân và tăng hiệu suất hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân từ mức 60% trên tổng công suất tối đa lên mức hơn 90% vào năm 2030.
Dự thảo này coi việc bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế là các mục tiêu cơ bản cần phải đạt được cùng một lúc. Chính phủ Nhật Bản sẽ tìm cách giải quyết hàng loạt vấn đề nảy sinh từ hiện tượng trái đất ấm lên nhưng vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Dự thảo cũng khẳng định Chính phủ sẽ phấn đấu xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới và tăng tỷ lệ sử dụng điện hạt nhân trong thời gian từ nay tới năm 2030. Độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân là tiền đề cơ bản cho việc thực hiện mục tiêu này.
Trong khủng hoảng kinh tế, người Italia lười ... sinh con
Lo sợ mất việc làm và kinh tế khó khăn là 2 trong số những nguyên nhân chính khiến người Italia không còn muốn có con. Một điều tra mới công bố của Trung tâm quốc tế về nghiên cứu gia đình của Italia (CISF) cho thấy cứ 2 gia đình thì 1 gia đình không sinh con. Đây là tỉ lệ thuộc loại cao nhất ở châu Âu.
Cấu trúc các gia đình Italia đã thay đổi rất nhiều trong 10 năm trở lại đây. Số gia đình không có con tăng từ 47,5% vào năm 1999 lên 53,4% hiện tại.
Nghiên cứu của CISF cũng cho thấy, chi phí nuôi trẻ chiếm đến 35,2% tổng chi phí của cả một gia đình Italia trong 1 năm.
Linh Đức