Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Mô hình một nhà máy điện hạt nhân |
Theo thống kê của Hiệp hội Năng lượng nguyên tử thế giới, hơn 400 dự án có thể được đưa vào thi công từ nay đến năm 2030.
Nhật Bản dự kiến xây ít nhất 14 nhà máy điện hạt nhân trong vòng 20 năm tới. Ấn Độ vừa thông báo xây dựng 12 lò phản ứng, trong đó một nửa sẽ bắt đầu từ nay đến năm 2017. Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Arập cũng đi theo hướng này. Tại châu Á, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Myanmar và Malaysia đã khởi động chương trình điện hạt nhân.
Lâu nay, các tập đoàn công nghiệp hạt nhân của châu Âu, Mỹ, Nga thống lĩnh thị trường công nghệ cao này. Nhưng nay tình hình đã thay đổi. Những nước có nền kinh tế, khoa học - công nghệ mới nổi đang cho thấy lợi thế của mình. Điều này càng được khẳng định sau khi Hàn Quốc giành hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD xây dựng 4 lò phản ứng tại Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất, còn Trung Quốc và Nga công khai tham vọng nhắm tới thị trường đang ngày càng mở rộng này.
Thành công của Hàn Quốc trong việc giành được hợp đồng xây dựng 4 lò phản ứng hạt nhân Abu Dhabi, đánh dấu một bước ngoặt. Đây là lần đầu tiên một nước mới nổi chen chân vào "sân sau" mà các tập đoàn lớn phương Tây như Areva (Pháp), General Electric (Mỹ) hay Toshiba-Westinghouse (Mỹ-Nhật) nắm giữ. Các tập đoàn Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh đáng nể trong lĩnh vực mà trọng tài chính sẽ là các yếu tố công nghệ, an toàn và giá cả.
Hàn Quốc có nhiều tham vọng lớn. Sau Abu Dhabi, Công ty Điện lực Kepco ngày 10/3 đã ký hợp đồng với đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ EUAS. Đây là hợp đồng sơ bộ liên quan tới xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại phía Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara, vẫn còn để ngỏ cánh cửa cho các công ty khác, muốn nhanh chóng tạo ra thêm công suất 8.000 đến 10.000 MW điện. Hiện nước này đang đàm phán với Rosatom của Nga để xây dựng một lò phản ứng tại miền Nam. Hàn Quốc nhờ phát huy các công nghệ có được từ mua của Pháp nên đã tạo ra chỗ đứng trên thị trường và cạnh tranh với cả Pháp.
Trung Quốc, vẫn đang phụ thuộc vào Pháp và Mỹ trong lĩnh vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ 3, có ý định chen chân vào lĩnh vực này. Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Trung Quốc (CNNC), đang vào cuộc. Đối thủ của nó là Công ty Năng lượng hạt nhân Quảng Đông (CGNPC), từng mua hai lò phản ứng thế hệ thứ ba EPR của Pháp, cũng đã "Trung Quốc hóa" các nhà máy điện hạt nhân mua của tập đoàn Framatome (Pháp) trong thập kỷ 1990.
Còn nước Nga, tuy “ẩn mình” sau sự cố Chernobyl nhưng sắp tới sẽ quay trở lại một cách mạnh mẽ.
Ông chủ của Tập đoàn Rosatom Sergei Kirienko lưu ý Liên Xô trước đây đã đưa vào sử dụng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới vào năm 1954. Năm 2006, nước Nga đã xác lập lộ trình nhiều tham vọng và cơ cấu lại lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Thủ tướng Nga, ông Putin cho rằng nước này phải chứng tỏ sự "tích cực" trong việc chinh phục thị trường nước ngoài. Rosatom đã lựa chọn con đường kết hợp với các đối tác khác. Nếu thỏa thuận chiến lược đang được đàm phán với hãng Siemens (Đức) thành hiện thực, tổ hợp Nga-Đức sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng sợ.
Nhìn lại bản đồ thị trường điện hạt nhân sẽ thấy một nét mới: Các con hổ châu Á đang tranh đua với các cường quốc đàn anh - Hàn Quốc nhắm vào châu Á và các nước vùng Vịnh, Trung Quốc cũng có thể cạnh tranh với Nhật ở châu Á. Riêng Nga trước mắt nhắm vào thị trường các quốc gia lân cận ở Đông Âu và Trung Á đồng thời nhìn sang những bằng hữu như Ấn Độ và nhắm vào cả Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới Ảrập./.
Nguyễn Đăng