Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Đồn biên phòng Thàng Tín trong làn sương ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Ảnh VGP |
Bảo vệ biên cương, tham gia phòng dịch
Chúng tôi có dịp đến thăm Đồn Biên phòng Thàng Tín nhân chuyến công tác Hà Giang một ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ðồn Biên phòng Thàng Tín nằm cách trung tâm thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì chừng 15 km. Tính ra thì chẳng là bao nhiêu so với quãng đường từ Hà Nội lên tới Hoàng Su Phì (hơn 300 km) nhưng để lên được tới đây thật chẳng dễ chút nào. Đường đi độc những khúc cua với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Tất cả cây cỏ, núi rừng được bao phủ bởi màn sương đặc quánh. Mưa phùn dai dẳng mấy ngày qua làm con đường càng khó đi hơn. Chúng tôi lên tới nơi cũng phải 10h sáng, vậy mà nhìn quang cảnh xung quanh vẫn như tờ mờ sớm ở dưới xuôi. Đồn Biên phòng Thàng Tím chìm trong làn sương dày giữa chốn non ngàn.
![]() |
Chiến sĩ Đồn biên phòng Thàng Tín vận động người dân địa phương đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19. Ảnh VGP |
Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã không ngừng nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biên giới. Tình hình trên đoạn biên giới của Đồn được giữ ổn định, các dấu hiệu đường biên, mốc giới được giữ vững nguyên trạng. Đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền về ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc.
Ngay khi dịch COVID xuất hiện từ những ngày đầu năm 2020, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc, tăng cường các hoạt động hội đàm trên biên giới, trao đổi thông tin có liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm soát tại các chốt trên biên giới cũng được đẩy mạnh. Mặc dù các chốt trực đều nằm trên núi cao, gần các đường mòn, lối mở biên giới (chốt gần nhất cách đồn 8 km, chốt xa nhất phải di chuyển hơn 2 giờ bằng xe máy, sau đó phải mất thêm 30 phút đi bộ từ chân núi lên chốt) nhưng vẫn được duy trì lực lượng thường xuyên.
Đơn vị cũng không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bà con thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh, tố giác các trường hợp vượt biên, nhập cảnh trái phép. Trung tá Đỗ Minh Hải, Đồn trưởng Đồn biên phòng Thàng Tín cho biết, cán bộ, chiến sĩ nắm được đầy đủ thông tin về những hộ gia đình có người thân đang làm việc tại Trung Quốc hay các vùng có dịch. Từ đó, gặp mặt tuyên truyền để họ thông tin cho người thân về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống dịch, cũng như tố giác các trường hợp vượt biên, nhập cảnh trái phép. Nhờ vậy, công tác tuyên truyền thu được những kết quả tích cực, đại đa số dân cư trên địa bàn nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Cùng bà con vượt khó
Với địa hình đồi núi dốc, khí hậu khắc nghiệt, sương mù dày đặc, mưa phùn dai dẳng, điều kiện giao thông còn hạn chế, đời sống của người dân địa phương nhìn chung còn nhiều khó khăn.
Chúng tôi nhờ các chiến sĩ dẫn đi thăm một vài hộ gia đình dân tộc thiểu số ở gần Đồn để hiểu hơn về cuộc sống của bà con. Thế nhưng đi mấy hộ, bà con đều không có nhà, đành phải quay về. Chiến sĩ trẻ tuổi đi cùng chúng tôi cho hay: “Tầm này bà con đi ăn Tết hết. Ở đây bà con ăn Tết sớm lắm.” Tôi nhẩm tính, mới loanh quanh Rằm tháng Chạp mà bà con đã nghỉ làm hết rồi, đúng là Tết sớm thật. “Hết cấy, rồi thu hoạch rồi lại mừng nhà mới, hễ nhà ai có chuyện gì là lại mổ lợn. Nhà nọ mời nhà kia. Cứ thế nên quanh năm có cỗ chị ạ”, anh chiến sĩ trẻ tếu táo trò chuyện với chúng tôi.
Nói về những tập quán lạc hậu của bà con địa phương, Trung tá Đỗ Minh Hải chia sẻ trăn trở của mình từ khi về đây công tác hồi đầu năm ngoái. “Trên này điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, làm thế nào để thoát nghèo bền vững khi nhận thức, trình độ canh tác còn hạn chế... Thay đổi nhận thức cả truyền thống nghìn năm khó lắm, nhưng ít nhất cần phải cho họ một công thức”, Trung tá Đỗ Minh Hải chia sẻ.
Theo lời anh kể, đồng bào ở đây, mỗi năm chỉ cấy một vụ lúa, thời gian còn lại là nhàn rỗi. Nhờ cấy giúp bà con cũng làm bữa cơm, mổ lợn để cảm ơn. Hết cũng phải vài triệu đồng. Bỏ ra chi phí phân bón, công sức chăm bẵm, cuối vụ thu hoạch 1 tấn thóc trị giá chỉ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Sau đó cúng lúa mới, lại mổ lợn, lại mời bà con làng xóm. Làm hai bữa cơm đã bằng giá trị sản phẩm bà con lao động cả năm. Còn lại là thời gian nhàn rỗi, dịch bệnh lại không đi làm thuê được. Anh Hải cho biết đơn vị đang tích cực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tập quán, tiết kiệm những chi phí không đáng có. “Ta vận động làm theo cụm gia đình, không bố trí mổ lợn theo hộ gia đình nữa, hy vọng thời gian tới có thể thay đổi phần nào thói quen của bà con”, anh Hải chia sẻ.
![]() |
Cán bộ, chiến sĩ đơn vị đi thăm hỏi bà con nhân dịp năm mới. Ảnh VGP |
Trong thời gian qua, bên cạnh vận động thay đổi những tập quán sinh hoạt, canh tác lạc hậu, các cán bộ và chiến sĩ trong Đồn đã duy trì vận động, tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Thông tin từ Đồn biên phòng Thàng Tín cho biết, đơn vị đã nỗ lực đẩy mạnh phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới tại các thôn như thôn Nàng Buổng (xã Pố Lồ), Cáo Phìn, Lùng Chin Hạ, Lùng Chin Thượng (xã Thèn Chu Phìn), thôn Hoàng Lao Chải, Giáp Trung (xã Thàng Tín); phát huy hiệu quả của mô hình Bộ đội Biên phòng (BĐBP) giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo. Các chương trình như “Chung tay vì cộng đồng – bò giống giúp người nghèo biên giới” giữa Bộ đội biên phòng và tập đoàn Viettel Quân đội, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” tặng bò cho các hộ nghèo, “Nâng bước em tới trường” quyên góp, giúp đỡ cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó được triển khai hiệu quả. Ngoài ra, đơn vị cũng đã vận động các cơ quan, tổ chức ủng hộ, huy động cán bộ, chiến sĩ góp công giúp bà con xây dựng nhà ở; kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ quần áo, chăn ấm cho học sinh trên địa bàn.
Nhờ sự đồng hành bền bỉ của những chiến sĩ quân hàm xanh, quần chúng nhân dân yên tâm định cư, lao động sản xuất, chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương, đời sống của bà con ngày một no đủ hơn, tình cảm Quân-Dân nhờ vậy cũng ngày càng bền chặt.
Niềm tin người lính
Hôm trước khi lên đây, trên đường thăm những hộ gia đình ở Pố Lồ, chúng tôi bắt gặp những cây đào rừng bung hoa rực rỡ bên triền núi, báo hiệu một mùa xuân mới đang về. Giờ gặp các anh, tự dưng tôi thấy chạnh lòng, Tết này lại có những người không được về nhà đón Tết bên gia đình. Nhưng có vẻ điều ấy chẳng khiến các anh bận lòng nhiều như tôi nghĩ, và dường như càng khó khăn, vất vả, lại càng khiến những người lính ấy thêm lạc quan, yêu đời.
Hôm ấy chúng tôi được mời ở lại dùng bữa cơm “cây nhà lá vườn” cùng với các chiến sĩ. Trung tá Nguyễn Khắc Thuần, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thàng Tín phấn khởi giới thiệu với chúng tôi, cơm có thịt lợn, thịt gà, cá với rau xanh. Hầu hết đều là do anh em chiến sĩ tăng gia ngay tại đồn. Anh còn chỉ cho chúng tôi vườn rau bắp cải xanh mướt, tươi tốt do các chiến sĩ chăm sóc.
Trò chuyện với các anh, thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh, thêm niềm tin, động lực khi mùa xuân mới đang về. Binh nhất Tráng Văn Đức mới công tác tại đơn vị và Tết này là cái Tết đầu tiên xa nhà. Anh tâm sự: “Mặc dù nhớ nhà nhưng nhiệm vụ của người chiến sĩ biên phòng là bảo vệ cho người dân đón Tết bình yên. Mọi người được yên vui trong ngày Tết là niềm vui của chúng tôi. Tết xa nhà tại đơn vị tôi cảm nhận được tình cảm, không khí ấm cúng bên đồng đội. Tết trong Quân đội đơn giản, tiết kiệm mà vui”.
Nói về việc đón Tết xa gia đình, Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Quốc Tuấn chia sẻ: “Đã 4 năm tôi đón Tết tại đơn vị. Tết xa nhà, nhớ người thân lắm, nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ biên giới, bảo vệ Tổ quốc, giúp cho nhân dân có cái Tết trọn vẹn. Những người thân luôn cảm thông, chia sẻ, là hậu phương vững chắc cho tôi yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đơn vị luôn duy trì nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm quân số trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đơn vị và địa bàn an toàn trước trong và sau Tết”.
![]() |
Vườn rau tăng gia sản xuất của đơn vị. Ảnh VGP |
Chẳng phải đâu xa, những con người ấy, thật bình dị nhưng đáng quý biết bao. Họ sẵn sàng gác lại nhu cầu riêng của bản thân, đặt lợi ích của đất nước, cộng đồng lên trên hết, họ vẫn đang mỗi ngày “phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Chúng tôi về tới Hà Nội cũng là lúc bắt đầu xuất hiện những ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Tôi khi ấy không khỏi nghĩ ngợi, không biết cái Tết này sẽ ra sao, với nhân dân, và với các anh. Nhớ mấy ngày trước, hình ảnh những người lính biên phòng dầm mưa nơi chốt trực giữa trời rét cắt da cắt thịt khiến chúng ta nhói lòng.
Gọi điện chúc Tết anh Đồn trưởng Hải và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, giọng anh vẫn vui tươi như thể chẳng có vất vả gì. Anh kể với chúng tôi tình hình trên Đồn. Cán bộ, chiến sĩ ở lại trực Tết đều yên tâm công tác, xác định rõ chức trách, nhiệm vụ, khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Lại thấy lòng bâng khuâng lạ thường, như buổi chiều chúng tôi rời Thàng Tín khi trời vẫn mưa phùn và mù sương. Bên tai tôi như vang lên câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Sẽ vẫn có những người như các anh, chọn phần gian khổ ấy, nhưng trong tim luôn vững một niềm tin, niềm tin vào lý tưởng, con đường mình đã chọn, niềm tin với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân.