Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Năm 2015, lực lượng Cảnh sát môi trường phát hiện, xử lý nhiều cơ sở, doanh nghiệp vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ảnh: Báo CAND. |
Ông Việt cho biết, trong năm 2015 có hai loại chất cấm được nhắc đến nhiều là Salbutamol và chất vàng ô. Hai chất cấm này được sử dụng bừa bãi, không chỉ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người tiêu dùng, mà còn gây thiệt hại không nhỏ cho ngành nông nghiệp.
Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc với quyết tâm không để chất độc vào mâm cơm người Việt.
Cụ thể, vào tháng 10/2015, Thanh tra Bộ NN&PTNT và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an đã bóc được đường dây buôn bán, nhập khẩu Salbutamol.
Salbutamol do Bộ Y tế quản lý việc nhập khẩu với mục đích làm thuốc chữa bệnh, nhưng thực tế việc quản lý sau nhập khẩu còn lỏng lẻo nên đã bị các đối tượng lợi dụng đưa ra ngoài thị trường, sử dụng trong chăn nuôi dưới tên gọi "chất tạo nạc". Trên động vật, khi được cho ăn với một lượng lớn (1.000-6.000 mg/ngày) sẽ làm chuyển hóa nhanh các mô mỡ để tăng khối lượng nạc, các sợi cơ phình ra làm tăng tỉ lệ thịt mông, đùi, làm da bóng mượt. Trong cơ thể vật nuôi, tồn dư của Salbutamol được bài tiết dần qua nước tiểu, nhưng vẫn bị tích lũy lâu trong gan, thận, mỡ và không bị phân hủy khi nấu chín ở nhiệt độ cao. Còn vàng ô (VTA Yellow - chất tạo màu sử dụng trong công nghiệp dệt, nhuộm, giấy) cũng được các đối tượng trộn vào cám cho có màu vàng, trộn vào thức ăn cho gà để tạo màu vàng da gà đẹp mắt. Thế nhưng, tồn dư của Salbutamol hay vàng ô trong thực phẩm lại là các tác nhân gây ra bệnh ung thư cho người sử dụng. |
Ngày 18/11, Bộ NN&PTNT công bố số điện thoại đường dây nóng 08.042526 và 0917808113 của Thanh tra Bộ để tiếp nhận thông tin tố giác, phản ánh của người dân trước thực trạng gia tăng sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp ở mức báo động.
Thêm vào đó, theo quy định xử phạt mới nhất, doanh nghiệp có hành vi kinh doanh, sử dụng chất cấm sẽ chịu mức phạt cao nhất lên tới 200 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp thu hồi sản phẩm có chất cấm để tiêu hủy, đề nghị chính quyền địa phương rút giấy phép hoạt động hoặc ngừng sản xuất, đồng thời công bố danh tính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng nhận diện và tẩy chay sản phẩm.
Trước sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, trong tháng 11/2015, khi đi kiểm ra các cơ sở chăn nuôi, trong 100 mẫu thì chỉ còn một mẫu có sử dụng chất cấm.
Đây chính là cơ sở để người đứng đầu cơ quan thanh tra của Bộ NN&PTNT khẳng định nguồn cung cấp chất cấm này sẽ hạn chế nhiều trong thời gian tới.
Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, trong tháng 1 này, các đoàn sẽ tiếp tục lấy khoảng 150 mẫu và tổng kết để đánh giá trong đợt cao điểm tình hình có chuyển biến như thế nào.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất trong năm 2016.
“Sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi có giảm, nhưng năm 2016 chúng ta vẫn phải tập trung vào vấn đề này, nhất là tăng cường thanh tra kiểm tra đột xuất”, ông Việt khẳng định.
Chỉ ra được những địa điểm bán thực phẩm an toàn
Tại Hội nghị tổng kết ngành NN&PTNT diễn ra sáng 5/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc nhở về công tác tăng cường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phải thực sự tạo chuyển biến rõ nét trong năm 2016.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các sở tập trung thanh tra kiểm tra trong năm nay.
Đặc biệt, trong năm 2016, các đơn vị chức năng phải xác nhận và chỉ ra được những địa điểm bán các sản phẩm an toàn nhằm lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ đã hướng dẫn để các địa phương triển khai, tăng cường quảng bá những sản phẩm rau, thực phẩm an toàn tại các siêu thị, cửa hàng.
Tại Hà Nội, ngoài mô hình điểm tại Khu hội chợ đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy) trưng bày, giới thiệu các sản phẩm an toàn, có xác nhận, cũng đã lập được danh mục 27 chuỗi thực phẩm cung ứng an toàn. Sắp tới các cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu giám sát và quảng bá những địa chỉ này.
Một số thành phố lớn như TPHCM, Nha Trang cũng đã xác nhận một số sản phẩm an toàn tại hệ thống siêu thị.
Tuy nhiên, theo ông Tiệp, đây là vấn đề mới và khó nên không thể làm nhanh và làm nhiều được, bởi muốn xác nhận sản phẩm an toàn phải đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ, lấy mẫu ngẫu nhiên và đảm bảo các chỉ số đều an toàn theo quy định của Bộ Y tế.
Anh Kiên (tổng hợp)