Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Ảnh: VGP/Thanh Liêm |
Tăng trưởng dư nợ bình quân của VDB giai đoạn 2011 - 2013 đạt bình quân 10%/năm. Kết quả đầu tư đã tăng thêm năng lực sản xuất cho nền kinh tế, cụ thể là góp phần tăng công suất phát điện 8.000 MW; xây dựng mới hơn 7.000 km đường dây truyền tải điện, hàng trăm trạm biến áp; hoàn thành việc cho vay 1 tỷ USD đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất; hỗ trợ có hiệu quả cho phát triển công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng gió; đầu tư đưa hai dự án vệ tinh viễn thông Vinasat 1 và Vinasat 2; đáp ứng yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp với 1,5 triệu tấn phân bón các loại (Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 1 và DAP số 2). Đầu tư nâng cao năng lực sản xuất của công nghiệp đóng tàu, các thiết bị nâng hạ phục vụ công nghiệp đóng tàu và hệ thống triển đà, nhà xưởng của nhiều cơ sở đóng tàu (Hạ Long, Nam Triệu, Bạch Đằng, Phà Rừng, Bến Kiền, Dung Quất…). Xây dựng trên 100.000 km kênh mương, hàng ngàn km đường giao thông nông thôn được bê tông hoá, xây dựng kết cấu hạ tầng của hơn 900 cụm tuyến dân cư. Đầu tư 208 dự án phục vụ an sinh xã hội (trường học, bệnh viện, xử lý nước thải, xử lý rác thải, sản xuất và cung cấp nước sạch; thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ cho các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ nhằm đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản, thủy điện, khai thác khoáng sản…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình triển khai, kết quả đạt được trong thực hiện Chiến lược phát triển VDB đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 theo Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án xử lý nợ xấu tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước tại VDB qua các năm; hoạt động của VDB giai đoạn 2011-2013 và 6 tháng đầu năm 2014; đánh giá những mặt làm được, chưa làm được, nguyên nhân chưa làm được về xử lý nợ xấu thời gian qua, giải pháp trong thời gian tới.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng VDB đã xây dựng được đề án Chiến lược phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 và Đề án xử lý nợ xấu tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước tại VDB được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là rất quan trọng, đồng thời đề nghị VDB bám sát thực hiện.
Những kiến nghị của lãnh đạo VDB là cơ sở để Ban Kinh tế Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư có những chủ trương, chính sách để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính, nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa rủi ro, tiếp tục củng cố và phát triển VDB, đảm bảo VDB đủ năng lực để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần thực hiện Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Thanh Liêm