Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Các bộ ngành chức năng đề nghị tăng tuổi trẻ em lên 18 |
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những thay đổi về kinh tế, xã hội, bộ Luật này cũng đã dần bộc lộ những hạn chế do không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Chiều 10/12, trong buổi họp đánh giá 9 năm triển khai Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Nguyễn Hải Hữu cho rằng, Luật cần bổ sung dịch vụ bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ: Phòng ngừa, can thiệp giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ và trợ giúp tái hòa nhập cộng đồng.
Trên thế giới, một số nước đã có cơ quan độc lập là người đại diện cho trẻ em, nhưng ở Việt Nam khái niệm này còn rất mới, trong lần sửa đổi luật lần này cũng nên xem xét về việc quy định thành lập cơ quan này.
Ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH), cho biết độ tuổi của trẻ em theo quy định trong Luật là 16 tuổi chưa phù hợp với Công ước quốc tế về Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc quy định là 18 tuổi. Nguyên tắc tôn trọng quyền được lắng nghe, bày tỏ ý kiến của trẻ em cũng cần được bổ sung vào quyền trẻ em.
Bà Lotta Sylwander, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, cũng cho rằng một số vấn đề cần được xem xét đưa vào Luật sửa đổi lần này như: Độ tuổi của trẻ trong Luật cần được áp dụng theo Công ước quốc tế là dưới 18 tuổi; cần công nhận quyền bảo vệ trẻ em là dành cho tất cả trẻ em, không chỉ dừng lại các nhóm cụ thể được xác định trong các văn bản luật.
Đồng thời, chuyển đổi phương thức dựa trên các chế tài sang phương thức lấy trẻ em làm trung tâm để hướng tới xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em và thế giới; cần có cơ chế tham vấn trẻ em đối với các vấn đề liên quan; xây dựng một khung về quan sát và đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em.
Đánh giá việc đảm bảo quyền vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và du lịch của trẻ em theo Điều 29 của Luật BVCSGDTE, đại diện Bộ VHTTDL cho hay, từ thành phố đến nông thôn đều trong tình trạng thiếu chỗ vui chơi cho trẻ em; các thiết chế văn hóa tại cộng đồng (nhà văn hóa xã, thôn bản...) chủ yếu là để hội họp, không có trò chơi cho trẻ em; nhiều xã nghèo còn là điểm trắng về điều kiện dành cho trẻ em được vui chơi, giải trí...
Đại diện Bộ VHTTDL đề nghị trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cần chú trọng các biện pháp đảm bảo thi hành Luật, mang tính khả thi; xây dựng các đề án, dự án cụ thể để thực hiện từng nhiệm vụ, mục tiêu, tránh lãnh phí và phát huy chức năng, thế mạnh của mỗi ngành, địa phương; xây dựng chính sách ưu đãi đối với các hoạt động vui chơi giải trí phục vụ trẻ em...
Thu Cúc