• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tầm vóc, diện mạo mới từ quyết định có ý nghĩa lịch sử

(Chinhphu.vn) – Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính từ Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội, Thủ đô Hà Nội đã phát triển với tầm vóc mới, diện mạo mới. Nghị quyết đã tạo thế và lực để nhân dân Thủ đô nỗ lực, đồng lòng vượt qua khó khăn, bước lên tầm cao mới.

29/07/2013 18:38

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo. Ảnh: VGP/Anh Quý

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo đã dành cho PV Báo Điện tử Chính phủ cuộc phỏng vấn về thành tựu đạt được và những nhiệm vụ sắp tới của nhân dân Thủ đô Hà Nội.

5 năm trước (năm 2008), Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh. Xin ông cho biết bối cảnh của Hà Nội vào thời điểm trước khi có Nghị quyết này?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Với lợi thế về vị trí địa lý, chính trị và nhiều phương diện quan trọng khác, với lịch sử phát triển lâu đời, Thủ đô Hà Nội đã giữ vững và phát huy vai trò là một thành phố trung tâm quan trọng nhất của đất nước, có sức thu hút, lan toả, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển trong phạm vi khu vực Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải Bắc Bộ, các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Vị thế và ảnh hưởng tích cực về mọi mặt của Thủ đô Hà Nội đặc biệt rõ nét đối với các tỉnh xung quanh.

Vào thời điểm trước khi có Nghị quyết 15 của Quốc hội, trong mối liên kết quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội với các tỉnh  xung quanh và với cả nước gặp nhiều hạn chế do bị bó hẹp trong phạm vi hành chính và không gian diện tích Thủ đô hạn hẹp. Nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô đang gặp phải những giới hạn khó khắc phục về quy mô dân số, diện tích, tài nguyên, môi trường...

Trong đó, vấn đề xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, giao thông đô thị, di chuyển một số trường đại học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp... ra xa khu trung tâm nội thành; việc xây dựng các khu đô thị mới; di chuyển một số cơ sở hành chính của Trung ương và Hà Nội phù hợp với yêu cầu hoạt động và phát triển lâu dài v.v... đều gặp rất nhiều khó khăn.

Trước những nguy cơ, bất cập về phát triển và yêu cầu thực tế cần một chiến lược phát triển không gian ở cấp độ vùng, Chính phủ đã chỉ đạo lập Quy hoạch xây dựng Vùng Hà Nội trong phạm vi không gian TP. Hà Nội và 7 tỉnh xung quanh.

Chỉ ra những hạn chế bất cập trong bối cảnh phát triển của Hà Nội do không gian hiện hữu không đáp ứng được tốc độ đô thị hoá của Hà Nội,  Đồ án Quy hoạch xây dựng Vùng Hà Nội đã kiến nghị sự cần thiết phải nghiên cứu một Đề án mở rộng ranh giới TP. Hà Nội. Trên cơ sở đó tiến hành Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội hướng tới những mục tiêu phát triển không gian là Thủ đô - biểu trưng của quốc gia, trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn của quốc gia về văn hoá-khoa học-đào tạo-kinh tế, trung tâm du lịch và giao dịch quốc tế, một đô thị hiện đại, năng động và hiệu quả có tầm khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, tháng 01 năm 2008, sau khi nghe Bộ Chính trị báo cáo về Tờ trình và Đề án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, ra Nghị quyết, kết luận đồng ý chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây; điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc; toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào Thủ đô Hà Nội. 

Thưa ông, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính, vậy lần điều chỉnh này có ý nghĩa như thế nào đối với Thủ đô Hà Nội?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Từ năm 1961 đến nay, Thủ đô Hà Nội đã qua ba lần điều chỉnh địa giới hành chính, đó là các năm 1961 và 1978 điều chỉnh mở rộng, năm 1991 điều chỉnh thu hẹp, nhưng đây là lần đầu tiên việc nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội được tiến hành trên cơ sở Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô. Đây cũng chính là quá trình phân tích, đánh giá có tính tổng kết những ưu, nhược điểm của các phương án trước đây, qua đó rút ra những kinh nghiệm và những đề xuất cần thiết cho việc xây dựng phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô lần này.

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Hà Nội là sự kiện có ý nghĩa chiến lược và tầm vóc lịch sử, tạo điều kiện tiên quyết cho việc xây dựng và thông qua quy hoạch phát triển Hà Nội xứng tầm với đất nước ta, dân tộc ta.

Với phạm vi được mở rộng, Hà Nội đã có quy mô địa giới hành chính phù hợp, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, ổn định, lâu dài của một thành phố đóng vai trò là trung tâm đầu não về chính trị-hành chính quốc gia; là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Đồng thời bảo đảm được yêu cầu phát triển của Thủ đô cho giai đoạn trước mắt và trong tương lai khi Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thưa ông, khi nghiên cứu định hướng quy hoạch xây dựng Thành phố mở rộng, chúng ta đã đặt ra những yêu cầu như thế nào?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Theo Đề án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, định hướng quy hoạch xây dựng TP. Hà Nội mở rộng đã đặt ra những yêu cầu cơ bản. Đó là yêu cầu toàn cầu hoá, hội nhập và nền kinh tế thị trường, thúc đẩy Hà Nội trở thành một đô thị hoạt động có hiệu quả bền vững, có tính cạnh tranh cao, phát triển những trung tâm đô thị đủ lớn cho Vùng thủ đô và quốc gia, phát triển các lĩnh vực dịch vụ cao cấp đáp ứng không chỉ cho dân cư Thủ đô mà còn đáp ứng cho du khách, nhà đầu tư nước ngoài và trong cả nước.

Hướng phát triển trên toàn lãnh thổ TP. Hà Nội mở rộng thực sự đáp ứng nhu cầu của Thủ đô, phát triển và đầu tư có trọng tâm theo các dự án chức năng hoàn chỉnh và bảo toàn sự phát triển của từng địa bàn trong phạm vi mở rộng.

Yêu cầu xây dựng hình ảnh của Hà Nội, một đô thị có lịch sử, văn hoá truyền thống, cảnh quan, kiến trúc đặc trưng phát triển và bảo tồn được sự riêng biệt.

Một trong những yêu cầu đặt ra là kiểm soát sự gia tăng dân số tập trung vào trung tâm, mở rộng không gian để xây dựng các đô thị xung quanh nhằm giữ được quy mô dân số trong khu vực trung tâm cũ và phát triển đồng đều tại các đô thị vệ tinh xung quanh.

Vấn đề quản lý đô thị theo mô hình chính quyền đô thị, tự chủ và phân quyền hợp lý cho các đô thị trực thuộc nhằm tạo ra sự năng động trong công tác quản lý đô thị và thu hút đầu tư.

Định hướng quy hoạch Hà Nội mở rộng cũng nêu rõ yêu cầu cải thiện chất luợng đô thị, bảo đảm điều kiện sống cao hơn truớc với những chỉ tiêu về diện tích ở và diện tích cây xanh, các chỉ tiêu kỹ thuật về diện tích giao thông, cấp điện, cấp nước, cũng như khả năng tiếp cận tiện ích đô thị, cây xanh, giao thông, môi trường, tương ứng với các Thủ đô/thành phố ở các nước phát triển có mô hình đô thị hiện đại và bền vững. Trên cơ sở các chỉ tiêu này cần tập trung xây dựng hệ thống giao thông đô thị và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác hiện đại, hoàn chỉnh và đồng bộ.

Khuê Văn Các (trong Văn Miếu-Quốc Tử Giám), biểu tượng của Thủ đô Hà Nội

Thưa ông, việc Hà Nội được mở rộng là một niềm vinh dự và tự hào, nhưng cũng đặt ra cho Thủ đô trách nhiệm nặng nề. Sau khi hợp nhất, Hà Nội đã triển khai những công việc quan trọng gì?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Hà Nội và các địa phương liên quan đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tổ chức bàn giao và xác định địa giới hành chính mới, chuẩn bị tốt những việc cấp thiết về hợp nhất tổ chức bộ máy để hình thành bộ máy lãnh đạo mới của Thành phố. Cùng với đó, Hà Nội triển khai ngay vào việc xây dựng chiến lược, quy hoạch và cơ chế chính sách phát triển Thủ đô; nghiên cứu, xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”; “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050"; Quy hoạch sử dụng đất Thành phố đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015). Thành phố cũng đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xây dựng Luật Thủ đô. 

Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, UBND TP. Hà Nội có đầy đủ cơ sở để rà soát các đồ án, dự án đã tạm dừng triển khai từ khi thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội, xem xét đánh giá và cho phép triển khai những dự án phù hợp với tổ chức không gian, quy hoạch sử dụng đất của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được duyệt. 

Ngày 21/11/2012, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Triển khai thực hiện Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 25/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, Thành phố đã trình HĐND thông qua những chính sách mới cụ thể hóa Luật Thủ đô. Khi triển khai thực hiện những chính sách này, Hà Nội sẽ giảm thiểu được tình trạng quá tải trong việc phát triển cơ sở hạ tầng trong điều kiện quỹ đất dành cho lĩnh vực này đang dần bị thu hẹp. Luật Thủ đô cũng sẽ giúp cho Thành phố thực hiện được yêu cầu về quản lý dân cư, bảo đảm cơ cấu dân số Hà Nội hợp lý để có thể bảo đảm an sinh xã hội như yêu cầu đặt ra khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Không chỉ có yêu cầu về quy hoạch hay quản lý dân cư, khi  nghiên cứu định hướng quy hoạch xây dựng Thành phố mở rộng, Chính phủ cũng đã đặt ra những yêu cầu về tăng trưởng, phát triển văn hóa xã hội. Xin ông cho biết Thành phố đã thực hiện những yêu cầu này như thế nào?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội tiếp tục đạt mức tăng trưởng với tốc độ cao, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người hằng năm của người dân đều tăng lên.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2008-2012 bình quân đạt 9,51%/năm. Quy mô GRDP năm 2012 đạt 88.157 tỷ đồng, gấp 1,43 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 2.257 USD/người, gấp 1,33 lần so với năm 2008.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội, Hà Nội có số lượng doanh nghiệp lớn thứ hai cả nước, hiện chiếm khoảng 20% tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; đứng thứ ba về số các dự án còn hiệu lực (2.544 dự án), với tổng vốn đăng ký là 21,457 tỷ USD và vốn điều lệ là 7,724 tỷ USD. Là trung tâm tài chính hàng đầu cả nước, Hà Nội hiện chiếm khoảng 1/3 tổng nguồn vốn huy động và 1/5 tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng; chi phối khoảng 65-80% tổng giao dịch tài chính của khu vực phía Bắc và trên 50% giao dịch tín dụng-thanh toán liên ngân hàng, chiếm khoảng 60% tổng giao dịch của cả nước… 

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô trở thành nơi tập trung nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, số lượng điểm đến có sự gia tăng lớn. Hà Nội vốn nổi tiếng với phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nay có thêm những tuyến, điểm không thể bỏ qua như làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm, Vườn quốc gia Ba Vì, Ao Vua, Khoang Xanh-Suối Tiên, hồ Suối Hai, chùa Đậu, chùa Mía…  Nhiều giá trị văn hoá đã được phục dựng, tôn tạo và đưa vào khai thác. Một số di sản đã được công nhận là Di sản văn hoá thế giới, Di sản văn hoá quốc gia. UNESCO đã công nhận: Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới. Văn Miếu-Quốc Tử Giám được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, 82 bia đá các khoa thi Tiến sỹ thời kỳ Lê-Mạc được công nhận là Di sản Tư liệu văn hoá thế giới. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp của văn hoá Tràng An, văn hoá xứ Đoài ngày càng được phát huy.  

Hiện nay, Hà Nội là một trong những địa phương đón nhiều khách du lịch nhất cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2013, dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nhưng du lịch Thủ đô vẫn đón gần 1,2 triệu lượt khách quốc tế.

Sau khi hợp nhất, nhiều chỉ tiêu bình quân đầu người trên lĩnh vực văn hóa-xã hội thấp hơn trước, song với những cố gắng mới, Hà Nội vẫn luôn giữ vị trí dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn học-nghệ thuật và y tế.

Từ năm 2008-2012, tỉ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 1,5-2%. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2008-2012, Hà Nội giải quyết việc làm cho trên 23.000 lao động.

Vào thời thời điểm năm 2008, người dân rất bức xúc trước việc các tuyến giao thông quan trọng như Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32, đường Nguyễn Trãi... nối liền giữa các địa bàn của Hà Nội với Hà Tây (cũ) thi công ì ạch, đi lại gặp khó khăn. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, các tuyến đường này đã sớm được hoàn thành, đưa vào sử dụng, giúp người dân đi lại thuận tiện từ nội thành ra ngoại thành và ngược lại.

Hà Nội đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với gần 100 thủ đô, thành phố của 50 nước và vùng lãnh thổ. Thủ đô Hà Nội là thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế lớn, quan trọng như Hiệp hội các thành phố lớn trên thế giới; thực hiện tích cực các nội dung hợp tác vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng. Vị thế và vai trò của Thủ đô với các địa phương cả nước và với các nước trong khu vực và trên thế giới được nâng lên đáng kể. Hà Nội là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.

Hình ảnh mới của huyện Đan Phượng, nơi Quốc lộ 32 đi qua

Thưa ông, chúng ta đều biết là bên cạnh những thành tựu nói trên, Thủ đô hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong quá trình phát triển. Xin ông cho biết thêm về vấn đề này?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Sau 5 năm hợp nhất, những thành tựu trên mọi lĩnh vực là kết quả của sự quyết tâm, đồng thuận khắc phục khó khăn với tinh thần " đoàn kết-hợp tác-trách nhiệm" của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô. Thành tựu đó cũng đã khẳng định việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là một quyết định đúng đắn, có ý nghĩa thực tiễn, lâu dài, phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi khách quan để xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận một thực tế rằng, kinh tế Thủ đô tuy có tốc độ tăng trưởng cao nhưng vẫn còn bộc lộ những yếu tố thiếu bền vững. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý đất đai có những chuyển biến tiến bộ song vẫn còn hạn chế.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, còn những vấn đề bất cập đặt ra, đó là nguồn vốn cho nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng có hạn, khả năng tổ chức thực hiện hạn chế, đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt, tập trung nguồn lực của Thành phố, hỗ trợ nhiều hơn của Trung ương cả về năng lực nguồn vốn và tổ chức thực hiện. 

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường gây nhiều bức xúc đối với nhân dân Thủ đô. Việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn bất cập, lượng chất thải gia tăng, ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn… đang là thách thức không nhỏ đối với Thủ đô.

Dân số cơ học tăng nhanh đang gây áp lực lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội, an ninh trật tự và quản lý đô thị, tăng áp lực về khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, việc làm, nhà ở, quản lý dân cư đô thị.

Phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh (ô tô và xe máy) trong khi phát triển hạ tầng giao thông công cộng còn hạn chế, dẫn tới ùn tắc giao, tai nạn giao thông diễn biến phức tạp. Lượng xe máy nhiều, trong khi Thành phố chưa có lộ trình hạn chế xe máy trong nội thành, vì vậy khó xây dựng được Thủ đô văn minh sạch đẹp theo kịp các thành phố trong khu vực.

Để giải quyết những thách thức này, chủ trương và giải pháp nào sẽ được ưu tiên thực hiện trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Cùng với việc mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược, Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Luật Thủ đô được Quốc hội ban hành đã tạo những cơ chế, chính sách phù hợp cho Hà Nội tiếp tục phát triển đi lên trong giai đoạn tới.

Để giải quyết những khó khăn, tồn tại đang đặt ra, Thành phố đã thống nhất đề ra nhiều nhóm giải pháp trọng tâm.

Theo đó, về phát triển kinh tế, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của kinh tế Thủ đô. Coi trọng sử dụng công nghệ hiện đại, tăng nhanh tỉ lệ nội địa hoá, có nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao.

Phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp mũi nhọn. Phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hoá, sinh thái, sạch, công nghệ cao; đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu 2/3 số xã đạt tiêu chí vào năm 2020. Phấn đấu mức tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 2011-2020 đạt khoảng 11,5-12%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng 7.100-7.500 USD/năm; xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn, trung tâm tài chính-ngân hàng hàng đầu của vùng và cả nước.

Bên cạnh việc huy động mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hoá để phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ, Thành phố cũng sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đẩy nhanh việc xây dựng các quy hoạch chi tiết, phân khu chức năng, ngành, lĩnh vực và địa phương.

Song song với các giải pháp đó là bảo đảm an ninh quốc phòng; mở rộng hoạt động đối ngoại và hợp tác phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Để thực hiện tốt chủ trương mở rộng địa giới hành chính, bên cạnh những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô, Hà Nội cũng rất cần sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện sớm ban hành các Nghị định, Thông tư cụ thể hóa Luật Thủ đô để Hà Nội triển khai thực hiện Luật có hiệu quả; tiếp tục chỉ đạo phân cấp mạnh hơn cho Hà Nội đối với các lĩnh vực, vấn đề cụ thể về quản lý đô thị, đầu tư, tài chính... để tăng tính tự chủ cho Thành phố trong giải quyết công việc của Thủ đô....

Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng có diện tích lớn, dân số đông, nhu cầu phát triển Thủ đô theo hướng hiện đại, theo kịp thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Hà Nội đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ theo hướng tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách (ít nhất là 45%) để Thành phố có điều kiện thực hiện tốt chủ trương của Trung ương về mở rộng địa giới hành chính, xây dựng Thủ đô văn minh hiện đại.

Theo mục tiêu mở rộng Thủ đô Hà Nội, một trong những nhiệm vụ quan trọng là sắp xếp di dời cơ sở sản xuất kinh doanh, các trường đại học ra ngoài khu vực nội thành, tuy nhiên việc triển khai còn chậm, không có lộ trình cụ thể, Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có lộ trình, giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Việt Hà (thực hiện)