• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tọa đàm trực tuyến về rà phá bom, mìn ở Quảng Trị

(Chinhphu.vn) – Từ 9h sáng nay 14/7, Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Đà Nẵng, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh-nhìn từ Quảng Trị”. Truyền hình trực tuyến

14/07/2013 08:45

Ảnh VGP/Minh Hùng

BTV: Chiến tranh đã qua đi gần 40 năm nhưng đến nay, theo thống kê, hiện cả nước vẫn còn khoảng 6 triệu hecta đất bị ô nhiễm bom mìn, với số lượng ước tính khoảng 800.000 tấn bom mìn và vật nổ còn sót lại. Nhiều người gọi đó là những nơi chiến tranh vẫn còn đang ở lại. Và theo tính toán của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, phải mất 300 năm nữa Việt Nam mới rà phá hết số bom mìn đó. Hẳn con số này khiến nhều người giật mình. Điều này cũng có nghĩa là tính mạng con người vẫn còn bị đe dọa do bom mìn, vật nổ đang ẩn sâu dưới lòng đất đến hàng trăm năm nữa. 6 tỉnh có mật độ bom mìn còn sót lại nhiều nhất nước là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Tại cuộc tọa đàm hôm nay, các vị khách mời sẽ trao đổi về những nỗ lực trong công tác rà phá bom mìn, giải phóng đất đai để ổn định cuộc sống, phát triển KT- XH qua thực tế của tỉnh Quảng Trị, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm, giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc,… 

Cũng xin nói thêm, Quảng Trị là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích đất bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh (chiếm 83,3% tổng diện tích tự nhiên). Từ năm 1975 đến nay, toàn tỉnh có hơn 7.000 nạn nhân do bom mìn sót nổ, trong đó hơn 2.500 người chết, 31% nạn nhân là trẻ em.

Xin trân trọng giới thiệu các khách mời của chương trình :

1. Ông Nguyễn Đức Chính, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy,  Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị

2. Ông Hoàng Minh Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm hành động khắc phục  bom mìn VN, Bộ L ĐTB&XH

3. Ông Hoàng Văn Thanh – Đại tá, Chỉ huy phó – Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh Quảng Trị.

Chương trình tọa đàm được phát trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, phát sóng trực tiếp trên VTV Đà Nẵng, tiếp sóng trên đài PT- TH Quảng Trị QTV, VTC 1, kênh K và Mytv – kênh 9 phát sóng toàn quốc. 

Khán giả theo dõi tọa đàm trực tuyến có thể gọi điện đến đường dây nóng để Ban Thư kí tiếp nhận câu hỏi, chuyển cho khách mời trả lời qua số điện thoại đường dây nóng tại Quảng Trị : 053. 355 6558; đường dây nóng tại Đà Nẵng: 0511.3822429 hoặc gửi tới địa chỉ email: doithoai@chinhphu.vn

BTV: Có thể nói hàng ngàn tấn bom mìn và vật nổ còn nằm sâu trong lòng đất chính là “hiểm họa giấu mặt” , là nỗi đau khôn nguôi sau chiến tranh. Khắc phục hậu quả bom mìn là nhiệm vụ vô cùng quan trọng nhằm giải phóng đất đai, đảm bảo an toàn cho đời sống, sinh hoạt cho nhân dân, đảm bảo an toàn cho các công trình, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước,.. Thiệt hại đến tính mạng con người do bom mìn thì chúng ta đã phần nào thấy qua phóng sự vừa rồi, còn về tác động của nó đối với môi trường và KT- XH thì như thế nào, xin mời ông Hoàng Văn Thanh trả lời?

Ông Hoàng Văn Thanh - Ảnh VGP/Minh Hùng

Ông Hoàng Văn Thanh: Như phóng sự vừa đưa, chúng ta biết, trên đất Quảng Trị, có diện tích lớn bị ô nhiễm bom mìn với  83% đất bị ô nhiễm, đây là sự cản trở phát triển kinh tế-xã hội. Trên 7.000 người bị tai nạn bom mìn và 2.500 người chết, 4.500 người bị thương. Những người chết và bị thương cơ bản là những người lao động chính trong gia đình và trẻ em- thế hệ tương lai của chúng ta để lại nỗi đau thương cho dân tộc và cho xã hội.

: Như phóng sự vừa đưa, chúng ta biết, trên đất Quảng Trị, có diện tích lớn bị ô nhiễm bom mìn với  83% đất bị ô nhiễm, đây là sự cản trở phát triển kinh tế-xã hội. Trên 7.000 người bị tai nạn bom mìn và 2.500 người chết, 4.500 người bị thương. Những người chết và bị thương cơ bản là những người lao động chính trong gia đình và trẻ em- thế hệ tương lai của chúng ta để lại nỗi đau thương cho dân tộc và cho xã hội.

Trong quá trình tiến hành các bước, chúng ta thấy rằng, bom mìn còn sót lại trên chiến trường Việt Nam, đặc biệt trên chiến trường Quảng Trị lớn hơn, cản trở sự phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt các nhà đầu tư đến Quảng Tị cũng nhìn nhận vấn đề này và họ muốn làm nhưng muốn làm cần chi phí lớn để rà phá. Sau khi xây dựng các công trình, dùng lực lượng để thực hiện các nội dung công việc, những người lao động của họ lo lắng, sợ hãi. Đặc biệt, những người hiểu biết về bom mìn, vật liệu nổ luôn lo lắng về sự chết chóc tang thương của gia đình hoặc cả bản thân của họ. Còn lại những người chưa hiểu biết như trẻ em và một số người chưa từng hiểu biết bom mìn thì hiểm họa rất khó lường.

 

Tôi thấy đây là vấn đề nan giải và chúng ta có trách nhiệm phải đầu tư để làm môi trường sạch hơn. 

BTV: Chính vì tác động lâu dài như vậy nên ngay sau hòa bình lập lại, việc rà phá bom mìn đã được tiến hành và được coi là nhiệm vụ quan trọng, tập trung nỗ lực của Đảng, Nhà nước, chính quyền, các hội, đoàn thể, nhân dân địa phương và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.  Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 504/QĐ-TTg về chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010- 2025 (gọi tắt là chương trình 504) . Trên cơ sở chương trình 504, tháng 5/2013 vừa qua, Thủ tướng đã có Quyết định số 738/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch thực hiện đến năm 2015. Tổng kinh phí cho chương trình này là 14 ngàn tỷ đồng. Xin ông Hoàng Minh Hồng cho biết những nội dung chính của chương trình này là gì?

Ông Hoàng Minh Hồng: Từ năm 2010, Thủ tướng đã ra Quyết định 504 về chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010- 2025. Mục tiêu tổng quát nhằm giảm thiểu nguy cơ bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Mục tiêu chính gồm: thứ nhất hoàn thành dự án điều tra khảo sát lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn trên toàn quốc; xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; thứ ba nâng cao năng lực đội ngũ rà phá bom mìn; thứ tư, trong kế hoạch 5 năm (2012-2017) thì phấn đấu rà phá 500.000 ha ô nhiễm bom mìn trong đó khu vực miền trung các tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nặng là 200.000 ha; một nội dung nữa là hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân bom mìn; tuyên truyền về thực trạng bom mìn, vận động nguồn lực cho công tác này; giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn nhất là những khu vực còn bị ô nhiễm nặng, nhiều nạn nhân bom mìn.

Ông Hoàng Minh Hồng - Ảnh VGP/Minh Hùng

Ngày 13/5/2013, Thủ tướng phê duyệt kế hoạch hành động đến năm 2015 với dự kiến nguồn ngân sách huy động từ trung ương, địa phương, nguồn vốn tài trợ quốc tế… với nội dung triển khai các dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng; hoàn thành bản đồ ô nhiễm bom mìn toàn quốc. Hiện chúng ta mới hoàn thành bản đồ ở mức độ điều tra phi kỹ thuật, và để hoàn thành bản đồ này với những khu vực ô nhiễm cụ thể thì chúng ta cần tiến hành các biện pháp điều tra  kỹ thuật, phát triển trung tâm huấn luyện lực lượng rà phá bom mìn, thành lập hội hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tiến hành rà phá ở các khu vực bị ô nhiễm nặng hoặc phục vụ cho nhu cầu phát triển xã hội; phát triển năng lực đội ngũ lực lượng rà phá bom mìn; nghiên cứu phát triển các công nghệ, kỹ thuật mới phục vụ cho rà phá bom mìn.

BTV: Ngay sau khi hòa bình chúng ta đã tiến hành rà phá bom mìn. Tuy nhiên đến tận 2010 mới có dự án rà phá bom mìn tổng thể, phải chăng sự vào cuộc này  là quá muộn?

Ông Nguyễn Đức Chính: Khi có chương trình của Chính phủ phải căn cứ vào nguồn lực của quốc gia để thực hiện. Đương nhiên so với thời gian từ ngày thống nhất đất nước đến nay là chậm trễ.

Tuy vậy, không có nghĩa là trên tất cả những vùng đất bị ô nhiễm bom mìn chúng ta đều không có hành động gì.

Thực tế ngay sau năm 1975, bằng nỗ lực tổng hợp, trong đó có lực lượng quân đội và thanh niên, đã tiến hành rà phá bom, mìn ở phần lớn những vùng đất bị ô nhiễm nặng tại Quảng Trị, để bố trí lại dân cư, vùng sản xuất lương thực, rau màu,… phục vụ đời sống trước mắt của nhân dân. Đây là những chiến dịch lớn, diễn ra trên toàn tỉnh từ sau năm 1975, nhằm giải phóng hàng vạn ha đất đai khỏi ô nhiễm bom, mìn, để giao cho người dân canh tác.

Ông Nguyễn Đức Chính - Ảnh VGP/Minh Hùng

Tuy nhiên, do thiếu kinh phí và trang thiết bị, nên hàng trăm người bị thương, bị hy sinh do chiến dịch này.

Từ 2008 đến nay, nguồn lực được bố trí dồi dào hơn, chúng tôi đã xây dựng dự án, đưa ra lộ trình và giao cho quân đội thực hiện rà phá bom mìnhở những nơi cần thiết.

Đối với những vùng cần thiết, Tỉnh còn huy động nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ. Chúng tôi đã giải phóng đất đai, bảo đảm an toàn cho người dân sản xuất. Ngoài rà phá bom mìn còn hỗ trợ tái định cư cho người dân, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Hỗ trợ nạn nhân của bom mìn vươn lên trong cuộc sống

Đây là những nỗ lực đáng trân trọng của nhân dân những vùng bị ô nhiễm bom mìn nói chung và tỉnh Quảng Trị.

BTV: Qua những gì ông vừa cho biết thì chúng ta có thể hình dung có khá nhiều nội dung công việc được triển khai từ đây cho đến hết năm 2015 – một khoảng thời gian không nhiều, vậy thưa ông Hoàng Minh Hồng, để đảm bảo thực hiện có hiệu quả thì cách làm của chúng ta như thế nào? Triển khai đồng thời nhiều mặt hay là tập trung có trọng tâm trọng điểm theo thứ tự ưu tiên?

Ông Hoàng Minh Hồng: Trong kế hoạch 738, để triển khai chương trình 504, chúng ta đưa ra các nội dung đồng bộ, toàn diện. Tuy nhiên, khi triển khai phải trọng tâm trọng điểm. Đặc biệt là những khu vực được ưu tiên, những khu vực bị ô nhiễm nặng, có nhiều nạn nhân,… sẽ được ưu tiên triển khai giải phóng đất đai cho nhân dân sản xuất.

BTV: Từ nguồn vốn của trun ương theo chương trình 504, UBND tỉnh Quảng Trị đã xây dựng dự án cụ thể, giao Bộ chỉ huy quân sự tỉnh làm chủ đầu tư, Ông Thanh có thể cho biết, từ kế hoạch như vậy BCH quân sự tỉnh đã triển khai như thế nào và có gặp khó khăn gì?

Ông Hoàng Văn Thanh: Đứng về mặt rà phá bom mìn vật liệu nổ trên Quảng Trị, lực lượng vũ trang chúng tôi xác định rõ nhiệm vụ. Từ năm 1975 sau khi giải phóng, lực lượng vũ trang nhanh chóng tiến hành tham mưu cho cấp ủy địa phương và các đơn vị để tiến hành rà phá, đặc biệt trên địa bàn Quảng Trị có hàng rào Mc Namara, là khu vực rất nhiều bom đạn do địch bố trí.

Số lượng này rất lớn, cấp ủy chính quyền địa phương đã vào cuộc năm 1975, lực lượng vũ trang đã tiến hành các bước hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi cho rằng đã giải phóng diện tích đất đai rất lớn để thành lập các nông trường, nhà máy, để  nhân dân phát triển kinh tế.

Những năm gần đây bom mìn vẫn còn tồn tại do nằm sâu trong lòng đất, cho nên quá trình thực hiện các công trình, phát hiện và do … bom mìn trồi lên,  gây nguy hiểm cho tính mạng.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án với mục tiêu rà phá bom mìn, vật liệu nổ, giảm thiểu tối đa tai nạn cho nhân dân, bình an cho cuộc sống, đồng thời góp phần xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhân dân. Quy mô dự án từ 2008-2015 là 15.000 ha -giai đoạn 1, UBND tỉnh đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý, UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh làm chủ đầu tư.

Quá trình làm chủ đầu tư, chúng tôi đã tiến hành khảo sát các khu vực trọng điểm về bom mìn đồng thời để làm thế nào tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển, UBND các huyện chịu trách nhiệm nghiên cứu địa hình của mình và các khu vực mà chúng tôi cung cấp số liệu về bom mìn để cùng bố trí rà phá…

Hiện nay, trên 8000 ha đã rà phá bom mìn, những ha đó được chính quyền địa phương bố trí khu tái định cư, trồng cây công- nông nghiệp để phục vụ bà con…

BTV: Về chính quyền địa phương, thưa ông Nguyễn Đức  Chính, dưới góc độ lãnh đạo, ông có thấy những mặt được khác mà chúng ta đã làm là gì?

Ông Nguyễn Đức  Chính: Điều quan trọng nhất để phát triển kinh tế- xã hội là làm thế nào để giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận được với đất đai, mà điều kiện để cho họ tiếp cận tốt đất đai là phải làm sạch môi trường. Việc giải phóng đất đai là việc làm cần thiết, quan trọng để đảm bảo an toàn thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp.

Tôi cho rằng những việc làm này sẽ góp phần thức đấy phát triển KTXH và góp phần đảm bảo an toàn cho người dân.

BTV: Phóng sự vừa rồi nêu những con số và những trường hợp bị tàn phế vô cùng thương tâm do bom mìn, chưa kể hàng ngàn người bị cướp đi sinh mạng. Thưa ông Nguyễn Đức Chính, đối với những trường hợp như ông Trần Nậy trong PS vừa rồi (có 3 người con chết do bom mìn sót lại sau chiến tranh), địa phương đã có sự quan tâm hỗ trợ như thế nào ?

Ông Nguyễn Đức Chính: Đối với những nạn nhân bom mìn, ngoài các chính sách hỗ trợ chung đối với người bị tàn tật của Nhà nước, chúng tôi còn huy động sự đóng góp từ cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ… để giúp đỡ. Mới đây nhất chúng tôi đã khai trương trung tâm “Sứ mệnh về nấm” của Nhật Bản tài trợ, có nhiệm vụ cung cấp giống và hướng dẫn cách sản xuất nấm cho những nạn nhân bom mìn. Điều đó cho thấy có nhiều nguồn lực khác nhau đang được dành cho các đối tượng bị tổn thương do bom mìn còn sót lại.

BTV: Những khó khăn cản trở đến tốc độ và hiệu quả của công tác rà phá, xử lý bom mìn như thiếu thiết bị hiện đại (VD: thiết bị dò mìn chỉ sâu được vài mét trong khi bom mìn có thể nằm sâu trong đất 10m, thiếu thiết bị dò tìm dưới nước,…); khó khăn về địa hình: bom đạn chủ yếu tập trung ở vùng đồi núi dốc, vùng lũ quét, ngập nước, lâu ngày bom đạn càng bị vùi sâu trong đất?

Ông Hoàng Văn Thanh: Tính đến nay chưa hết hạn dự án nhưng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chúng tôi đã thu hồi và xử lý 233.000 vật liệu nổ, trong đó có hàng trăm 400 quả bom có trọng lượng 500-2.000 bảng; các loại pháo cối, bom bi rất nhiều. Trong quá trình thực hiện thì lòng dũng cảm, trách nhiệm là trên hết nhưng để đảm bảo an toàn tính mạng cho người rà phá bom mìn đòi hỏi phải có thiết bị hiện đại nhưng chúng ta đầu tư còn hạn chế.

Thứ nhất thiết bị dò sâu 30-50cm nhưng pháo, bom còn sót lại còn thể sâu 1m, 5m, 10 m nên có thể dò không tới dẫn đến bị sót, nên thực tế đòi hỏi cần phương tiện chuyên dụng hiện đại hơn. Thứ hai do biên chế lực lượng rà phá bom mìn không đáp ứng được nên chúng tôi phải mời cả Bộ Quốc phòng, các quân khu thực hiện cho kịp thời nhưng vẫn chưa hoàn thành. Thứ ba nguồn vốn thường đến tháng 8-9 mới có, quá trình thực hiện vào mùa mưa, các thiết bị rà dễ bị ảnh hưởng trong quá trình rà phá. Chúng tôi có báo cáo những khó khăn trong quá trình thực hiện từ nguồn vốn, vật tư thiết bị, nhân lực chưa đồng bộ. Tôi tin rằng  trong thời gian tới những khó khăn như vậy sẽ từng bước được khắc phục.

BTV: Còn những khó khăn của địa phương trong rà phá, xử lý bom mìn thì sao, thưa ông Nguyễn Đức Chính?

Ông Nguyễn Đức  Chính: Chúng tôi đã thiết lập đường dây nóng, tuyên truyền cho người dân khi phát hiện thì thông báo chính quyền, các đội rà phá bom mìn lưu động của các tổ chức phi Chính phủ để tiến hành xử lý. Chúng tôi  khuyến cáo người dân không tự động tháo gỡ bom mìn, tăng cường tuyên truyền hiểm họa để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong vấn đề này.

BTV: Kiến nghị của địa phương là cần có sự phối hợp giữa các cơ quan để chung tay giải quyết?

Ông Hoàng Minh Hồng: Trước hết chúng tôi thấy trong năm qua UBND Quảng trị, lực lượng quân đội có nhiều nỗ lực mang lại bình yên cho cuộc sống.

Chúng tôi chia sẻ khó khăn mà ông Chính, ông Thanh vừa nêu, trong đó, có những khó khăn về nguồn lực, trang thiết bị.

Về trang thiết bị, chúng ta đang sử dụng trang bị cầm tay rà phá bom, mìn thuộc loại hiện đại nhất thế giới do Australia, châu Âu sản xuất, bảo đảm dò được mìn có hàm lượng kim loại nhỏ nhất.

Tuy nhiên do chiến tranh lùi xa, nhiều bom đạn nằm sâu hoặc bom đạn không lớn, do điều kiện địa hình, thời tiết, ví dụ như bom bi có thể vùi sâu tới 70 cm vượt qua khỏi khả năng dò tìm của thiết bị. Do vậy, chúng ta phải có những biện pháp khác, tất nhiên là tốn kém hơn.

Về lực lượng chúng tôi có thể hỗ trợ đào tạo cho Quảng Trị về chuyên môn kỹ thuật. Còn trong quá trình xử lý bom mìn chúng tôi có thể hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ xử lý, giảm thiểu nguy cơ gây hại.

Một bạn đọc hỏi: Kinh phí Trung ương hỗ trợ Quảng Trị được phân bổ như thế nào, quản lý ra sao để tránh thất thoát, lãng phí?

Ông Nguyễn Đức Chính: Chúng tôi đã giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh quản lý và có lộ trình thực hiện cụ thể. Bộ Chỉ huy QS tỉnh đã thực hiện tốt việc quản lý kinh phí. Qua giám sát của các cơ quan chức năng, việc triển khai dự án rà phá bom mìn chưa phát hiện vấn đề không bình thường.

Chúng tôi đã yêu cầu Bộ Chỉ huy QS tỉnh khảo sát, bảo đảm rà phá đúng địa phương cần trước, ô nhiễm nặng, phục vụ tốt phát triển kinh tế địa phương.

Ông Hoàng Văn Thanh: Như ông Chính nói, Bộ Chỉ huy QS tỉnh được giao làm chủ đầu tư. Chúng tôi đã tiến hành các bước đúng quy trình. Để rà phá bom mìn ở địa phương nào thì trước hết, chính quyền địa phương đó phải xác nhận để chúng tôi căn cứ vào đó bố trí nguồn vốn cho địa phương. Thực hiện rà phá bom mìn ở địa phương nào thì có sự giám sát của cộng đồng địa phương đó như của Hội cựu chiến binh, Công an địa phương…. Sau khi hoàn thành rà phá, cộng đồng địa phương sẽ xác nhận và chúng tôi báo với cơ quan chức năng để thanh toán.

Thay mặt Bộ Chỉ huy QS tỉnh, chúng tôi cảm ơn các cơ quan Trung ương đã tạo điều kiện để chúng tôi thực hiện việc rà phá bom mình tại Quảng Trị.

BTV: Việc triển khai thực hiện chương trình trên đòi hỏi sự phối hợp của nhiều Bộ ngành, chính quyền các địa phương, các tổ chức, đoàn thể,… Vậy làm thế nào để người dân nhận thức về trách nhiệm phối hợp của mình, chẳng hạn khi phát hiện bom mìn thì phải báo ngay cho ngành chức năng, không tự ý đem về nhà xử lý

Việc tập huấn, trang bị kỹ năng phòng tránh cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế. Xin ông Chính cho biết, tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ này như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Chính: Truyền thông phòng tránh bom mìn là việc làm chúng tôi rất quan tâm. Khảo sát nhiều vụ tai nạn bom mìn cho thấy nhiều người gặp nạn do không hiểu biết về bom mìn. Nhiều dự án của các tổ chức phi chính phủ đã dành khoản kinh phí nhất định về tăng cường truyền thông. Hệ thống truyền thông ở Quảng Trị đều tham gia và tuyên truyền phòng tránh bom mìn, sự nguy hiểm, khi phát hiện bom mìn phải làm gì, những loại bom mìn có trên địa bàn tỉnh.

Chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho học sinh để nhận biết sự nguy hiểm của bom mìn, và đã có 100.000 lượt học sinh dược tập huấn, tuyên truyền nhận biết và cách ứng xử khi phát hiện bom mìn. Ngoài ra chúng tôi có trung tâm trưng bày bom mìn ở TP Đông Hà để mô tả những nỗ lực rà phá bom mìn, trung bày các loại bom mìn, nguy cơ từ bom mìn; xây dựng những băng hình tuyên truyền cho đồng bào dân tộc. Vì vậy, tai nạn bom mìn ở Quảng Trị đã được giảm đi rất nhiều.

BTV: Việc chọn địa điểm nào để rà phá chúng ta có khảo sát. Tôi muốn hỏi riêng huyện Hướng Hóa được hưởng trong công tác này như thế nào?

Ông Hoàng Văn Thanh: Nói chung, dự án này chúng tôi rất quan tâm nhiều địa bàn, trong đó có Hướng Hóa là một địa bàn chính tranh ác liệt.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng tôi cũng làm việc với UBND huyện bố trí các vùng nào quan trọng hay nói cách khác UBND huyện phải chịu trách nhiệm bố trí diện tích và khu vực rà phá bom mìn phù hợp trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương để ưu tiên tiến hành rà phá, đảm bảo cho người dân.

BTV: Hiện chúng ta đã có quy định, biện pháp xử lý đối với những người tự ý gỡ bom mìn mà không có chứng chỉ hành nghề, gây nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng. Công tác quản lý, cấp chứng chỉ hành nghề, công tác đào tạo rà phá bom mìn hiện được tiến hành như thế nào, thưa ông Hồng?

Ông Hoàng Minh Hồng: Hiện đào tạo nhân lực rà phá bom mìn do Bộ Tư lệnh Công binh đảm nhận. Việc đào tạo được tiến hành hàng năm theo chương trình để đảm bảo nhân lực rà phá bom mìn có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trên hiện trường và bảo đảm an toàn. 

BTV: Khắc phục hậu quả đòi hỏi kinh phí, nhân lực,… chúng ta cần tích cực tranh thủ nguồn lực quốc tế. Thưa ông Hồng, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế với Việt Nam như thế nào?

Ông Hoàng Minh Hồng: Thời gian qua, một số chính phủ và tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ tích cực cho công tác rà phá bom, mìn của Việt Nam.

Như Chính phủ Hoa Kỳ, từ sau khi Tổng thống Bin Clinton sang thăm Việt Nam đã cam kết hỗ trợ rà phá bom mìn cho Việt Nam.

Theo đó, đã có nhiều lớp huấn luyện tại Hoa Kỳ cho nhân viên rà phá bom mìn ở Việt Nam. Chính phủ Mỹ cũng cung cấp ngân sách cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động rà phá bom mìn tại việt Nam

Bên cạnh đó Chính phủ Nhật Bản cũng đã tài trợ rà phá bom, mìn trong quá trình xây dựng đường Hồ Chí Minh, và một số nơi tại Quảng Trị. Chính phủ Nhật Bản cũng tài trợ cho một số tổ chức phi chính phủ hoạt động rà phá bom, mìn tại Việt Nam.

Ngoài ra, một số quốc gia như Anh, Đức, Na Uy, Đan Mạch cũng tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên mức hỗ trợ còn khiêm tốn so với thực trạng ô nhiễm bom mìn của nước ta.

Chúng tôi hy vọng những nước trực tiếp hoặc gián tiếp tham chiến tại Việt Nam sẽ có những hoạt động tích cực hơn. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho họ tham gia để đẩy nhanh tiến độ xử lý.

BTV: Xin hỏi ông Hồng về việc tiêu hủy bom, mìn sau khi phát hiện?

Ông Hoàng Minh Hồng: Việc xử lý bom đạn là công việc nguy hiểm đồi hỏi nhân lực và cơ sở vật chất, bãi hủy, quy trình kỹ thuật xử lý phù hợp với từng loại bom đạn.

Thực tế, lực lượng công binh của chúng ta đã được đào tạo bài bản và thực hiện hiện tốt nhiệm vụ này. Tuy nhiên lực lượng này ở Quảng Trị còn quá mỏng vì bom đạn còn sót lại trên mảnh đất này quá nhiều. Do vậy, để hỗ trợ cho công binh, các tổ chức phi chính phủ cũng có tham gia tiêu hủy bom đạn, ví dụ ở bãi tiêu hủy bom đạn ở Hải Lăng. Chúng tôi cũng phối hợp với địa phương để tiêu hủy bom mìn…

BTV: Đối với việc đàm phán với các tổ chức quốc tế về hỗ trợ rà phá bom mìn, thưa ông Chính, nhiều lần tiếp các đoàn quốc tế, ông rút ra điều gì, làm thế nào để thuyết phục đối tác?

Ông Nguyễn Đức Chính: Các tổ chức phi Chính phủ khi vào làm việc, mục tiêu đầu tiên là rà phá bom mìn. Nhưng đối với chúng ta, nếu không thể để người dân tiếp cận đất, sản xuất, bảo đảm đời sống thì rà phá xong thì không phát huy được hiêu quả của đất.

Vì vậy, trong đàm phán, chúng tôi thường đề nghị các tổ chức phi chính phủ tăng cường hỗ trợ phát triển cho các vùng sau rà phá. Trước đây có một số tổ chức không đồng ý, nhưng chúng tôi đã thuyết phục họ làm các mô hình như xây dựng các làng tái định cư, sản xuất tập trung, việc đó có hiệu quả và đã thuyết phục được họ. Hiện nay có nhiều tổ chức phi chính phủ khi tiến hành rà phá bom mìn thì đều có sự đồng thuận trong hỗ trợ phát triển.

Vừa qua chúng tôi đã xây dựng được 5 làng tái định cư ở các vùng rà phá bom mìn.

Chúng tôi cũng đã đàm phán để họ hỗ trợ hạ tầng và các công trình phúc lợi khác cho những vùng họ hỗ trợ rà phá.

Khán giả trần Đức Long, sân bay Ái Tử, huyện Triệu Phong hỏi: Hầu hết nạn nhân bom mìn đều gặp rất nhiều khó khăn, riêng tỉnh Quảng Trị đã có những chính sách hỗ trợ đặc thù như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Chính: Chúng tôi có nhiều nỗ lực huy động sự đóng góp của cộng đồng, xã hội để hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Ngoài ra chúng tôi đề nghị các tổ chức nhân đạo từ thiện, các tổ chức phi chính phủ dành kinh phí triển khai các dự án hỗ trợ nạn nhân bị tổn thương do bom mìn còn sót lại. Thực tế, nhiều gia đình nạn nhân bom mìn đã nhận được sự hỗ trợ để xây dựng nhà ở, vốn sản xuất, học nghề mới… Các dự án này đã triển khai ở một số địa phương nhưng chưa triển khai ra toàn địa bàn do kinh phí còn hạn chế. Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đề xuất những chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp cho các gia đình bị tai nạn bom mìn.

Khán giả Trần Quốc Minh, ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng hỏi: Khi phát hiện bom mìn thì cần liên hệ ở đâu, người dân có tốn tiền để tháo gỡ bom mìn hay không?

Ông Hoàng Văn Thanh: Khi người dân phát hiện bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại phải báo cáo cho các cấp chính quyền. Về quân sự thì báo cho xã đội, huyện đội, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh… Hiện ở Quảng Trị, ngoài lực lượng quân đội thì các tổ chức phi chính phủ cũng được phép tổ chức các đội rà phá lưu động. Và những tổ chức này khi đến địa bàn nào thì họ cũng thường cung cấp ngay số điện thoại cho người dân vì vậy người dân có thể thông báo cho các đội rà phá lưu động này.

BTV: Khả năng của chúng ta là làm sạch khoảng 20 ngàn ha đất mỗi năm chủ yếu bằng ngân sách nhà nước, như vậy tính ra phải mất khoảng 300 năm nữa chúng ta mới có thể dọn sạch số bom mòn còn sót lại sau chiến tranh trên khắp đất nước VN. Để đẩy nhanh tốc độ rà phá, rút ngắn thời gian cần phải có những giải pháp gì, thưa ông Hồng?

Ông Hoàng Minh Hồng: Để đẩy nhanh tiến độ, trong Chương trình 738, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh một số giải pháp cơ bản.

Thứ nhất, về công tác tổ chức cần phân rõ trách nhiệm giữa các bộ phận, các lực lượng để tránh chồng chéo.

Thứ hai, về huy động nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Chúng ta tập trung vào các nguồn lực hỗ trợ có mục tiêu của trung ương từ nay đến 2015 khoảng 1800 tỷ đồng, chiếm 45% kế hoạch. Đồng thời huy động ngân sách địa phương của các doanh nghiệp đầu tư vào dự án; huy động nguồn tài trợ trong nước.

Thứ ba, về huy động nguồn lực quốc tế chúng ta cần xây dựng các chiến lược truyền thông, mở rộng hợp tác quốc tế để bạn bè hiểu, chia sẻ và có sự hỗ trợ.

Thứ tư, về khoa học công nghệ chúng tôi xây dựng trung tâm huấn luyện rà phá bom mìn để thực hiện đào tạo cho các lực lượng làm công tác quản lý, phát triển sản xuất trang thiết bị, đào tạo kỹ năng cho người làm công tác rà phá bom mìn,…

BTV:  Xin ông cho biết, kinh nghiệm của Quảng Trị trong lĩnh vực này?

Ông Hoàng Văn Thanh: Trước hết, trên địa bàn Quảng Trị, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh rất lớn. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, các cấp, các ngành cần ra sức tuyên truyền cho nhân dân, để thực hiện phòng tránh, xử lý bom mìn đúng quy định.

Thứ hai, các đơn vị được phân công trách nhiệm xử lý bom mìn phải có chuẩn, được đào tạo kỹ lưỡng về kỹ thuật, có lòng dũng cảm, hiểu rõ tính năng các loại vũ khí còn sót lại.

Thứ ba, trong tổ chức thực hiện ưu tiên cho các địa phương. Tập trung vào khu vực trọng điểm như Hướng Hóa, tập trung lực lượng quân đội và các tổ chức phi chính phủ để thực hiện.

Thứ tư, trong quá trình rà phá, quản lý, giám sát chặt chẽ, bài bản nguồn vốn đầu tư  còn hạn hẹp.

Thứ năm, trong quá trình thực hiện luôn rút kinh nghiệm để chỉ đạo, bồi dưỡng thêm cho anh em, cũng  như phối hợp với các tổ chức phi chính phủ cùng rút kinh nghiệm để xử lý.

BTV: Tôi có một băn khoăn, trong khi chúng ta có nhiều đơn vị, địa phương từ trung ương đến địa phương cùng tham gia công tác này, chưa kể đến các tổ chức quốc tế, vậy liệu chúng ta có sự chông chéo trong thực hiện không, vì hiện chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia để tập hợp thông tin, nhập vào một cơ sở chung. Thưa ông Hồng,  làm thế nào để khắc phục?

Ông Hoàng Minh Hồng: Thực ra công tác quản lý khắc phục hậu quả bom mìn không có sự chồng chéo, ở đây chỉ có: thứ nhất, về việc rà phá của các đơn vị, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, là giao các lực lượng quân đội thực hiện rà phá tại hiện trường. Ngoài ra có một đơn vị với tư cách dân sự được thực hiện rà phá bom mìn là trung tâm hành động khắc phục bom mìn  Việt Nam của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, còn các nội dung khác  của chương trình hành động quốc gia như tuyên truyền, hỗ tợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng… thì các tổ chức phi chính phủ tham gia, ngoài việc rà phá có tổ chức thực hiện ở nhiều tỉnh khác trên cả nước cũng như ở Quảng Trị. Họ thực hiện theo quy định chung của pháp luật- theo Nghị định 93 của Chính phủ về việc viện trợ của các tổ chức phi chính phủ.

Tôi nghĩ không có sựchồng chéo. Tuy nhiên, về mặt dữ liệu , hiện nay việc nhập, quản lý dữ liệu, thông tin về dữ liệu đang trong quá trình hoàn thành, thứ nhất là hoàn thành về cơ chế. Trong cơ chế quản lý dữ liệu này có tiêu chuẩn. Trong bộ tiêu chuẩn quốc gia quy định đầy đủ nội dung công việc mà những đơn vị, doanh nghiệp hoặc người làm công việc rà phá phải tuân thủ theo.

BTV: Do chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất chung nên mỗi tổ chức rà phá bom mìn có một hệ thống lưu trữ và quản lý thông tin riêng, dẫn đến trở ngại trong công tác điều phối, xác định ưu tiên, lập kế hoạch, phân bổ lực lượng,… Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Trị đã có cách làm chủ động bằng việc thành lập một cơ sở dữ liệu cấp tỉnh và giao cho Sở Ngoại vụ chủ trì thực hiện từ tháng 4/2013. Mới qua vài tháng thì chưa thể nói về kết quả bước đầu nhưng có thể cho biết về kế hoạch triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Chính: Để thực hiện tốt công tác rà phá bom mìn thì phải lồng ghép nguồn lực, xây dựng quy trình, tiết kiệm nguồn ngân sách… Việc xây dựng dữ liệu rà phá bom mìn trên địa bàn của Quảng Trị đã được quan tâm từ lâu nay. Hiện chúng tôi đã nhận được hỗ trợ của một tổ chức của Na Uy để xây dựng trung tâm dữ liệu bên cạnh trung tâm trưng bày bom mìn.

Theo báo cáo của Sở Ngoại vụ, hiện trung tâm dữ liệu đã cơ bản hoàn thành và khi đi vào hoạt động thì sẽ hỗ trợ các tổ chức quốc tế có thể tiếp cận tình trạng bom mìn, cách thức đầu tư, triển khai hoạt động rà phá bom mìn ở Quảng Trị. Đồng thời giúp cho các cơ quan quản lý hiểu rõ tình trạng bom mìn trên địa bàn và đề ra những giải pháp, kế hoạch cụ thể. Hy vọng trung tâm dữ liệu bom mìn sẽ phát huy hiệu quả, phục vụ tốt công tác rà phá bom mìn, làm sạch môi trường trên dịa bàn tỉnh Quảng Trị.

Khán giả Trần Thị Lương (Hải Sơn, Hải Lăng) hỏi: Tôi là nạn nhân bom mìn, cũng như nhiều nạn nhân khác tôi rất mong có nghề nghiệp khác để khỏi gặp nguy hiểm nhưng hiện đời sống còn nhiều khó khăn, vậy chính quyền các cấp có chính sách hỗ trợ như thế nào để chúng tôi có thể chuyển đổi nghề, được đào tạo nghề? 

Ông Nguyễn Đức Chính: Chúng ta không được tự ý làm những công việc hết sức nguy hiểm liên quan đến bom mìn như tự rà phá bom mìn, cưa bom mìn… mà cần phải chuyển đổi nghề nghiệp.

Chúng tôi đã có những kế hoạch để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn như hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo để chuyển đổi nghề nghiệp. Đối với địa phương, chúng tôi đang thúc đẩy các chương trình giảm nghèo, dạy nghề, cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm tại những vùng khó khăn, những người làm nghề nguy hiểm liên quan đến rà phá bom mìn.

BTV: Từ năm 2006, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 4/4 hàng năm là ngày quốc tế nâng cao nhận thức phòng, tránh bom mìn. Điều đó cho thấy khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh không chỉ là vấn đề của riêng VN mà còn là vấn đề mang tính quốc tế. Cuộc trao đổi của các vị khách qua chương trình cũng như là sự tri ân bạn bè quốc tế đã đồng hành cùng VN để làm hồi sinh những vùng đất chết. Làm sao để nâng cao năng lực và huy động nhiều nguồn lực để tăng tốc độ rà phá bom mìn, làm sao sau vài chục năm tới cơ bản giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Đó là nhiệm vụ của Chính phủ và là mong ước của hàng triệu người dân Việt Nam. Theo nhận định của các chuyên gia, phải mất 3 thế kỷ nữa mới dọn sạch bom mìn, nhưng chúng ta hy vọng nếu Chương trình 504 đi vào cuộc sống thì thời gian có thể rút ngắn còn 1/3, hay thậm chí còn 70 năm. Sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự hưởng ứng của toàn xã hội cùng sự hợp tác của cộng đồng Quốc tế trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn do chiến tranh là vô cùng quan trọng vì sự bình yên của  những vùng quê nghèo sau chiến tranh và vì công cuộc phát triển KT- XH của đất nước .

Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình. Cảm ơn quý vị khán giả đã quan tâm theo dõi và đặt câu hỏi.

Cổng TTĐT Chính phủ