Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Toàn cảnh Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp - Ảnh: VGP/Minh Trang |
Cần sớm có hỗ trợ tài chính và lưu thông hàng hóa
Chia sẻ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, ông Vy Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng cho hay, các doanh nghiệp lớn, có thị trường ổn định thì doanh thu sụt giảm từ 5-20%, nhưng các doanh nghiệp nhỏ chưa có thị trường ổn định thì gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các công ty có thị trường trong nước thì gần như không có hợp đồng mới.
Ông Việt bày tỏ mong muốn được hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất trong vùng dịch thông qua việc cho phép giãn nợ, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ về chi phí vận hành thông qua việc giảm một phần chi phí tiền điện, băng thông internet; thuê hạ tầng; hỗ trợ các khoản vay ưu đãi để các doanh nghiệp khó khăn có thể duy trì hoạt động.
Bên cạnh đó, cho phép các doanh nghiệp được tự thực hiện việc test nhanh COVID-19 sau khi được cơ quan y tế tập huấn, hướng dẫn lấy mẫu; cơ quan y tế sớm ban hành quy trình hướng dẫn xử lý khi cơ sở sản xuất có ca mắc COVID-19; có các chính sách phù hợp để không gây gián đoạn nguồn cung ứng nguyên vật liệu (các thiết bị điện tử, máy móc, nhập khẩu từ nước ngoài hoặc cần phải bảo trì nhưng gặp khó khăn trong vận chuyển…).
![]() |
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cho biết các đơn vị vận tải nói chung và vận tải khách đường bộ nói riêng đang đứng trên bờ vực phá sản. Hơn 4 tháng qua, hàng ngàn xe taxi phải nằm yên tại chỗ, hiện nay xe nào cũng hỏng bình điện, dàn lốp.
Ông Nguyễn Văn Hiền đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế giá trị gia tăng được nộp dần trong thời gian 3 năm; giảm đóng phí công đoàn; không phạt chậm các khoản thuế, phí.
Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Đà Nẵng đề xuất một số kiến nghị cấp Trung ương như cần cụ thể hóa Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh COVID-19. Bên cạnh Nghị quyết 68, Hiệp hội kiến nghị Thành phố tiếp tục đề xuất với Chính phủ những chính sách hỗ trợ người lao động khác. Ngoài ra, cần có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 và không điều chỉnh tăng giá đất trong giai đoạn này.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Đà Nẵng kiến nghị Thành phố đề xuất với Trung ương giảm thuế đồng bộ cho các doanh nghiệp, chứ không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ cũng chỉ mang tính tạm thời. Để có thể phục hồi bền vững, doanh nghiệp kiến nghị Thành phố cần báo cáo với Trung ương có giải pháp nhằm tăng cường lưu thông hàng hóa, tăng sức mua thị trường nội địa...
![]() |
Đại diện doanh nghiệp phát biểu ý kiến - Ảnh: VGP/Minh Trang |
Khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh chia sẻ: “Chúng tôi thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền Thành phố đã cố gắng triển khai các giải pháp tốt nhất trong khả năng cho phép để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh”.
Ông Lê Trung Chinh khẳng định: “Cũng giống như phương châm chống dịch “không để ai bị bỏ lại phía sau”, lãnh đạo Thành phố cam kết sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, sắp tới Thành phố sẽ mở lại nhiều hoạt động theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ với những điều kiện cụ thể. Thành phố ban hành kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế-xã hội, đặc biệt triển khai có hiệu quả các giải pháp đã ban hành và khẩn trương ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bảo đảm hiệu quả, khả thi, cân đối được nguồn lực với quy trình, thủ tục đơn giản; ưu tiên hỗ trợ ngành nghề, lĩnh vực có tính lan tỏa, dẫn dắt nền kinh tế.
Đến đầu tháng 10, Đà Nẵng bảo đảm người lao động được tiêm tối thiểu một mũi vaccine phòng COVID-19 - Ảnh: VGP/Minh Trang |
Trong đó, trước mắt, đến đầu tháng 10, bảo đảm người lao động được tiêm tối thiểu một mũi vaccine phòng COVID-19, hướng đến tiêm đủ 2 mũi vào cuối năm 2021; hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm, hướng dẫn rõ đối tượng, thời điểm lấy mẫu xét nghiệm; thành lập đội phản ứng nhanh về y tế để hỗ trợ doanh nghiệp khi phát hiện ca bệnh…
Thành phố sẽ tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, phòng, chống dịch, hướng đến sớm hình thành “công dân xanh, doanh nghiệp xanh, xã hội xanh”. Tăng cường chuyển đổi số; phân cấp, ủy quyền, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký/mở rộng đầu tư, hải quan, giấy phép lao động. Khẩn trương rà soát, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để tái khởi động và mở rộng các dự án.
Ông Nguyễn Văn Quảng cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch phục hồi sản xuất gắn với các phương án bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh tương ứng với các cấp độ dịch bệnh trong dài hạn để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định.
Minh Trang