Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kể từ khi bùng phát hồi đầu tháng 3 năm nay, đã có hơn 670 ca tử vong do nhiễm virus Ebola. Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Thomas Frieden, cơ quan này đang tăng cường các biện pháp đối phó với sự bùng phát của dịch Ebola và dự kiến trong tháng 8 sẽ cử thêm 50 chuyên gia y tế tới để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh tại các nước Tây Phi.
Ông Frieden nhận định, với những diễn biến phức tạp, dịch Ebola có thể còn tiếp diễn trong vòng 6 tháng tới hoặc hơn thế nữa. Do khả năng lây nhiễm cao, CDC cũng khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch thể của người bệnh có triệu chứng như sốt cao, nôn mửa và tiêu chảy.
Khuyến cáo của CDC được đưa ra chỉ vài ngày sau khi có 2 nhân viên y tế của Mỹ được xác định nhiễm virus Ebola và hiện vẫn trong tình trạng nguy kịch.
Dịch Ebola bắt đầu khởi phát vào tháng 2 ở Guinea. Từ đó, virus lây lan sang các nước láng giềng Sierra Leone và Liberia. Chỉ riêng giai đoạn đó đã có hơn 1.100 trường hợp lây nhiễm, trong đó gần 700 ca tử vong. Theo ông Mikhail Shchelkanov, tiến sĩ sinh học kiêm Trưởng phòng thí nghiệm sinh thái và virus của Viện Virus học Nga, lần đầu tiên trong lịch sử virus Ebola tỏ ra “khát máu” như vậy.
Hầu hết virus Ebola lây truyền qua máu và cơ thể con người, khỉ, lợn và theo một số báo cáo, thông qua cả loài dơi. Bệnh xảy ra rất nhanh chóng. Trong giai đoạn đầu, nạn nhân sốt, cảm thấy mệt mỏi, đau họng, đau các khớp xương, nhiệt độ tăng lên đến 40 độ C. Sau đó, có tiêu chảy ra máu và ói mửa, trong vòng hai hoặc ba ngày thì tử vong.
Virus Ebola lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1976, gây sốt xuất huyết ở bệnh nhân với tỷ lệ tử vong cao. Cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc đặc trị hay vaccine phòng ngừa loại virus này.
Huyền Anh