Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bên bờ nội chiến
Ngày 15/4, Quân đội Ukraine đã triển khai các lực lượng lính nhảy dù đặc nhiệm ở một sân bay cách thành phố miền Đông Slovyansk khoảng 40km về phía nam.
Quân đội Ukraine cũng đã điều 20 xe tăng và xe thiết giáp đến một số tỉnh "điểm nóng" ở miền Đông. Tại Slovyansk, các lực lượng Ukraine dựng rào chắn bằng bê tông và bắt đầu kiểm soát tuyến đường dẫn vào thành phố này trong khi máy bay lên thẳng quần đảo trên bầu trời thành phố.
Nhà chức trách Ukraine cho biết đó là những bước đầu trong chiến dịch đẩy lùi những phần tử ly khai ra khỏi các tòa nhà chính phủ ở 10 thành phố miền đông.
Người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) tuyên bố sẽ tiêu diệt người biểu tình có vũ trang nếu họ không giao nộp vũ khí. Trong khi đó, phe biểu tình cũng đã dựng thêm chướng ngại vật và đặt súng máy dọc theo một tuyến đường dẫn vào thành phố.
Tướng Vasily Krutov, chỉ huy chiến dịch phía Ukraine, đã yêu cầu khoảng 500 người biểu tình giải tán, nhưng tình hình tiếp tục căng thẳng cho tới tối ngày 15/4.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo "Ukraine đang bên bờ vực nội chiến" khi Chính phủ tạm quyền Ukraine sử dụng quân đội tấn công những người biểu tình ở miền Đông nước này.
Trong thông báo ra ngày 15/4, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga khẳng định xung đột leo thang mạnh đã đẩy Ukraine đến bờ vực nội chiến.
Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney hôm qua cho biết Ukraine hiện đang đối mặt với "tình huống không thể chấp nhận được" trước phong trào ly khai ở miền đông. Mỹ cho rằng hành động quân sự chống lại lực lượng thân Nga là "được cân nhắc kỹ càng".
Tìm cách tháo ngòi
Cũng trong ngày 15/4, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở miền Đông Ukraine. Theo ông, mọi hành động khiến căng thẳng tại đây leo thang sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với tất cả các bên liên quan. Vì vậy, các bên cần hợp tác để tìm ra giải pháp ngoại giao và hòa bình cho Ukraine. Người đứng đầu LHQ bày tỏ tin tưởng rằng người dân Ukraine có quyền tự do trình bày quan điểm của mình mà không bị đe dọa vũ lực và kêu gọi các bên tham gia vào cuộc đối thoại chính trị.
TTK LHQ cũng từ chối đề nghị của chính phủ tạm quyền tại Ukraine về triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của của LHQ. Ông nhấn mạnh thời điểm hiện nay không thích hợp và động thái này cần nhận được sự chấp thuận của các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ.
Thông báo từ điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga đã đề nghị LHQ và cộng đồng quốc tế lên án việc Kiev sử dụng vũ lực tại miền đông Ukraine.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố Mỹ hy vọng giải pháp ngoại giao sẽ giúp giảm tình hình căng thẳng ở miền Đông Ukraine, song vẫn cảnh báo Washington và EU cũng chuẩn bị cho việc áp đặt các biện pháp mạnh hơn để trừng phạt Nga. Bà xác nhận Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã điện đàm với những người đồng cấp Pháp, Đức và Anh để bàn về vấn đề này trong ngày 15/4.
Bà Psaki bày tỏ hy vọng cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các bên Nga, Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ là cơ hội để giải quyết khủng hoảng tại Ukraine. Bên cạnh đó, bà cho biết thêm đề xuất của Nga về cải cách hiến pháp tại Ukraine có thể được đưa vào chương trình nghị sự của đàm phán.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng tống Nga và nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc gặp 4 bên giữa các nhà ngoại giao Nga, EU, Mỹ và Ukraine, dự kiến diễn ra vào ngày 17/4 tới ở Thụy Sĩ, như một bước đi nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Tổng thống Putin đã khẳng định với Thủ tướng Đức về tầm quan trọng của việc ổn định nền kinh tế Ukraine và đảm bảo để các nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu không bị gián đoạn. Tổng thống Nga cũng coi việc chính quyền mới tại Ukraine sử dụng vũ lực chống lại các hoạt động biểu tình hòa bình là hành động "đi ngược lại Hiến pháp".
Lam An