• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tìm giải pháp để ngân hàng Việt vươn xa

(Chinhphu.vn) – Tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2019 với chủ đề “Để ngân hàng Việt vươn xa”, các chuyên gia, nhà quản lý đã trao đổi chiến lược, giải pháp tăng cường vị thế ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như góp phần nâng hạng tín nhiệm quốc gia.

09/05/2019 11:56

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đang điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Huy Thắng.

Lãnh đạo NHNN cho biết, công tác tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu có những chuyến biến tích cực. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Trong hoạt động thanh toán, ngân hàng cũng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0), qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).

Trên nền tảng vững chắc của năm 2018, những tháng đầu năm 2019, điều hành CSTT tiếp tục chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngay từ đầu năm, các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) đã chủ động giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ với mức giảm phổ biến khoảng 0,5%/năm. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đặc biệt, thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng sản xuất và tiêu dùng và triển khai nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Với các giải pháp, nỗ lực của ngành ngân hàng, thời gian qua vốn tín dụng của hệ thống TCTD cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, là kênh dẫn vốn chủ yếu cho nền kinh tế.

Được biết, trong 3 tháng đầu năm 2019, dư nợ tín dụng nền kinh tế tiếp tục tăng khoảng 3,19% so với cuối năm 2018. Nguồn vốn tín dụng được đẩy mạnh tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Bên cạnh đó, công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục có những kết quả tích cực. Các chủ trương, chính sách thanh toán của Chính phủ và NHNN về đẩy mạnh TTKDTM đã được hệ thống ngân hàng triển khai mạnh mẽ. Hành lang pháp lý về lĩnh vực thanh toán tiếp tục hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và sử dụng an toàn, hiệu quả các loại hình phương tiện và dịch vụ thanh toán mới. Các chương trình giáo dục tài chính như “Tiền khéo, tiền khôn” được triển khai tích cực, hiệu quả, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.

Toàn cảnh Diễn đàn .Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Những thành công trong điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng đã góp phần quan trọng nâng hạng tín nhiệm quốc gia qua đánh giá của các tổ chức quốc tế.

Mới đây, ngày 5/4, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard&Poors (S&P) đã công bố nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định”, đồng thời khẳng định xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức “B”. Đây là lần đầu tiên sau 9 năm (kể từ tháng 12/2010) giữ nguyên mức xếp hạng “BB-”, S&P đã quyết định thăng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam. Cùng sự kiện S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam lần này đã cho thấy những chuyển biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam được ghi nhận rõ nét trong mắt các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế. S&P đánh giá cao tầm quan trọng của NHNN trong điều hành CSTT phù hợp với chính sách tài khóa và những chính sách kinh tế phát triển khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. 

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành (nguyên Phó Viện trưởng CIEM) đánh giá, điều hành chính sách tiền tệ thông minh hơn, bơm hút tiền rất đúng, chuẩn, phối hợp với Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ nhuần nhuyễn hơn.

Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, các tổ chức quốc tế đều nâng hạng Việt Nam và họ có 5 tiêu chí để xem xét: tăng trưởng kinh tế; tăng thu nhập bình quân đầu người; thể chế; hệ thống tài chính NH; một số yếu tố khác như chính trị, độ mở kinh tế, sức chống chọi với cú sốc bên ngoài. Việt Nam đã đạt được 4 điểm tốt và được nâng hạng tín nhiệm.

Ông Lực cho rằng, điểm sáng là chính sách tỉ giá tương đối ổn định trong 3 năm qua và năm nay, dự trữ ngoại hối tăng tích cực trong thời gian qua, nâng cao uy tín của đồng nội tệ. Ngoài ra, cán cân vãng lai tốt, thu hút FDI liên tục.

Hệ thống tài khóa nợ nước ngoài kiểm soát nhưng vẫn còn cao so với quy mô nền kinh tế và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với hệ thống ngân hàng, nợ xấu của chúng ta tích cực, nhưng vẫn còn cao, dù có Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của các TCTD nhưng vẫn còn vướng mắc.

Hơn nữa, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng cũng là vấn đề, vốn của chúng ta tăng trưởng không tương ứng với nền kinh tế, do đó, cần quan tâm tăng vốn cho ngân hàng.

“Nếu giải quyết điểm nghẽn đó có thể nâng hạng nền kinh tế và hệ thống ngân hàng trong thời gian tới”, ông Cấn Văn Lực nói.

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, chia sẻ sau nhiều nỗ lực, Vietcombank đã xử lý được khối lượng lớn nợ tồn đọng, bao gồm nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên xử lý và trích lập đầy đủ, mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), đưa nợ xấu về một sổ sớm trước 3 năm so với đề án được phê duyệt.

Tính đến hết tháng 3/2019, Vietcombank tự xử lý được 22.800 tỉ đồng nợ xấu, đạt 76% kế hoạch (giai đoạn năm 2016-2020) theo Đề án. Dư nợ xấu là 6.870 tỉ đồng, tỷ lệ nợ xầu là 1,02%. Từ năm 2016 đến 2018, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank luôn thấp hơn mức khống chế của NHNN (3%) và luôn thấp hơn kế hoạch theo Đề án.

Ông Phạm Mạnh Thắng chia sẻ, Vietcombank đã quản lý và xử lý nợ xấu với việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đồng bộ như: xây dựng và hoàn thiện các quy định của Vietcombank liên quan đến quản lý và xử lý nợ có vấn đề; kiện toàn bộ máy nhân sự tham gia công tác xử lý nợ; thống nhất phương thức quản lý và xử lý nợ xấu trong hệ thống…Vietcombank chủ động rà soát lại danh mục nợ xấu, nợ tiềm ẩn rủi ro chuyển sang nợ xấu và phân nhóm khách hàng…

Theo các chuyên gia, hệ thống các TCTD là huyết mạch của nền kinh tế. Các ngân hàng cần nhận thức rõ trách nhiệm lớn lao của mình, luôn cố gắng nỗ lực “chuyển mình”, tập trung nguồn lực trong công tác kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý thu hồi nợ để nhanh chóng xử lý triệt để nợ xấu, phá tan “cục máu đông”, khơi thông dòng vốn để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, tăng cường năng lực tài chính quốc gia, cần có sự vào cuộc đồng bộ không chỉ của ngành ngân hàng.

Cụ thể, các bộ, ngành và các đơn vị, tổ chức có liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình phân loại, sắp xếp các doanh nghiệp, trọng tâm là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; Bộ Công an có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể cơ quan công an các cấp phối hợp với các cấp chính quyền địa phương các nội dung liên quan để triển khai hiệu quả chính sách tại Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14; Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, sớm có văn bản hướng dẫn đối với trường hợp nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai…

Anh Minh