Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhiều chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 17/2021/NĐ-CP quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện.
Đối với thanh niên xung phong, Nghị định nêu rõ 3 chính sách: Chính sách đối với đội viên thanh niên xung phong trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; chính sách đối với đội viên thanh niên xung phong sau khi hoàn thành nhiệm vụ; chính sách đối với người làm công tác lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, kỹ thuật trong tổ chức thanh niên xung phong.
Thanh niên xung phong làm ở vùng đặc biệt khó khăn được miễn nhập ngũ
Nghị định quy định đội viên thanh niên xung phong trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; được cấp trang phục thanh niên xung phong tối thiểu mỗi năm 02 bộ, thẻ đội viên thanh niên xung phong; được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ học vấn, lý luận chính trị, chuyên môn, nghề nghiệp; tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí theo quy định của pháp luật; được tham gia hoạt động đoàn thể; được bồi dưỡng, xét kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, xét kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam theo quy định của Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam; được ưu tiên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định hiện hành.
Đội viên thanh niên xung phong có hành động dũng cảm bị chết hoặc bị thương thuộc một trong các trường hợp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng thì được tổ chức thanh niên xung phong đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận là liệt sĩ hoặc quyết định được hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Đội viên thanh niên xung phong đang làm việc trong tổ chức thanh niên xung phong nếu bị chết thì được hưởng trợ cấp mai táng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và được tổ chức thanh niên xung phong hỗ trợ phương tiện đưa về quê quán hoặc gia đình nếu có yêu cầu của thân nhân.
Đội viên thanh niên xung phong có công trạng, thành tích trong thực hiện nhiệm vụ được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Đội viên thanh niên xung phong làm nhiệm vụ ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật thì được hưởng thêm các chính sách sau: Được hỗ trợ một khoản sinh hoạt phí 06 tháng đầu kể từ khi làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Mỗi tháng làm việc được hưởng mức sinh hoạt phí bằng 01 lần mức lương cơ sở theo quy định của pháp luật; được tạm hoãn hoặc miễn gọi nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.
Đối với đội viên thanh niên xung phong sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì được tổ chức thanh niên xung phong cấp Giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ; được ưu tiên khi tham gia tuyển dụng công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Trường hợp có nguyện vọng ở lại định cư, lập nghiệp tại các địa phương là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được áp dụng các chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn nơi định cư.
Trường hợp thực hiện nhiệm vụ tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật thì được hưởng thêm các chính sách sau:
- Trợ cấp 01 lần theo mức mỗi năm làm việc trong tổ chức thanh niên xung phong tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bằng 01 tháng tiền công hiện hưởng. Trường hợp không đủ 01 năm (12 tháng) nếu thời gian làm việc từ 01 tháng đến đủ 06 tháng thì hưởng 1/2 tháng tiền công, nếu thời gian làm việc trên 06 tháng thì được tính 01 tháng tiền công;
- Được miễn gọi nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự;
- Được cấp tiền tàu xe đi đường khi trở về địa phương.
Chính sách đối với thanh niên tình nguyện
Nghị định quy định chính sách đối với thanh niên tình nguyện tham gia các chương trình, đề án, dự án; chính sách đối với thanh niên tình nguyện, cơ quan tổ chức hoạt động tình nguyện vì cộng đồng và xã hội.
Theo quy định, thanh niên tình nguyện trong quá trình thực hiện chương trình, đề án, dự án được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký hợp đồng lao động; được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; được hưởng các chế độ tiền lương hoặc tiền công, phụ cấp, trợ cấp, công tác phí và chế độ, chính sách khác quy định trong chương trình, đề án, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; được trang bị phương tiện làm việc và phương tiện bảo hộ cá nhân cần thiết, bảo đảm an toàn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hoạt động tình nguyện.
Đồng thời được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và các kỹ năng cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; được phân công, giao nhiệm vụ phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo và nhu cầu bố trí, sử dụng thanh niên tình nguyện; được tham gia hoạt động đoàn thể; được bồi dưỡng, xét kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, xét kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam theo quy định của Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam; được chính quyền địa phương, đơn vị nơi diễn ra hoạt động tình nguyện tạo điều kiện về nơi ở; tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội tại địa phương; được cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị nơi diễn ra hoạt động tình nguyện xem xét, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý phù hợp với quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của địa phương.
Đối với các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của thanh niên tình nguyện được cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị nơi diễn ra hoạt động tình nguyện đánh giá có hiệu quả, tính khả thi cao thì được chính quyền địa phương xem xét, hỗ trợ tổ chức triển khai thực hiện.
Thanh niên tình nguyện có hành động dũng cảm bị chết hoặc bị thương thuộc một trong các trường hợp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi diễn ra hoạt động tình nguyện đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận là liệt sĩ hoặc quyết định được hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện bị chết thì được hưởng tiền trợ cấp mai táng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, được chính quyền địa phương nơi diễn ra hoạt động tình nguyện hỗ trợ phương tiện đưa về quê quán hoặc gia đình theo yêu cầu của thân nhân.
Hỗ trợ tiền cho thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ
Sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, thanh niên tình nguyện được chính quyền địa phương nơi diễn ra hoạt động tình nguyện cấp Giấy chứng nhận tham gia hoạt động tình nguyện theo thẩm quyền; được cấp có thẩm quyền, đơn vị nơi diễn ra hoạt động tình nguyện xem xét, quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian hoạt động tình nguyện và có nhu cầu tiếp tục ở lại địa phương công tác; được hỗ trợ một lần bằng một nửa tiền lương hoặc tiền công tháng hiện hưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao; được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm theo quy định của pháp luật.
Thanh niên tình nguyện có nguyện vọng ở lại định cư, lập nghiệp tại các địa phương là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã đặc biệt khó khăn thì được áp dụng các chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn nơi định cư.
Thủ tướng đồng ý thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ
Thủ tướng vừa phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Đối tượng thực hiện thí điểm là doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc là công ty con được Công ty mẹ có Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông (Doanh nghiệp thực hiện thí điểm).
Khách hàng cá nhân đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile-Money phải cung cấp Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được Doanh nghiệp thực hiện thí điểm định danh, xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động; và số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile – Money. Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile – Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện thí điểm.
Việc triển khai thí điểm áp dụng trên phạm vi toàn quốc, trong đó, các Doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải ưu tiên triển khai thí điểm dịch vụ Mobile – Money tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam.
Doanh nghiệp thực hiện thí điểm chỉ được phép cung ứng dịch vụ Mobile – Money để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành để phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân; việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile – Money chỉ áp dụng đối với giao dịch nội địa hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bằng đồng Việt Nam, không được thực hiện thanh toán chuyển tiền cho hàng hóa, dịch vụ cung cấp xuyên biên giới.
Theo quy định, thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile – Money là 2 năm kể từ thời điểm Doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ này.
Hạn mức giao dịch Mobile – Money không quá 10 triệu đồng/tháng
Theo quy định, Doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile – Money để sử dụng cho các nghiệp vụ:
- Nạp tiền mặt vào tài khoản Mobile – Money tại các điểm kinh doanh (trong đó, các điểm kinh doanh được lựa chọn theo tiêu chí), nạp tiền vào tài khoản Mobile – Money từ tài khoản thanh toán của khách hàng (chủ tài khoản Mobile – Money) tại ngân hàng hoặc từ Ví điện tử của khách hàng (chủ tài khoản Mobile – Money) tại chính Doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile – Money.
- Rút tiền mặt từ tài khoản Mobile – Money tại các điểm kinh doanh, rút tiền từ tài khoản Mobile – Money về tài khoản thanh toán của khách hàng (chủ tài khoản Mobile – Money) tại ngân hàng hoặc rút về Ví điện tử của khách hàng (chủ tài khoản Mobile – Money) tại chính Doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile – Money.
- Thanh toán việc mua hàng hóa, dịch vụ cho Đơn vị chấp nhận thanh toán bằng tài khoản Mobile – Money.
- Chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile – Money của khách hàng trong cùng hệ thống của Doanh nghiệp thực hiện thí điểm, giữa các tài khoản Mobile – Money của khách hàng với tài khoản thanh toán tại ngân hàng, giữa tài khoản Mobile – Money với Ví điện tử do chính Doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng.
Hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile – Money cho tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.
Quyết định nêu rõ các hành vi bị cấm gồm: Cung ứng hoặc sử dụng tài khoản Mobile – Money cho các nghiệp vụ khác ngoài việc nạp tiền, rút tiền, thanh toán, chuyển tiền quy định nêu trên; Doanh nghiệp thực hiện thí điểm cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money, trả lãi trên số dư tài khoản Mobile Money hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên tài khoản Mobile Money so với giá trị tiền khách hàng đã nạp vào tài khoản Mobile Money; cung ứng hoặc sử dụng tài khoản Mobile Money để thực hiện các giao dịch cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo và các hành vi gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, trao đổi, tặng, cho hoặc mua bán tài khoản Mobile Money, thông tin tài khoản Mobile Money;...
Việc cho phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money nhằm góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam; tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng.
Đồng thời, kết quả thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam.
Bổ sung kinh phí phòng, chống COVID-19
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 cho Bộ Y tế 502,9 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để tiếp tục mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo phương án đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông qua năm 2020.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung; thực hiện mua sắm đúng quy định của pháp luật, đúng mục đích, đối tượng, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch và phù hợp với diễn biễn của dịch bệnh năm 2021. Bộ Tài chính, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.
Xuất cấp muối trắng hỗ trợ người dân Hà Tĩnh bị thiên tai
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 639,5 tấn muối trắng (muối ăn) từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Hà Tĩnh để hỗ trợ cho người dân bị ngập lụt và bị ảnh hưởng do mưa lớn xảy ra trong năm 2020.
Bộ Tài chính, UBND tỉnh Hà Tĩnh xử lý cụ thể theo quy định; chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo. Việc tiếp nhận, phân bổ và sử dụng số muối ăn nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành.
Quý III/2021, xây dựng chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia vừa ban hành Chương trình công tác năm 2021 của Ban Chỉ đạo này.
Theo kế hoạch, Bộ Quốc phòng xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục trang thiết bị phòng thủ dân sự (PTDS) (hoàn thành Quý I/2021); tổng kết các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật PTDS (hoàn thành Quý II/2021); xây dựng Chiến lược Quốc gia PTDS (hoàn thành Quý III/2021); xây dựng Kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025 (hoàn thành trong năm 2021).
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự cấp bộ và địa phương; các bộ, ngành, địa phương kiện toàn tổ chức, biên chế, chức năng nhiệm vụ, mối quan hệ công tác các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm.
Bộ Thông tin và Truyền thông; các Đài: Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Việt Nam tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về PTDS cho cộng đồng. Bộ Quốc phòng xây dựng nội dung chương trình và biên soạn tài liệu huấn luyện PTDS cho các đối tượng (hoàn thành Quý II/2021); bồi dưỡng nghiệp vụ tập huấn về khắc phục thảm họa chiến tranh (hoàn thành Quý III/2021). Quý III/2021, các bộ, ngành, địa phương hoàn thành bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn về phòng, chống, ứng phó các tình huống thảm họa cơ bản.
Quyết định cũng phân công cụ thể cơ quan chỉ đạo công tác huấn luyện, diễn tập; chỉ đạo công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị PTDS; chỉ đạo công tác kiểm tra.
Kiểm tra phản ánh tình trạng phá rừng tại Cam Lâm, Khánh Hòa
Báo Lao động ngày 26 tháng 02 năm 2021 phản ánh tình trạng xâm phạm đất rừng, chặt phá cây rừng trái phép trên địa bàn xã Suối Tân (Cam Lâm, Khánh Hòa) liên tục diễn ra khiến nhiều diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá nghiêm trọng nhưng lại không bị ngăn chặn, xử lý dứt điểm.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, xử lý.
Giải quyết đơn khiếu nại liên quan đến thu hồi đất
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhận được đơn của ông Nguyễn Bá Thành (trú tại số 45, khu 4, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) khiếu nại, kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ khi UBND huyện Văn Lãng thu hồi đất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư mới tại Khu II, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng.
Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo như sau:
UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét giải quyết đơn của ông Nguyễn Bá Thành theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết trước ngày 30/4/2021./.