• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/9

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/9.

27/09/2021 17:47
Nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030

Ngày 27/9/2021, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Mục tiêu nhằm hoàn thành việc lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch trước ngày 31/12/2022.

Hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, tiêu chuẩn, điều kiện đầu tư, kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân trước ngày 31/10/2021.

Đồng thời, hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch để cung cấp thông tin đồng bộ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch; bảo đảm công khai, minh bạch thông tin quy hoạch trước ngày 31/12/2022.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.

Trong nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo khẩn trương trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; tổ chức thẩm định và phê duyệt dự toán nhiệm vụ quy hoạch; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo nhiệm vụ được giao, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt quy hoạch trước ngày 31/12/2022.

Khẩn trương hoàn thành văn bản về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian trên địa bàn quốc gia, vùng, tỉnh các hoạt động của ngành theo quy định của Luật Quy hoạch và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở để các địa phương triển khai lập quy hoạch tỉnh, khai thác tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đồng thời bảo đảm được tính thống nhất với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng; hoàn thành trước ngày 31/10/2021.

Tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu để lập các quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa tổ chức lựa chọn được nhà thầu lập quy hoạch; các bộ, ngành xây dựng phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu cho từng quy hoạch cụ thể, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để triển khai thực hiện. Đối với các quy hoạch thuộc lĩnh vực bảo đảm bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật được thực hiện chỉ định thầu theo quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước để lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Chính phủ cũng đồng ý cho các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương được huy động các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ nguồn nhân lực cho hoạt động quy hoạch bảo đảm chất lượng, công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, đấu thầu, đầu tư công, đầu tư và pháp luật có liên quan khác.

Chính phủ cũng đồng ý tiến hành điều chỉnh kéo dài thời hạn các quy hoạch đã hết thời hạn quy hoạch đối với các quy hoạch trong danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 2/12/2019 và Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 15/9/2020 của Chính phủ; giao các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương tổ chức lập các quy hoạch cần điều chỉnh kéo dài thời hạn và điều chỉnh nội dung quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xem xét, quyết định việc điều chỉnh kéo dài thời hạn và điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của Hội đồng quy hoạch quốc gia để chỉ đạo thống nhất các bộ, ngành và địa phương triển khai lập các quy hoạch theo quy định.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định về thương mại điện tử

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.

Theo quy định mới, đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.

Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm, như năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy.

Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.

Các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử

Nghị định số 85/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử gồm:

Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng;

Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;

Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.

Bổ sung trách nhiệm của thương nhân

Về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, Nghị định bổ sung đối với những sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, ngoài các nghĩa vụ trên, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm: Chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý Nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo;

Đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam;

Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong trường hợp một giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều hơn 2 bên tham gia;

Lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật về kế toán;

Liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 8, khoản 9 Điều 36 mà gây thiệt hại.

Nghị định quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật

Ngày 25/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 86/2021/NĐ-CP quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.

Nghị định quy định cụ thể tiêu chuẩn đối với công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập:

Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt.

Không trong thời gian bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng quy định của chương trình học bổng và đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của chương trình học bổng.

Được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý cử đi học (đối với trường hợp có cơ quan công tác).

Đáp ứng các quy định hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định của Đảng (đối với trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức và là đảng viên).

Nghị định cũng quy định: Du học sinh học bổng ngân sách Nhà nước được về nước thực tập, thu thập tài liệu để phục vụ chương trình học tập; được hưởng các kỳ nghỉ trong thời gian học tập theo quy định của cơ sở giáo dục nước ngoài; được về nước, đi thăm thân nhân ở nước khác (nước thứ ba) nếu được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại đồng ý.

Bên cạnh đó, được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bảo hộ về lãnh sự, bảo vệ quyền lợi chính đáng trong thời gian học tập ở nước ngoài theo quy định.

Đồng thời, được hưởng toàn phần hoặc một phần chi phí đào tạo, chi phí đi lại, sinh hoạt phí và các chi phí khác liên quan đến học tập ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước hoặc do phía nước ngoài đài thọ.

Phải bồi hoàn chi phí đào tạo nếu không hoàn thành nghĩa vụ học tập

Nghị định quy định rõ trách nhiệm của du học sinh học bổng ngân sách Nhà nước. Cụ thể, du học sinh học bổng ngân sách Nhà nước phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Việt Nam, pháp luật và phong tục tập quán của nước sở tại; trong trường hợp vi phạm, tùy tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật của các bên có liên quan.

Nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục nước ngoài và cam kết, quy định của cơ quan quản lý trực tiếp (đối với trường hợp có cơ quan công tác), cơ quan cử đi học; giữ gìn và phát triển quan hệ hữu nghị với các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư nước sở tại.

Không được tự ý bỏ học; thực hiện đúng quy định về thời gian học, trình độ đào tạo, ngành học, nước đi học và cơ sở giáo dục theo quyết định cử đi học của cơ quan có thẩm quyền.

Phải bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định nếu không hoàn thành nghĩa vụ học tập hoặc không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp (đối với du học sinh học bổng ngân sách Nhà nước cấp trong khuôn khổ hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài; học bổng ngân sách Nhà nước cấp thông qua các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập).

Thực hiện các quy định hiện hành về cán bộ, công chức, viên chức và các quy định của Đảng (đối với trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức và là  đảng viên); bảo vệ các tài liệu, thông tin có bí mật Nhà nước được quy định tại Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, thông tin bảo vệ chính trị nội bộ.

Không lợi dụng việc học tập hay bất kỳ hình thức nào khác để thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và nước đối tác;…

Tiêu chuẩn đối với công dân Việt Nam ra nước ngoài nghiên cứu khoa học

Nghị định cũng quy định cụ thể tiêu chuẩn đối với công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật gồm: 

Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt (do cơ quan quản lý trực tiếp xác nhận).

Không trong thời gian bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có trình độ, năng lực phù hợp với nội dung, chương trình tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật tại nước ngoài.

Đáp ứng các yêu cầu khác của chương trình tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật tại nước ngoài.

Được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý cử ra nước ngoài.

Công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thuế thu nhập cá nhân (nếu có) và các khoản chi phí bắt buộc khác theo quy định hiện hành của Nhà nước; trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về thuế thu nhập cá nhân khác quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về thuế thu nhập cá nhân thì thực hiện theo Điều ước quốc tế.

Bên cạnh đó, Công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật có trách nhiệm làm việc đúng nơi quy định; thực hiện nghiêm túc nội quy nơi làm việc; về nước sau khi kết thúc chương trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật theo quy định của nước đối tác. Không vi phạm quy định về hoạt động khoa học công nghệ của Việt Nam và nước sở tại; các quy định pháp luật hiện hành về nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà giáo làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của Việt Nam tại nước đối tác.

Không được lợi dụng việc đi giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật tại nước ngoài để thực hiện mục đích đi lao động hoặc ở lại nước ngoài trái phép trừ trường hợp phải kéo dài thời gian ở lại nước ngoài do ốm đau, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh.

Thực hiện đúng thỏa thuận, cam kết đã ký với cơ quan quản lý trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền cử cá nhân đi giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật tại nước ngoài (nếu có);...

Nhân sự Ngân hàng Chính sách xã hội

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 27/9/2021 bổ nhiệm lại ông Dương Quyết Thắng giữ chức vụ Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng ký các quyết định bổ nhiệm Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cụ thể, tại Quyết định số 1620/QĐ-TTg, ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam được bổ nhiệm kiêm giữ chức Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, thay ông Thào Xuân Sùng đã thôi giữ chức Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Tại Quyết định số 1621/QĐ-TTg, ông Phạm Hồng Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam được bổ nhiệm kiêm giữ chức Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, thay ông Nguyễn Văn Đạo đã nghỉ công tác.

Tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính được bổ nhiệm kiêm giữ chức Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, thay ông Huỳnh Quang Hải đã nghỉ hưu theo chế độ.

Đồng thời, tại Quyết định số 1623/QĐ-TTg, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được bổ nhiệm kiêm giữ chức Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, thay ông Đỗ Văn Chiến đã được cấp có thẩm quyền phân công công tác khác.

Xuất cấp nhà bạt, máy phát điện cho tỉnh Tây Ninh phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 27/9/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1624/QĐ-TTg ngày 27/9/2021 chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền nhà bạt, máy phát điện từ nguồn dự trữ quốc gia cho UBND tỉnh Tây Ninh để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, xuất cấp 15 bộ nhà bạt (7 bộ loại 16,5 m2 và 8 bộ loại 24,75 m2), 1 máy phát điện loại 136-150 KVA.

Bộ Tài chính, UBND tỉnh Tây Ninh chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo. UBND tỉnh Tây Ninh tiếp nhận, phân bổ và hướng dẫn các đơn vị quản lý, sử dụng số hàng dự trữ quốc gia nêu trên theo đúng quy định./.