Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ
(Chinhphu.vn) – Thông cáo báo chí của VPCP về hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 20/1/2017.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm và làm việc tại tỉnh Bình Định
Ngày 20/1, tại Bình Định, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, chống buôn lậu, tội phạm, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chia sẻ với những thiệt hại, tổn thất mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định phải gánh chịu trong 5 đợt lũ lụt vừa qua.
Tuy khó khăn, nhưng tỉnh đã triển khai quyết liệt, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, làm tốt công tác khắc phục mưa lũ, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội. Công tác cải cách hành chính và cải cách tư pháp được tỉnh quan tâm chỉ đạo.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Thường trực, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp, lực lượng chuyên trách còn thiếu và yếu, dẫn đến công tác đấu tranh còn yếu.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới của Bình Định, Phó Thủ tướng cho rằng, tỉnh còn nhiều tiềm năng phát triển và lợi thế so với các địa phương khác như điều kiện tự nhiên, nhiều vịnh và cảng biển, lợi thế du lịch, phát triển công nghiệp… “Kinh tế biển phải là ngành kinh tế mũi nhọn. Ví dụ như Cảng Quy Nhơn phải phấn đấu là cảng có sản lượng lớn của cả nước”, Phó Thủ tướng gợi ý.
Theo đó, tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Bình Định cần tái cơ cấu, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Tăng cường công tác dự báo và đề ra các giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng cho rằng, với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và xã hội thuận lợi, Bình Định cần tập trung đề ra các giải pháp đột phá mạnh mẽ, khuyến khích khởi nghiệp và phát triển nhanh các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là nhà đầu tư chiến lược, bảo đảm phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường.
Tỉnh phải triển khai quyết liệt các Nghị quyết 19, 35, 60 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Bình Định cần giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là đào tạo nghề, giải quyết việc làm; phát triển y tế, giáo dục; từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có giải pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo; quan tâm chăm sóc gia đình người có công, các đối tượng chính sách.
Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, tỉnh cần tập trung triển khai đồng bộ và hiệu quả nhóm giải pháp về đẩy mạnh cải cách hành chính. Quan tâm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, giải quyết và xử lý đúng pháp luật các vụ khiếu nại tố cáo, đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Quan tâm chăm lo đời sống nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, nhất là đối tượng chính sách.
Về 21 container thuốc lá lậu đang được tạm giữ tại Cảng Quy Nhơn, Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng sớm có giải pháp hữu hiệu để xử lý số thuốc lá vi phạm này, đề xuất xử lý ngay chứ không kéo dài. “Nếu tiêu huỷ số thuốc lá này, ngân sách Nhà nước phải bỏ ra đến 46 tỷ đồng là không hợp lý”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Ngày 20/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã nghe Bộ Tài chính báo cáo về việc xây dựng Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong giai đoạn 2016-2020.
Đề án này cũng như các đề án tái cơ cấu khác của lĩnh vực kinh tế sẽ phải hoàn thành và trình Chính phủ xem xét, phê chuẩn trong Quý I/2017.
Gợi ý cho Bộ Tài chính bổ sung, hoàn thiện Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan này phân tích sâu hơn kết quả của quá trình tái cơ cấu DNNN thời gian qua để nhận định rõ những nhược điểm, các mục tiêu không đạt được để tập trung khắc phục trong thời gian tới, như tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ còn nhiều, vấn đề sắp xếp DNNN hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, hay việc nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, hàm lượng khoa học kỹ thuật, sức cạnh tranh của DNNN.
“Đề án phải hướng tới hai mục tiêu “kép” là xử lý tồn đọng, yếu kém của hoạt động tái cơ cấu trong giai đoạn 2011-2015 và nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DNNN”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ quan tâm tới việc tổ chức thực hiện Đề án nhằm bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả, hiệu lực, phát huy được vai trò của DNNN đối với nền kinh tế. “Tái cơ cấu ngân hàng đã có Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối thực hiện. Nhưng với tái cơ cấu DNNN hiện nay, tự các Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện và được đánh giá không đầy đủ. Tới đây, tái cơ cấu DNNN được thực hiện theo hệ thống dọc thì việc phân cấp, phân quyền phải thể hiện rõ ràng, gắn kết chặt chẽ với việc xử lý các doanh nghiệp, dự án yếu kém”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề.
Để Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan này bám sát Nghị quyết số 05 của Hội nghị Trung ương 4 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế liên quan tới các nội dung đổi mới cơ chế kiểm soát viên, kiểm soát nội bộ, phân biệt rõ loại doanh nghiệp giữ 100% vốn nhà nước và cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
Ngoài mục tiêu kép tổng quát đã đề cập, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với các bộ về việc Đề án cần đặt ra các mục tiêu định lượng cụ thể hơn như cổ phần hóa bao nhiêu DNNN, số lượng vốn nhà nước bán ra, tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp tới năm 2020 dự kiến còn bao nhiêu %, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu...
Phó Thủ tướng cũng nhắc Bộ Tài chính quán triệt chủ trưởng của Đảng là “không lạm dụng từ tái cơ cấu, DNNN nào có khả năng phục hồi mới tái cơ cấu, không thì phải xử lý luôn”.
Phó Thủ tướng yêu cầu Đề án cũng cần làm rõ các giải pháp huy động nguồn lực thị trường tham gia tái cơ cấu DNNN; phân công, phân quyền rõ ràng cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, các Bộ, địa phương trong quyết định các vấn đề liên quan tới tái cơ cấu DNNN, nhất là các vấn đề liên quan tới lao động dôi dư, đất đai.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về các giải quyết ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất
Ngày 20/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để tìm giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là cuộc họp lần thứ 5 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì về vấn đề này.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định việc điều chỉnh quy hoạch, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là rất cấp bách, do đó các bộ, ngành, UBND Thành phố Hồ Chí Minh phải thực sự quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công.
Sau thời gian khảo sát, làm việc với các đơn vị chức năng, tại cuộc họp, đơn vị tư vấn trình 3 phương án điều chỉnh quy hoạch toàn diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo phương án 1, sẽ xây dựng mới toàn bộ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga và các công trình phụ trợ trên diện tích khu vực sân golf phía bắc Cảng hàng không và giải phóng thêm các khu vực dân cư xung quanh để bảo đảm khai thác. Với phương án này, có thể nâng tổng công suất lên khoảng 60 triệu khách năm, nhưng mất từ 10 đến 15 năm xây dựng, giải toả hơn 140.000 hộ dân, chi phí dự kiến khoảng 201.350 tỷ đồng.
Theo phương án 2, sẽ xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh hiện nay và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa 2 đường cất hạ cánh, cải tạo đường cất hạ cánh phía bắc hiện nay (đường 25L/07R). Cùng với đó, sẽ xây dựng đường lăn song song và sân đỗ máy bay phía bắc, xây dựng nhà ga lưỡng dụng (quân sự - dân sự) T3 công suất 10 triệu hành khách, xây dựng nhà ga hành khách T4 công suất 10 triệu hành khách. Theo phương án này, sẽ mất khoảng 61.000 tỷ đồng, thời gian xây dựng từ 8-10 năm, nâng công suất sân bay lên khoảng 43-45 triệu hành khách/năm.
Phương án 3 là xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa 2 đường cất hạ cánh; cải tạo đường cất hạ cánh phía bắc hiện nay (đường 25L/07R); xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách/năm, xây dựng nhà ga hành khách T4, công suất 10 triệu khách/năm ở khu vực phía nam sân bay hiện nay. Với phương án này, do sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội nên sẽ chỉ mất khoảng 19.700 tỷ đồng và thời gian xây dựng không quá 3 năm, trong khi vẫn bảo đảm được công suất từ 43-45 triệu hành khách/năm.
Trong số 3 phương án, Phó Thủ tướng thống nhất đề nghị chọn phương án 3 để sớm hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/2/2017.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đơn vị tư vấn rà soát để hoàn chỉnh quy hoạch, trong đó lưu ý rà soát kỹ quy hoạch, chú ý bố trí khu vực kỹ thuật ở phía bắc, đường lăn song song và đường lăn thoát nhanh, khu nhà ga hành khách, khu bến đỗ, hệ thống giao thông kết nối giữa sân bay với bên ngoài, hệ thống thoát nước. Đồng thời, chủ động phân định các dự án, xác định cơ cấu nguồn vốn đầu tư để mở rộng, nâng cấp sân bay.
“Hạng mục đường lăn, sân đỗ sử dụng vốn nhà nước; các hạng mục nhà ga hành khách, khu dịch vụ… kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hoá; các tuyến giao thông kết nối với bên ngoài thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư của UBND TPHCM”, Phó Thủ tướng nói.
Giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành liên quan trong việc xác định rõ khu vực liên quan đến đất quốc phòng và thống nhất phương án sử dụng, chuyển đổi và đầu tư phù hợp.
Phó Thủ tướng cũng giao UBND TPHCM triển khai tốt các dự án chống ùn tắc giao thông; đầu tư phát triển hạ tầng, kết nối từ trung tâm Thành phố đến sân bay để tạo thuận lợi cho người dân./.