Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 22/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng của ngành thanh tra.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình hoan nghênh và đánh giá cao những kết quả đạt được của toàn ngành thanh tra trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Ngành đã bám sát định hướng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, xây dựng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng triển khai các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao cho.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ rõ những tồn tại, yếu kém mà ngành thanh tra cần khắc phục trong thời gian tới. Trong những tháng còn lại của năm 2020, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, bám sát yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Rà soát việc triển khai kế hoạch thanh tra trong 6 tháng đầu năm, đề xuất điều chỉnh và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung xây dựng định hướng công tác thanh tra năm 2021 bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu về công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó tập trung vào lĩnh vực đất đai, xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư, mua sắm tài sản công, khai thác tài nguyên, khoáng sản… tránh trùng lắp, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra và không được gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Tập trung kết thúc các cuộc thanh tra đã triển khai theo đúng thời gian quy định. Khẩn trương ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp, nhất là các cuộc thanh tra đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trọng tâm là tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, góp phần bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự tạo tiền đề để tổ chức thành công đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025. Đồng thời, phối hợp thực hiện kế hoạch tiếp công dân, đảm bảo an ninh trật tự tại trụ sở tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và TPHCM. Tổ chức đối thoại với người dân trong các vụ việc trọng điểm, đạt kết quả tốt.
Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng các cấp, các ngành, giải quyết kịp thời các bức xúc, phản ánh, kiến nghị của công dân ngay từ khi mới phát sinh, không để tạo thành “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự.
Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị. Kiên quyết xử lý nghiêm, loại ra khỏi bộ máy đối với những cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tập trung hướng dẫn thanh tra các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành, đánh giá thực trạng, dự báo tình hình và đề xuất giải pháp phòng chống tham nhũng trong ngành thanh tra.
“Kiên quyết không để xảy ra tình trạng đoàn thanh tra bị tố cáo vòi vĩnh, tham nhũng hay bị bắt quả tang nhận hối lộ. Đó là danh dự, phẩm giá của ngành và của cán bộ thanh tra”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Thứ tư, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra cần phải làm tốt công tác quản lý, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, đặc biệt là công tác đánh giá cán bộ. Xây dựng độ ngũ cán bộ thanh tra “vừa hồng, vừa chuyên”, “liêm chính, bản lĩnh”, có phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm có cả đức và tài. Cần thu hút được nhiều cán bộ giỏi, xuất sắc để nâng tầm công tác thanh tra. Đồng thời chỉ đạo việc thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người lao động trong ngành thanh tra, nhất là cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.
Tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ngành thanh tra. Ngành thanh tra phải có vai trò tiên phong trong việc thực hiện các mục tiêu “kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm” mà Chính phủ đã đề ra.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam
Ngày 22/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam - triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng dự có Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm, đầu tư thích đáng cho phát triển năng lượng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cho đến nay, với nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp ngành năng lượng, cùng với sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành năng lượng Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng khích lệ và cơ bản đáp ứng các yêu cầu đề ra. Ngành năng lượng Việt Nam đã cơ bản bảo đảm năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước với chất lượng ngày càng được cải thiện, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại nhiều địa phương và cả nước.
Bên cạnh việc ghi nhận những điểm tích cực, Phó Thủ tướng cũng nghiêm khắc chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà ngành năng lượng cần khắc phục, cũng như những khó khăn mà ngành đang gặp phải.
“Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia hiện đối mặt với nhiều thách thức do một số chỉ tiêu biến động theo chiều hướng bất lợi như trữ lượng và sản xuất của than, dầu thô và khí đã và đang suy giảm dần hàng năm. Việc này dẫn đến yêu cầu nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn, giảm khả năng tự chủ về năng lượng của nước ta và tăng sự phụ thuộc vào các nền kinh tế quốc gia khác”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Trước những vấn đề ngành năng lượng đang gặp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo điều hành đối với ngành năng lượng Việt Nam.
Thứ nhất, Chính phủ tập trung chỉ đạo về hoàn thiện thể chế.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tập trung sửa đổi, bổ sung các Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo. Đồng thời, cần sớm nghiên cứu, xây dựng mới, bổ sung điều chỉnh đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật dưới các luật này để hướng dẫn, triển khai hiệu quả các nội dung mới, khắc phục những tồn tại, bất cập, trong hoạt động của ngành năng lượng hiện nay.
Các cơ quan liên quan phải xây dựng các cơ chế đặc thù trong đầu tư phát triển các dự án năng lượng, cơ chế tài chính và huy động vốn cho phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện. Xây dựng cơ chế phát triển đột phá đối với điện gió ngoài khơi xa bờ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới, cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán với mục đích tự dùng, cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện, chính sách thuế khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo…
Xây dựng quy định về lộ trình đổi mới công nghệ trong ngành năng lượng. Phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng…
Thứ hai, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành năng lượng và chiến lược phát triển các phân ngành điện và than giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia.
Riêng đối với chiến lược ngành dầu khí, Phó Thủ tướng cho biết, chiến lược sẽ được xây dựng sau khi Ban Cán sự Đảng Chính phủ tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị tổng kết Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị.
Thứ ba, giao các cơ quan tập trung xây dựng các quy hoạch phát triển ngành năng lượng gồm Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.
“Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch trên, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia sẽ phải được phê duyệt ngay trong năm 2020”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ tư, về chuyển đổi ngành năng lượng theo cơ chế thị trường, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng quan tâm chỉ đạo thực hiện xây dựng cơ chế, thể chế chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Cho đến nay, ngành điện Việt Nam đã hoạt động với mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh (từ đầu năm 2019) và việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đã được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự kiểm soát của Nhà nước. Ngành than còn khâu cung cấp than cho điện chưa thực hiện theo đúng cơ chế thị trường. Còn ngành khí đã hoạt động cạnh tranh khâu khai thác và nhập khẩu khí tự nhiên với một đầu mối thu mua tại thượng nguồn mỗi dây chuyền khí, hệ thống khí; cạnh tranh kinh doanh nhập khẩu và phân phối trên thị trường nội địa đối với các loại LPG, CNG, LNG.
“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm bám sát các chủ trương, định hướng, giải pháp tại Nghị quyết 55. Trong đó, sớm đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào thí điểm năm 2022 và phấn đấu có thị trường hoàn chỉnh từ năm 2023; vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ tại các phân khúc thị trường than giai đoạn 2026-2030. Các cơ quan liên quan cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thí điểm mô hình thị trường cạnh tranh phân phối khí đường ống hạ nguồn, từng bước đồng bộ thị trường khí với thị trường điện ở nước ta”, Phó Thủ tướng nêu./.