• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 8/4/2016.

08/04/2016 18:59
Công điện đảm bảo TTATGT dịp Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4-1/5

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có Công điện 610/CĐ-TTg về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong dịp nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương và Lễ 30/4-1/5.

Nội dung công điện như sau:

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Bính Thân) và Lễ 30/4-1/5/2016, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi, nhiệm vụ của mình chỉ đạo và thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; cảnh báo nguy cơ mất an toàn giao thông; phổ biến các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông, đặc biệt là đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, hạn chế đi lại bằng phương tiện cá nhân, đặc biệt là đối với những chuyến đi có cự ly dài trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ có lưu lượng giao thông cao.

2. Siết chặt quản lý chất lượng và an toàn giao thông đối với các phương tiện vận tải hành khách; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, bến tàu, phà... có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm thiểu tình trạng ùn tắc, chậm, huỷ chuyến; đổi mới phương thức bán vé, niêm yết giá vé, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định.

3. Tăng cường tuần tra lưu động, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Tăng cường phối hợp lực lượng, kết hợp tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an ninh, trật tự trên các tuyến giao thông, bến xe, bến tàu, nhà ga, cảng hàng không, phương tiện giao thông công cộng.

4. Tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; kiểm tra, lắp đặt bổ sung biển báo, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; các đơn vị thi công và bảo trì kết cấu hạ tầng tăng cường hướng dẫn, bảo đảm giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố. Yêu cầu các trạm thu phí đường bộ có phương án tăng cường nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác thu phí thuận tiện, nhanh chóng, có biện pháp xử lý linh hoạt khi mật độ phương tiện tăng cao, không để xảy ra ùn tắc kéo dài, nhất là các tuyến cửa ngõ ra, vào các đô thị lớn; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong hoạt động chở khách tại các bến đò ngang, các điểm du lịch trên địa bàn.

5. Cung cấp số điện thoại đường dây nóng về vận tải và bảo đảm an toàn giao thông, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của cơ quan, đơn vị và người dân về an toàn giao thông trong dịp nghỉlễ.

Xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị


Đến năm 2050, các đô thị được xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thoát nước; xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị và toàn bộ nước thải được xử lý phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu của việc điều chỉnh là từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển hệ thống thoát nước theo từng giai đoạn; phát triển hệ thống thoát nước ổn định và đồng bộ bao gồm xây dựng mạng lưới thu gom, chuyển tải và nhà máy xử lý nước thải theo từng giai đoạn, phù hợp với quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, phát huy tối đa công suất thiết kế các nhà máy xử lý nước thải bảo đảm hiệu quả quản lý và đầu tư xây dựng; phấn đấu tăng tỷ lệ đấu nối nước thải từ hộ gia đình đến hệ thống thu gom và xử lý nước thải; hệ thống thoát nước được vận hành, duy tu bảo dưỡng thường xuyên và theo định kỳ.

100% các đô thị không còn tình trạng ngập úng


Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020 mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 70% diện tích bao phủ dịch vụ; mở rộng phạm vi phục vụ của các hệ thống thoát nước mưa tại các đô thị đạt trung bình trên 70% phù hợp với cao độ nền và thoát nước mặt. 100% các tuyến đường chính trong đô thị, các tuyến đường nằm trong các khu đô thị, khu dân cư đều có hệ thống thoát nước mưa; giảm 50% tình trạng ngập úng trong mùa mưa ở các đô thị loại II trở lên.

Phấn đấu đến năm 2025, 50% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 20% đối với các đô thị từ loại V trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường; mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 80% diện tích bao phủ dịch vụ; 100% các đô thị không còn tình trạng ngập úng thường xuyên trong mùa mưa.

Đến 2050, các đô thị được xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thoát nước; xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị và toàn bộ nước thải được xử lý phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Ưu tiên giải quyết ô nhiễm môi trường

Để đạt được mục tiêu trên, giải pháp đặt ra là phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành thoát nước, các nội dung quy hoạch thoát nước trong quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu; lập và quản lý bản đồ ngập úng đô thị theo kịch bản biến đổi khí hậu, bản đồ dự báo các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét… tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực duyên hải và miền núi.

Đồng thời, tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước tập trung tại các đô thị lớn, các lưu vực sông; ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án cấp bách nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các khu dân cư tập trung có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của nhân dân; khuyến khích các địa phương hỗ trợ cho các làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước phù hợp với các chính sách của Nhà nước...

Thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL


Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của từng địa phương trong vùng nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; trọng tâm là phát triển nông nghiệp, sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản với quy mô lớn theo chuỗi giá trị.

Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Quy chế này quy định thí điểm liên kết phát triển KT-XH vùng đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2016-2020.

3 lĩnh vực liên kết

Theo Quy chế, có 3 lĩnh vực liên kết:

1- Sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng nông nghiệp; tập trung xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của vùng gồm: Lúa gạo, trái cây và thủy sản.

2- Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu; phòng chống lũ; kiểm soát xâm nhập mặn; quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong mùa khô; xây dựng, nâng cấp hệ thống đê biển, đê bao, cống, đập, vành đai rừng ngập mặn và các dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

3- Xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không, cảng sông, cảng biển.

Nhân rộng mô hình chuỗi giá trị các mặt hàng nông nghiệp

Về phát triển sản xuất, liên kết giữa các địa phương trong việc lựa chọn các chương trình, dự án liên kết phát triển sản xuất có tính chất lan tỏa trên địa bàn các địa phương trong vùng.

Bên cạnh đó, lựa chọn, nhân rộng một số mô hình chuỗi giá trị các mặt hàng nông nghiệp; mô hình điểm chuyên canh và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.

Tổ chức liên kết nông dân với nông dân thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã; liên kết nông dân với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến sản phẩm và xây dựng thương hiệu hàng hóa; thực hiện liên kết xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; liên kết trong nghiên cứu, phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm.

Về đầu tư kết cấu hạ tầng, sắp xếp, lựa chọn, xây dựng một số công trình trọng điểm thuộc lĩnh vực liên kết nêu trên có tác động lan tỏa, tạo đột phá thu hút đầu tư, làm động lực phát triển Vùng.

Ngân sách trung ương hỗ trợ vốn tối thiểu 10%

Theo Quy chế, ngân sách trung ương hỗ trợ mức vốn tối thiểu 10% so với tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương trong Vùng để thực hiện các chương trình, dự án liên kết khi có đủ điều kiện đầu tư theo quy định.

Xây dựng kế hoạch vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và tín dụng ưu đãi của Nhà nước theo kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện các chương trình, dự án liên kết. Ưu tiên bố trí vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước để triển khai các chương trình, dự án liên kết theo hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP).

Kinh phí sự nghiệp để triển khai các hoạt động thí điểm liên kết thực hiện theo quy định hiện hành; vận động hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tự nguyện và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Đại học Thương mại là trường chất lượng cao đa ngành

Trường Đại học Thương mại phát triển thành một trường đại học chất lượng cao đa ngành, đa lĩnh vực và hoạt động tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo.

Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Thương mại vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, trường được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính; chính sách học bổng, học phí; đầu tư, mua sắm...

Trường được quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo nhu cầu xã hội; xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của trường; quyết định các hoạt động đào tạo (chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy; ngôn ngữ giảng dạy; phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập; giáo trình, học liệu và quản lý đào tạo; in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ).

Trường được quyết định liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước; liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài là các trường đại học, các tổ chức đào tạo có uy tín trên thế giới; quyết định hoạt động nghiên cứu khoa học; khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; quyết định tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ, tổ chức các hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bao gồm cả dịch vụ do Nhà nước đặt hàng.

Bên cạnh đó, trường cũng được quyết định cơ cấu và số lượng người làm việc; tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên hợp đồng phù hợp với yêu cầu phát triển của Trường; ký kết hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động, quản lý, sử dụng và chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật...

Học phí năm học 2016-2017 là 15 triệu đồng/sinh viên/năm


Trường thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 và quy định tại Quyết định này. Mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ đại học chính quy năm học 2016-2017 là 15 triệu đồng/sinh viên/năm.

Trường quyết định mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần; thạc sĩ bằng 1,5 lần mức học phí bình quân tối đa nêu trên; học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng trình độ đào tạo và cùng nhóm ngành đào tạo.

Các đối tượng đã nhập học trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành, Trường thu học phí với mức tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước liền kề kể từ thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Bổ sung Dự án xi măng Thaicement Hà Tiên vào quy hoạch


Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Dự án xi măng Thaicement Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang công suất 4,5 triệu tấn xi măng/năm vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030; tiến độ triển khai thực hiện dự án và có sản phẩm trong giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang trước khi cấp phép đầu tư yêu cầu Chủ đầu tư tiến hành công tác khảo sát, thăm dò khu vực mỏ đá vôi, đất sét trình Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia phê duyệt, để khẳng định trữ lượng, chất lượng đá vôi, đất sét, trên cơ sở đó lựa chọn quy mô công suất nhà máy hợp lý, nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất ổn định, lâu dài.

Đồng thời kiểm tra, đánh giá năng lực tài chính của Chủ đầu tư theo quy định tại quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam, trong đó nguồn vốn tự có của Chủ đầu tư tối thiểu phải đạt 20% tổng mức đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, yêu cầu Chủ đầu tư lựa chọn thiết bị tiên tiến hiện đại, chú trọng giải pháp công nghệ để đáp ứng các chỉ tiêu tiêu hao điện năng, nhiệt năng, nồng độ bụi khí thải để không làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực nhà máy, môi trường khu vực khai thác mỏ và khu vực xung quanh

Xác định thời gian thực hiện đầu tư dự án và có sản phẩm trong giai đoạn 2021-2025. Tiến độ có thể thay đổi trong trường hợp thị trường xi măng có biến động lớn để đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường.

Cải thiện hệ thống thông tin phòng chống HIV/AIDS

Danh mục Dự án “Cải thiện hệ thống thông tin chương trình phòng chống HIV/AIDS” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ không hoàn lại vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự án nhằm tăng cường năng lực trong nước về thông tin chiến lược để hỗ trợ cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS hiệu quả, thống nhất và bền vững tại Việt Nam.

Thời gian thực hiện Dự án 36 tháng (từ 2016 đến 2018). UBND thành phố Hà Nội là cơ quan chủ quản Dự án.

Tổng vốn của Dự án là 1.553.309 USD,  tương đương khoảng 32, 619 tỷ đồng Việt Nam; trong đó vốn ODA là 1.497.646 USD (tương đương khoảng 31.450.556.000 đồng Việt Nam); vốn đối ứng là 1.168.444.000 đồng Việt Nam (tương đương khoảng 55.663 USD) bằng tiền mặt và bằng hiện vật.

* Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt danh mục Dự án “Môi trường bền vững các  thành phố duyên hải”, vay vốn Ngân hàng Thế giới.

Dự án nhằm đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khoẻ của người dân các thành phố tham gia Dự án thông qua việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tạo cảnh quan đô thị; hỗ trợ tăng cường quản lý dự án và cải cách thể chế nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân.

Dự án được thực hiện tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). Ủy ban nhân dân các tỉnh: Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định và Quảng Bình là cơ quan chủ quản các Dự án thành phần.

Tổng mức đầu tư của Dự án là 273,594 triệu USD, cơ cấu như sau: Vốn ODA và vốn vay ưu đãi do WB tài trợ 237,5 triệu USD, vốn đối ứng phía Việt Nam tương đương 36,094 triệu USD, trong đó, tỉnh Ninh Thuận 12,15 triệu USD, tỉnh Khánh Hòa 11,10 triệu USD, tỉnh Bình Định 4,944 triệu USD, tỉnh Quảng Bình 7,91 triệu USD./.