Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 4/5/2016.
Quy định hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 30/2016/NĐ-CP quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý.
Nghị định nêu rõ, hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN phải bảo đảm minh bạch, an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư.
Hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện thông qua 5 hình thức theo thứ tự ưu tiên: 1- Mua trái phiếu Chính phủ; 2- Cho ngân sách nhà nước vay; 3- Gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; 4- Cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội vay theo hình thức mua trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do các ngân hàng này phát hành; 5- Đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Việc đầu tư vào hình thức 4 và hình thức 5 ở trên chỉ áp dụng đối với quỹ BHTN; số tiền đầu tư vào hai hình thức này không được vượt quá 20% số dư quỹ BHTN của năm trước liền kề.
Được gửi tiền tại các NHTM không quá 3 năm
Liên quan đến hoạt động gửi tiền tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nghị định quy định, mức gửi tiền tại các ngân hàng thương mại do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định căn cứ vào phương án đầu tư quỹ đã được Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua. Thời hạn gửi tiền được tính kể từ ngày gửi đến ngày thu hồi. Thời hạn cụ thể do Bảo hiểm xã hội Việt Nam lựa chọn căn cứ vào từng loại kỳ hạn gửi tiền của ngân hàng thương mại nhưng tối đa không quá 3 năm.
Mức lãi suất gửi tiền thực hiện theo lãi suất tiền gửi có kỳ hạn của ngân hàng thương mại nhưng phải đảm bảo không thấp hơn mức trung bình lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn tại thời điểm gửi tiền của 4 chi nhánh trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc 4 ngân hàng thương mại: Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Việc lựa chọn 4 chi nhánh thuộc 4 ngân hàng thương mại tương ứng do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định.
Trích quỹ dự phòng rủi ro không quá 2%
Nghị định cũng quy định rõ, toàn bộ số tiền sinh lời thu được hằng năm của hoạt động đầu tư theo quy định tại Nghị định này và số tiền lãi phát sinh trên tài khoản tiền gửi phản ánh các khoản thu, chi BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật về cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BHTN được sử dụng để trích lập quỹ dự phòng rủi ro và phân bổ vào các quỹ.
Trong đó, Nghị định quy định mức trích quỹ dự phòng rủi ro hằng năm tối đa không quá 2% số tiền sinh lời của hoạt động đầu tư cho đến khi số dư quỹ dự phòng rủi ro bằng 5% số dư nợ đầu tư vào hình thức 3 và hình thức 5 của năm trước liền kề. Mức trích cụ thể hằng năm do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định.
Quỹ dự phòng rủi ro trong thời gian chưa sử dụng, được sử dụng đầu tư vào các hình thức 1 và hình thức 2.
WB hỗ trợ tư vấn và phân tích quản lý tài chính công
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Chương trình hỗ trợ tư vấn và phân tích quản lý tài chính công tại Việt Nam” do Tổ chức hợp tác kinh tế Thụy Điển (SECO), Bộ Ngoại giao và Thương mại và Phát triển Canada (DFATD) tài trợ ủy thác qua Ngân hàng Thế giới (WB).
Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao vai trò của hệ thống tài chính công của Việt Nam trong việc cải thiện hiệu suất và hiệu quả chi tiêu công và chất lượng dịch vụ công dựa trên các mục tiêu chiến lược của Chính phủ.
Dự án bao gồm 5 hợp phần: Hợp phần 1 - Cải thiện sự gắn kết kế hoạch và ngân sách; Hợp phần 2 - Cải thiện hiệu quả kiểm soát tình hình thực hiện ngân sách; Hợp phần 3 - Cải thiện về cung cấp thông tin ngân sách đảm bảo chất lượng; Hợp phần 4 - Các hệ thống hiệu quả nhằm đảm bảo ổn định ngân sách, xác định và quản lý rủi ro tài khóa; Hợp phần 5 - Hỗ trợ quản lý chương trình.
Cơ quan chủ quản của Dự án là Bộ Tài chính. Thời gian thực hiện dự án trong 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực.
Tổng kinh phí Dự án là 6.330.000 USD, trong đó vốn ODA: 5.730.000 USD do Tổ chức SECO và DFATD viện trợ không hoàn lại ủy thác qua WB. Vốn đối ứng phía Việt Nam tương đương 600.000 USD.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính hoàn chỉnh văn kiện Dự án, chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện Dự án theo quy định và đảm bảo hiệu quả vốn viện trợ.
Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án "Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Mục tiêu dài hạn của dự án nhằm tạo ra một môi trường cho phép 5 tỉnh khu vực tam giác phát triển (DTA) hiện thực hóa tiềm năng của mình để trở thành trung tâm năng động hơn và tăng trưởng nhanh hơn.
Mục tiêu ngắn hạn là tạo điều kiện cho người nghèo, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, tiếp cận cơ hội nâng cao thu nhập; tạo thuận lợi cho các sản phẩm nông nghiệp trong vùng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế; cải thiện năng lực lập kế hoạch và điều phối giữa các tỉnh nhằm ưu tiên chiến lược cho đầu tư vào giao thông và các cơ sở hạ tầng khác trong bối cảnh phát triển khu vực tam giác phát triển.
Đồng thời tăng cường kết nối và xóa bỏ tình trạng không có đường nối giữa các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và huyện lộ thông qua một hành lang đường bộ để thúc đẩy hội nhập khu vực tiểu vùng và tăng trưởng; nâng cao hiểu biết và năng lực của người nông dân và doanh nghiệp để khai thác lợi thế về sản xuất và kinh doanh nông nghiệp.
Bên cạnh đó tăng cường năng lực, bao gồm chuẩn bị một chiến lược khả thi về quy hoạch phát triển, huy động và phân bổ nguồn lực, cung cấp các hàng hóa công ích, huy động sự tham gia của khối tư nhân trong nước, khu vực và quốc tế nhằm thực hiện các cam kết và nguồn lực của 5 tỉnh để thúc đẩy tiến triển của sáng kiến Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, đặc biệt là Quy hoạch tổng thể của khu vực tam giác phát triển.
Các hoạt động chính của Dự án nhằm cải thiện kết nối đường bộ; cải thiện cơ sở hạ tầng hậu cần và quản lý giao thông; phát triển nguồn nhân lực, xây dựng năng lực thể chế.
Dự án được thực hiện trong 6 năm kể từ khi ký Hiệp định. Tổng mức đầu tư của Dự án: 122,106 triệu USD.
Cơ quan đầu mối Dự án là UBND tỉnh Đắk Lắk. Cơ quan chủ quản các Dự án thành phần là UBND các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước.
Phát triển giao thông xanh TP Hồ Chí Minh
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án Phát triển giao thông xanh TP Hồ Chí Minh do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.
Dự án nhằm cải thiện chất lượng và hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng dọc theo hành lang ưu tiên cao ở TP Hồ Chí Minh.
Tổng vốn và nguồn vốn của Dự án là 10,77 triệu USD, trong đó, 10,5 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) ủy thác WB quản lý, vốn đối ứng 0,27 triệu USD (tương đương 5,955 tỷ đồng).
Dự án sẽ quy hoạch phân khu từng quận, huyện dọc hành lang và thiết kế đô thị dọc hành lang được điều chỉnh phù hợp tạo điều kiện cho việc thực hiện quy hoạch phát triển theo định hướng TOD (định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở phát triển đô thị); một cơ chế khuyến khích thành phần tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng giao thông công cộng được xây dựng; khung pháp lý và quy định nhằm phát triển đô thị tinh gọn, bền vững, tập trung quanh trạm dừng giao thông công cộng khối lượng lớn trên nguyên tắc TOD.
Bên cạnh đó, không gian công cộng điển hình được xây dựng dọc hành lang nhằm tăng tính thu hút của hệ thống BRT và việc phát triển đô thị xung quanh trạm dừng BRT; số lượng hành khách sử dụng hệ thống xe buýt nhanh tăng từ 24.700 hành khách/ngày lên thành 27.000 hành khách/ngày tại thời điểm năm thứ 5 sau khi bắt đầu dự án và từ 27.000 hành khách/ngày lên 29.000 hành khách/ngày vào năm thứ 6.
Dự án được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020. UBND TP Hồ Chí Minh là cơ quan chủ quản Dự án.
Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh danh mục Dự án “Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng” (Dự án), vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).
Cụ thể, chi phí xây lắp tăng 78,8 triệu USD, trong đó:
1- Cải thiện hệ thống thoát nước mưa và nước thải (tăng 49,89 triệu USD) để điều chỉnh, mở rộng mạng lưới thoát nước mưa và nước thải nhằm đảm bảo thoát nước đồng bộ cho khu vực Dự án; mở rộng công suất trạm xử lý nước thải Hòa Xuân; xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, nước thải lưu vực cửa xả Mỹ Khê, Mỹ An để giải quyết tình trạng ô nhiễm ở bờ biển phía Đông - khu vực du lịch trọng điểm của thành phố.
2- Hệ thống xe buýt nhanh - BRT (tăng 8,54 triệu USD) để hiệu chỉnh kiến trúc hệ thống, cập nhật lại giá trị dự toán của hệ thống vé và hệ thống giao thông thông minh (ITS) nhằm phù hợp với sự phát triển trong tương lai và có khả năng tích hợp cho toàn bộ hệ thống giao thông công cộng của thành phố Đà Nẵng; đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, mở rộng các hệ thống vé và hệ thống ITS cho 05 tuyến xe buýt đô thị; tổ chức lại giao thông tại một số nút quan trọng trên hành lang tuyến BRT nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và đảm bảo hệ thống được vận hành theo đúng thiết kế.
3- Các tuyến đường giao thông đô thị chiến lược (tăng 20,42 triệu USD) để bổ sung tuyến đường ĐH 2 với vai trò là đường gom, kết nối mạng lưới đường đô thị phía Tây thành phố với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam.
Chi khác và dự phòng tăng 7,34 triệu USD.
Tổng mức đầu tư của Dự án tăng 86,185 triệu USD (Tổng mức đầu tư của Dự án sau điều chỉnh là 358,32 triệu USD), trong đó: Vốn vay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) thuộc Nhóm WB tăng 72,52 triệu USD; vốn đối ứng tăng 13,665 triệu USD, do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tự cân đối, bố trí theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Phát triển đô thị thích ứng và bền vững
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án Hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) “Phát triển đô thị thích ứng và bền vững” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) viện trợ không hoàn lại.
Dự án trên được thực hiện 4 năm với tổng kinh phí 2.755.000 USD.
Mục tiêu tổng quát của Dự án nhằm giúp Bộ Xây dựng hoàn thiện Chiến lược phát triển đô thị quốc gia (NUDS).
Dự án sẽ cụ thể hóa các mục tiêu quốc gia được nêu trong Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2050, Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009-2020 và Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 đến 2020, thông qua các kế hoạch hành động gắn liền với chương trình phát triển đô thị tại các địa phương; hướng dẫn cải thiện quy hoạch đô thị quốc gia, lồng ghép các nội dung về ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển đô thị. Đồng thời, triển khai nghiên cứu áp dụng thí điểm một số chương trình phát triển đô thị và kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu cho một số đô thị tại các địa phương được lựa chọn.
WB hỗ trợ chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án "Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).
Mục tiêu tổng quát của Dự án nhằm tăng cường các công cụ lập quy hoạch, kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các hoạt động quản lý tài nguyên đất và nước tại một số tỉnh được lựa chọn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Dự án gồm 5 hợp phần: Hợp phần I - Tăng cường công tác giám sát, phân tích và hệ thống cơ sở dữ liệu; Hợp phần II - Quản lý lũ vùng thượng nguồn; Hợp phần III - Thích ứng với chuyển đổi độ mặn vùng cửa sông; Hợp phần IV - Bảo vệ khu vực bờ biển vùng bán đảo; Hợp phần V - Hỗ trợ quản lý và thực hiện dự án.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan điều phối chung Dự án, là cơ quan chủ quản đối với Tiểu dự án 5 thuộc Hợp phần I; Tiểu dự án 1 thuộc Hợp phần II, Tiểu dự án 6 thuộc Hợp phần III có tính chất liên kết vùng và các hoạt động hỗ trợ quản lý dự án thuộc Hợp phần V của Dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản đối với các Tiểu dự án 1, 2, 3, 4 thuộc Hợp phần I. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản đối với Tiểu dự án 6 thuộc Hợp phần I.
UBND các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu là cơ quan chủ quản một số Tiểu dự án thuộc các Hợp phần II, III, IV.
Tổng vốn cho Dự án là 384,979 triệu USD. Thời gian thực hiện Dự án trong 6 năm, kể từ ngày Hiệp định tài trợ có hiệu lực.
Các kết quả chủ yếu của Dự án gồm xây dựng, nâng cấp mạng lưới quan trắc tài nguyên nước mặt, nước ngầm, sạt lở một cách cụ thể, hiện đại; có khả năng tích hợp, phân tích, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng trung tâm điều phối để ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; ban hành cơ chế quản lý và điều phối quy hoạch có tính liên vùng, liên tỉnh và cơ chế điều phối giữa các Bộ, ngành và các tỉnh, tránh chồng chéo các quy hoạch, thực hiện quản lý đầu tư hiệu quả hơn.
Đồng thời hạ tầng khu vực vùng lũ được cải thiện, giảm xói lở đê bao lửng, chủ động thích ứng với lũ nhỏ, lũ lớn nhằm gia tăng sản xuất trong mùa lũ cho các địa phương và tăng thu nhập cho người dân; tăng khả năng phân bổ lại sản xuất theo không gian để thích ứng với thay đổi độ mặn, phù hợp với việc khai thác nguồn nước mặn, nguồn nước ngọt hạn chế; ngăn triều cường có nguy cơ ngày càng lớn hơn do nước biển dâng.
Bên cạnh đó đưa ra các giải pháp bảo vệ bờ biển, trồng rừng và khôi phục hệ thống rừng ngập mặn; hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản trong vùng được cải thiện, trong đó chủ yếu là nuôi tôm sinh thái; cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt; kiểm soát triều cường, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất lúa - tôm và nuôi trồng thủy sản.
Nâng cấp hạ tầng nông thôn huyện Bắc Hà (Lào Cai)
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn huyện Bắc Hà - tỉnh Lào Cai”.
Dự án trên vay vốn của Kuwait với mục tiêu cải tạo, nâng cấp khoảng 140 km đường từ trung tâm huyện đến các xã và đường liên xã, cải tạo cầu xuống cấp nghiêm trọng và xây mới các cầu nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trong huyện Bắc Hà trong mọi điều kiện thời tiết, đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là học sinh khỏi mưa lũ và sạt lở đất; cải thiện bền vững đời sống, kích thích sản xuất và lưu thông hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế của địa phương nhờ hệ thống giao thông nông thôn.
Thời gian thực hiện dự án là 4 năm với tổng mức đầu tư là 18,75 triệu USD.
Hỗ trợ gần 865 tấn gạo cho tỉnh Cao Bằng
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 864,885 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Cao Bằng để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2016.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Cao Bằng tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.
Trường hợp sau khi thực hiện vẫn còn khó khăn, địa phương báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ./.