Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Chỉ thị nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các bộ, ngành liên quan đã hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, triển khai xây dựng các chương trình môn học, hoạt động giáo dục và rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, sắp xếp cơ sở đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới chưa bảo đảm theo lộ trình; việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân chủ yếu là do việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh cần nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, lấy ý kiến, tuyên truyền rộng rãi trong xã hội; việc phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực sự hiệu quả.
Biên soạn bộ sách giáo khoa bảo đảm yêu cầu giảm tải, khoa học, thiết thực
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo các Nghị quyết của Quốc hội.
Đồng thời, phê duyệt, ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học ở các lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm yêu cầu giảm tải, khoa học, thiết thực, khả thi góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa để các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sử dụng trong nhà trường.
Xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông; rà soát, đánh giá năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn; phát triển các khóa, tài liệu bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đào tạo, bồi dưỡng, quản lý giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước. Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên chủ động phối hợp với các địa phương để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trong xã hội về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Triển khai kế hoạch thực hiện đổi mới phù hợp điều kiện địa phương
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo ngành giáo dục tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp với điều kiện của địa phương.
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học; chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ và phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Tổ chức rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cáo chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Điều chỉnh, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Bố trí ngân sách địa phương, lồng ghép có hiệu quả và sử dụng đúng mục đích nguồn vồn từ các chương trình, đề án, dự án; huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đẩy mạnh truyền thông về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại địa phương; biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tổ chức kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện, hàng năm gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường truyền thông tạo đồng thuận xã hội
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác truyền thông tạo đồng thuận xã hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí, cân đối vốn đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện các chương trình, đề án, dự án nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho các địa phương theo lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan xây dựng dự toán kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục – đào tạo và dạy nghề hàng năm để chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất theo lộ trình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, bảo đảm phù hợp với phân cấp và khả năng cân đối ngân sách nhà nước; hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Chuyển 3 đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển 3 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng thành công ty cổ phần.
Cụ thể, chuyển 3 đơn vị sự nghiệp công lập (Trung tâm Kiểm định và tư vấn xây dựng; Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lái xe; Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Lâm Đồng) thành công ty cổ phần Nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không nắm giữ cổ phần, thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2020 theo đúng quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 và Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chưa thực hiện chuyển Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Lâm Đồng thành công ty cổ phần vì chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định hiện hành.
UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo thực hiện rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án xếp lại, xử lý nhà, đất của các đơn vị sự nghiệp công lập nói trên trước khi thực hiện cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ.
* Cũng về các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Thanh tra Chính phủ thực hiện cơ cấu, tinh giảm biên chế và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Thanh tra Chính phủ theo đúng Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo.
Đồng thời, tiếp tục rà soát để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thực hiện chuyển thành công ty cổ phần đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đủ điều kiện theo quy định.
Khẩn trương giải quyết dứt điểm các nội dung khiếu nại về đất đai
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến về việc giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà (trú tại thị trấn Dương Nông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) liên quan đến đất đai.
Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẩn trương giải quyết dứt điểm các nội dung khiếu nại của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà theo kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đường đi chung cho một số hộ dân trái pháp luật, gây khiếu nại bức xúc kéo dài của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các ý kiến chỉ đạo nêu trên trước ngày 1/9/2018.
Chuyển mục đích sử dụng đất tại Long An
Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Long An quyết định chuyển mục đích sử dụng 205,1 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Long An chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ./.