Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thay thành viên UBQG phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thay đổi thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.
Theo đó, bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm thay ông Trần Tiến Dũng.
Năm 2020, đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Bộ Công an tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2020, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bí mật nhà nước, bí mật cá nhân.
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896) tại Thông báo 153/TB-VPCP.
Theo thông báo kết luận, năm 2018, nhiều nhiệm vụ của Đề án 896 đã hoàn thành: 19/20 Nghị quyết Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành đã được ban hành; nhiều bộ, ngành cũng đã ban hành kế hoạch sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân được quy định trong các Nghị quyết của Chính phủ; nguồn vốn thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Quốc hội đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; việc thu thập thông tin dân cư đã đạt khoảng 86%, trong đó có 16 địa phương đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư; Bộ Tư pháp đã cấp được gần 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 địa phương; Bộ Công an cấp 12 triệu thẻ Căn cước công dân tại 16 địa phương...
Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện, nhưng một số nhiệm vụ, nhất là việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chưa bảo đảm tiến độ do chờ phân bổ nguồn vốn; việc thu thập thông tin dân cư cũng chưa hoàn thành. Đồng thời, vẫn còn bộ, ngành chưa ban hành kế hoạch để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân được quy định trong các Nghị quyết của Chính phủ.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan khẩn trương đề xuất phân bổ nguồn vốn để thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng Nghị quyết số 71/2018/NQ-QH ngày 12/11/2018 của Quốc hội, bảo đảm tập trung đầu tư đúng, không dàn trải và phải hiệu quả.
Bộ Công an tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2020, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bí mật nhà nước, bí mật cá nhân; tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2021-2025; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu công dân phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, trước hết là kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu khác theo quy định.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục triển khai, chuẩn hóa thông tin, thu thập thông tin dân cư và mở rộng việc cấp số định danh cá nhân tại các địa phương theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc phát hiện, thu thập thông tin, chuẩn hóa và cập nhật kịp thời khi có thay đổi để bảo đảm dữ liệu thông tin dân cư luôn được chính xác. Trong quá trình thu thập dữ liệu dân cư, phải có sự chia sẻ giữa các cơ quan có liên quan về kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở toàn quốc năm 2019, bảo đảm chính xác, không trùng lặp, lãng phí.
Quá trình thu thập thông tin về dân cư có nhiều trường hợp phải đính chính, sửa đổi, bổ sung do thông tin còn thiếu hoặc chưa chính xác. Để xử lý vấn đề này, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xác định đây là nhiệm vụ của mình trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, đăng ký, quản lý cư trú, do vậy phải chủ động xử lý hoặc phối hợp xử lý để tạo thuận lợi cho nhân dân.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài nguyên, dữ liệu dùng chung, do vậy, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu, quy định cụ thể đối tượng, mức thu,.. khi xây dựng Thông tư quy định, hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm đúng quy định pháp luật về phí, lệ phí, nhưng phải tạo thuận lợi cho các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính.
Không để thiếu than cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ khác
Về việc xây dựng biểu đồ cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện than, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 445/TB-VPCP ngày 3/12/2018 của Văn phòng Chính phủ; có giải pháp không để thiếu than cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ khác.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về vấn đề cung cấp than cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ khác.
Thông báo nêu rõ, sau gần 4 năm thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh than (Chỉ thị 21), tình trạng khai thác, vận chuyển và kinh doanh than trái phép đã giảm, việc tiêu thụ than bất hợp pháp đã được hạn chế, góp phần cho ngành công nghiệp than phát triển bền vững, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh than trong nước hiện nay và bối cảnh quốc tế đã có nhiều thay đổi so với thời điểm ban hành Chỉ thị 21. Vì vậy, để bảo đảm chặt chẽ và cập nhật phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh than như tình hình hiện nay, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát những văn bản chỉ đạo điều hành về sản xuất, tiêu thụ và cung cấp than cho thống nhất, bảo đảm công tác quản lý kinh doanh, khai thác than được hiệu quả, trong đó nếu cần thiết nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Chỉ thị 21 đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, gắn với tình hình mới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về việc xây dựng biểu đồ cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện than, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 445/TB-VPCP ngày 3/12/2018 của Văn phòng Chính phủ; có giải pháp không để thiếu than cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ khác; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền./.