• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

30/10/2020 19:14
Tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống người dân sau mưa lũ

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn.

Thông báo kết luận nêu rõ, vừa qua, đợt bão, lũ lịch sử đã xảy ra tại một số tỉnh miền Trung: mưa lũ lớn kéo dài nhiều ngày, nhiều nơi lũ vượt mức lũ lịch sử, ngập sâu trên diện rộng, sạt lở đất, lũ quét. Cơ quan dự báo đã dự báo sớm, cảnh báo kịp thời. Công tác ứng phó được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các lực lượng vũ trang ở địa phương chỉ đạo, triển khai quyết liệt, chủ động, bình tĩnh, kịp thời, hiệu quả, góp phần hạn chế được nhiều thiệt hại cả về người và tài sản của nhân dân và nhà nước. Đã huy động nhiều lực lượng, phương tiện, trang thiết bị trong ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ và cứu hộ cứu nạn.

Tuy nhiên, mưa lũ lớn lịch sử trên diện rộng, bão chồng bão, lũ chồng lũ, vượt quá năng lực ứng phó của thiết chế hạ tầng, của hệ thống phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nên tính mạng, tài sản, nhà cửa của người dân, công trình hạ tầng của nhà nước vẫn bị thiệt hại, tổn thất hết sức nặng nề, sản xuất bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, hệ thống thiết chế hạ tầng phá hủy cần nhiều thời gian và nguồn lực để khôi phục.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là phải tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu đói, không để người dân không có chỗ ở. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp ở địa phương. Bằng mọi biện pháp phải tiếp cận hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở rà soát, nắm rõ từng hộ dân, người dân cần được cứu trợ khẩn cấp, chịu trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, điều phối việc cứu trợ để bảo đảm tiền, hàng cứu trợ trực tiếp đến tận tay người dân.

Tiếp tục tìm kiếm những người còn mất tích, trong đó có các công nhân của công trường thủy điện Rào Trăng 3. Làm tốt công tác thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các gia đình bị mất người, mất nhà.

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống, bảo đảm sinh kế cho người dân sau mưa lũ: Cấp ủy, chính quyền các địa phương vận động hệ thống chính trị ở cơ sở và người dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường; huy động các lực lượng, nhất là lực lượng quân đội, công an, đoàn viên thanh niên,… hỗ trợ người dân dọn dẹp, sửa chữa nhà ở; xử lý vệ sinh môi trường ngay sau lũ nhằm sớm đưa học sinh trở lại trường học, không để bùng phát dịch bệnh. Khôi phục cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục bị hư hỏng; chuẩn bị sẵn giống cây trồng, vật nuôi, phục hồi sản xuất sau lũ để sớm ổn định lại sản xuất và đời sống cho người dân.

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ; rà soát, hoàn thiện Chiến lược quốc gia, kế hoạch quốc gia về phòng, chống thiên tai. Tập trung nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp, người dân và các tổ chức xã hội, trong đó nhận thức của cộng đồng và người dân là quan trọng.

Đồng thời, tăng cường năng lực dự báo thiên tai và ứng phó với thiên tai, nhất là ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác, tiếp thu kinh nghiệm của các nước tiên tiến để nâng cao chất lượng dự báo và cảnh báo thiên tai.

Bên cạnh đó, lồng ghép kế hoạch ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, các địa phương, có lộ trình và phương thức cụ thể, phù hợp thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã ký kết, tham gia, trong đó các thành phố lớn cần đi đầu trong giảm phát thải; Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, lộ trình đánh thuế phát thải khí nhà kính để khuyến khích cắt giảm khí nhà kính, góp phần giảm tác động do biến đổi khí hậu; quản lý chặt chẽ phát triển thủy điện theo quy hoạch để bảo đảm an toàn, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn những loại cây phù hợp để giữ đất, giữ nước.

Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 1691/QĐ-TTg điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nước giai đoạn 2016-2020; năm 2018, 2019 đã được kéo dài sang năm 2020 và năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Cụ thể, Thủ tướng quyết định điều chỉnh giảm 712,062 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 của các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư trung hạn, đồng thời điều chỉnh tăng 866,401 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho các dự án trong nội bộ của các Bộ: Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hòa.

Điều chỉnh tăng 293 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng 10% vốn ngân sách trung ương tại bộ, cơ quan trung ương và địa phương cho các dự án của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh: Điện Biên, Bến Tre, An Giang và Cà Mau.

Bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 là 667,182 tỷ đồng cho Bộ Tài chính và 7 địa phương Cao Bằng, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Tiền Giang.

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2018, 2019 đã được kéo dài sang năm 2020 là 306.229,769 triệu đồng cho các dự án của Bộ Tư pháp, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, các địa phương: Hà Giang, Hà Nam, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Cà Mau.

Điều chỉnh giảm 441,857 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã giao tại Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 của các bộ, cơ quan trung ương: Bộ Kế hoạch và Đầu tư 328 tỷ đồng, Văn phòng Chính phủ 10 tỷ đồng, Văn phòng Trung ương Đảng 52 tỷ đồng, Ủy ban Dân tộc 50,257 tỷ đồng và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp 1,6 tỷ đồng. Đồng thời, điều chỉnh tăng 441,857 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương trong nước năm 2020 cho các địa phương: Phú Thọ 39 tỷ đồng, Điện Biên 30 tỷ đồng, Nghệ An 115 tỷ đồng, Hà Tĩnh 46,6 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 50 tỷ đồng, Gia Lai 38,257 tỷ đồng, Bến Tre 30 tỷ đồng, An Giang 30 tỷ đồng, Bình Phước 40 tỷ đồng, Tiền Giang 12 tỷ đồng và Cà Mau 20 tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục và mức vốn điều chỉnh, bổ sung của từng dự án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương, danh mục và mức vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2020 được giao, điều chỉnh trên, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thông báo cho các đơn vị danh mục và mức vốn từng dự án gửi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15/11/2020; chịu trách nhiệm phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 được bổ sung cho các dự án đảm bảo đúng quy định Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn.

Xây dựng chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt tầm nhìn đến 2050

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam.

Trong bối cảnh hệ thống đường sắt quốc gia còn lạc hậu, tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn ngày càng nghiêm trọng, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện có và phát triển các tuyến đường sắt mới, đường sắt đô thị đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là rất cần thiết.

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả thực hiện nêu trong dự thảo Báo cáo, hệ thống đường sắt đô thị đã và đang được triển khai đầu tư, một số đoạn tuyến gần cơ bản hoàn thành và chuẩn bị đưa vào hoạt động như tuyến Bến Thành - Suối Tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Nhổn - ga Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông ở Thủ đô Hà Nội.

Thời gian tới, giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch, kế hoạch phát triển đường sắt đồng bộ. Tập trung cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện có như tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng...; xây dựng hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch; nghiên cứu, triển khai xây dựng mới các tuyến đường sắt nối với các cảng biển lớn, khu công nghiệp, du lịch, đường sắt nối với các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, đường sắt kết nối quốc tế; đặc biệt, nghiên cứu, xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là xương sống của chiến lược. Phối hợp với các địa phương chuẩn bị đất đai, mặt bằng phục vụ xây dựng các tuyến đường sắt. Đồng thời, chủ động đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện tốt nhất để phát triển đường sắt Việt Nam, nhất là việc làm chủ công nghệ tiên tiến, huy động hiệu quả nguồn lực.

Đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, cần được nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến của các chuyên gia, tư vấn, các nhà khoa học, so sánh để lựa chọn phương án tối ưu về công nghệ, suất đầu tư, huy động vốn... Sau khi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được thẩm định theo đúng quy định pháp luật, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội khóa XV và chuẩn bị triển khai tốt các bước tiếp theo.

Trên cơ sở đó và để bảo đảm chất lượng báo cáo Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thiện hai đề án về Tổng kết việc thực hiện Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam và Chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; báo cáo Bộ Chính trị cho phép lùi thời hạn trình hai đề án trên.

Thủ tướng phê chuẩn nhân sự 2 tỉnh, thành phố

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn nhân sự UBND thành phố Cần Thơ và UBND tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể, tại Quyết định 1693/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ.

Đồng thời, tại Quyết định 1692/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Lê Quang Mạnh để nhận nhiệm vụ mới.

Tại Quyết định 1694/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Trương Quang Hoài Nam để nhận nhiệm vụ mới.

Tại Quyết định 1696/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Thái Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai.

Đồng thời, tại Quyết định 1695/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Võ Văn Chánh để nhận nhiệm vụ mới.

Lập Hội đồng thẩm định Báo cáo NCTKT Dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội Tuyến số 5

Thủ tướng Chính phủ vừa Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội Tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.

Theo Quyết định, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ủy viên của Hội đồng gồm đại diện Lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải; Tài chính; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quốc phòng; Công an; Khoa học và Công nghệ; Ngoại giao; Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội.

Quyết định nêu rõ, trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các ủy viên của Hội đồng, cơ quan thường trực của Hội đồng và Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thuê tư vấn nước ngoài hoặc liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài để thẩm tra Dự án theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ.

Giải quyết kiến nghị của ông Lợi và một số công dân tỉnh Bắc Ninh

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị của ông Vũ Thủy Lợi và một số công dân tỉnh Bắc Ninh liên quan đến bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.

Xét báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh về kết quả giải quyết đơn của ông Vũ Thủy Lợi và một số công dân xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh khiếu nại, kiến nghị liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện một số dự án trên địa bàn huyện Yên Phong, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét đầy đủ các nội dung khiếu nại, kiến nghị của công dân, có biện pháp giải quyết khiếu nại, trả lời các kiến nghị theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết trước ngày 31/12/2020./.