Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 05/2021/NĐ-CP quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay.
Nghị định này quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam bao gồm: Nguyên tắc và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay; quy hoạch và thực hiện quy hoạch cảng hàng không sân bay; mở, đóng cảng hàng không, sân bay; cấp giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay, giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay;...
Trong đó, về nguyên tắc quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Bảo đảm phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước tại cảng hàng không, sân bay; giữa các cơ quan, đơn vị hàng không dân dụng và quân sự tại sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Người khai thác cảng hàng không, sân bay trực tiếp khai thác sân bay trừ các công trình do doanh nghiệp bảo đảm hoạt động bay khai thác; chịu trách nhiệm đảm bảo toàn bộ các hoạt động khai thác, an ninh, an toàn tại sân bay và được cấp Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay.
Bảo đảm dây chuyền hoạt động cảng hàng không, sân bay thống nhất, đồng bộ, liên tục, hiệu quả. Bảo đảm chất lượng dịch vụ, cạnh tranh lành mạnh, văn minh, lịch sự, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hàng không dân dụng cảng hàng không, sân bay.
Trường hợp Nhà nước cần trưng dụng một phần hoặc toàn bộ kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay, Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.
Công trình thuộc kết cấu hạ tầng hàng không, sân bay được kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất và bảo trì đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn khai thác áp dụng, tài liệu khai thác đã được ban hành.
Việc quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý và tài sản kết cấu hạ tầng hàng không gắn với mặt đất, mặt nước chưa tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì thực hiện theo pháp luật về quản lý tài sản công.
Nghị định có hiệu lực từ 10/3/2021.
Kéo dài thời gian hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đến hết năm 2021
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Theo đó, kéo dài thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp. Cụ thể, thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp từ ngày Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg có hiệu lực (26/6/2019) đến hết ngày 31/12/2021 (quy định cũ 31/12/2020).
Quyết định cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 về mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp. Cụ thể, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật về chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.
Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (TTNT) đến năm 2030.
Chiến lược đặt mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT, đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng TTNT trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Mục tiêu đến năm 2030 đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam; phấn đấu Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT; xây dựng được 10 thương hiệu TTNT có uy tín trong khu vực; phát triển được 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ TTNT.
Hình thành được 50 bộ dữ liệu mở, liên thông và kết nối trong các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh tế-xã hội phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT.
Đến năm 2030, Việt Nam hình thành được 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về TTNT; có ít nhất 01 đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về TTNT dẫn đầu trong khu vực ASEAN…
Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các định hướng: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến TTNT; phát triển hệ sinh thái TTNT; thúc đẩy ứng dụng TTNT; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TTNT.
Triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Kế hoạch nhằm tổ chức tốt việc triển khai thi hành Luật trên phạm vi cả nước; làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ người làm công tác xử lý vi phạm hành chính; xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc hoàn thiện thể chế, xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, kịp thời và tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý và thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong giai đoạn hiện nay.
Nội dung Kế hoạch gồm: Tổ chức hội nghị triển khai thi hành Luật; tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật; rà soát, xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với Luật; tổ chức tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ; kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Theo Kế hoạch, trong năm 2021 một số bộ sẽ trình Chính phủ ban hành một số Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính như: Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản; quản lý, phát triển nhà và công sở; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo…
Bình Phước phấn đấu trở thành địa phương đi đầu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Tỉnh Bình Phước thúc đẩy phát triển hướng đến trở thành một trong những địa phương tiên phong về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây công nghiệp nâng cao hiệu quả nông nghiệp, tạo chuỗi sản xuất lớn.
Nội dung trên được nêu tại Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước.
Mặc dù năm 2020 bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, nhưng với ý chí vươn lên mạnh mẽ, sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền, người dân, doanh nghiệp, tỉnh Bình Phước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, chuyển biến toàn diện trong phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp vào kết quả chung của cả nước qua những điểm sáng đáng ghi nhận với 21/24 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,51%; sản xuất công nghiệp tăng 12,5%, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 10,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 7,3% so với năm 2019. Cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt, đạt những bước tiến đáng khích lệ; lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm…
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bình Phước còn tồn tại những bất cập: tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch đề ra; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn hạn chế; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng cao; tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công còn chậm…
Để khắc phục được những bất cập trên và phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Phước cần chung sức, đồng lòng quán triệt thực hiện hiệu lực, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025. Trước mắt tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân; khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ.
Thúc đẩy phát triển hướng đến trở thành một trong những địa phương tiên phong về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây công nghiệp nâng cao hiệu quả nông nghiệp, tạo chuỗi sản xuất lớn, hình thành và thu hút nhiều doanh nghiệp có thương hiệu, tiềm năng và thế mạnh; phấn đấu có nhiều thương hiệu nổi tiếng, uy tín trên địa bàn Tỉnh.
Tận dụng sự hỗ trợ của Trung ương, các chính sách ưu đãi hiện hành của Nhà nước, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nhanh chóng xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, gắn với quy hoạch vùng Đông Nam bộ và liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng có ý nghĩa chiến lược và mang tính đột phá. Trong đó, xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai 10 dự án trọng điểm đã xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI.
Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh
Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tạo đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả bộ máy; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng minh bạch, thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Xây dựng chính quyền các cấp “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật đáp ứng nhu cầu lao động cho các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng văn hóa và con người Việt Nam, giữ gìn tiếp nối truyền thống phong trào công nhân “Phú Riềng Đỏ”; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Nâng cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương. Với đường biên giới dài với nước bạn, tỉnh cần hết sức lưu ý, chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh và phương tiện, hàng hóa, kiểm soát biên giới tại các cửa khẩu, lối mở để phòng, chống dịch COVID-19, tránh dịch bệnh lây lan.
Huy động nguồn lực xã hội phát triển các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi
Năm 2021, với chủ đề “Chung tay chăm sóc người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”, công tác người cao tuổi cần được các cấp, ngành và toàn xã hội tiếp tục quan tâm ưu tiên.
Đó là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Ủy ban Quốc gia.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đẩy mạnh việc thực hiện Luật Người cao tuổi; có giải pháp huy động nguồn lực xã hội phát triển các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi và tăng cường an sinh xã hội đối với người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; rà soát, đánh giá các chương trình, dự án hỗ trợ người cao tuổi, đề xuất giải pháp phân bổ lại nguồn lực, giảm dần hỗ trợ trực tiếp sang hình thức hỗ trợ gián tiếp thông qua chính sách về bảo hiểm xã hội; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam các các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương hoàn thành việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi chưa có thẻ trong năm 2021; hướng dẫn triển khai có hiệu quả công tác lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại cơ sở theo quy định; đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên ngành lão khoa, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi cho cán bộ, nhân viên y tế tại cơ sở.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”; Chương trình giáo dục đời sống gia đình; thực hiện Chương trình phối hợp “Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của người cao tuổi và tham gia xây dựng, phát triển gia đình bền vững giai đoạn 2017-2021”.
Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện giảm giá vé, hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia phương tiện giao thông công cộng; tăng cường các giải pháp để người cao tuổi tiếp cận với phương tiện giao thông, nhà ga, bến đỗ.
Bộ Xây dựng hướng dẫn, triển khai Luật Kiến trúc bảo đảm các công trình thiết kế phù hợp với đặc điểm, nhu cầu sử dụng, tạo môi trường thân thiện với người cao tuổi; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở phòng, tránh bão, lũ đối với hộ nghèo, cận nghèo, ưu tiên hộ có người cao tuổi.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, hội tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội trong đó có người cao tuổi; phối hợp với Bộ Y tế triển khai chính sách Bảo hiểm y tế nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, người cao tuổi; ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện tốt việc giải quyết, chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho người tham gia, ưu tiên người cao tuổi.
Vận động người dân tham gia BHXH chuẩn bị tích lũy cho tuổi già
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về luật pháp, chính sách đối với người cao tuổi; vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuẩn bị tích lũy cho tuổi già từ khi còn trẻ; có giải pháp huy động nguồn lực để hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 5% người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế; huy động khối doanh nghiệp, khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.
Thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi; phân bổ nguồn lực đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách về người cao tuổi theo quy định; lồng ghép, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luật, Chương trình quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030; Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến 2025; tháng hành động vì người cao tuổi; chúc thọ, mừng thọ, thăm hỏi, tặng quà người cao tuổi nghèo, cô đơn không có người phụng dưỡng.
Sắp xếp lại Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi tại cơ sở theo quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP; có giải pháp vận động nguồn lực, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế từ nguồn quỹ trên; lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, bố trí kinh phí khám sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại cơ sở; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện miễn giảm giá vé, phí dịch vụ đối với người cao tuổi tham gia giao thông, thăm quan, vui chơi, giải trí và các quy định khác của Luật Người cao tuổi./.