• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 21/10/2021.

21/10/2021 19:34
Quy định cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô.

Nghị định này quy định cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, trách nhiệm của các bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp thực hiện các quy định của pháp luật về Thủ đô; cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm có quy mô vùng và tính chất liên kết vùng của Vùng Thủ đô.

Vùng Thủ đô gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên.

Lĩnh vực phối hợp là tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm sau: 1- Quy hoạch xây dựng; 2- Phát triển y tế, giáo dục và đào tạo; 3- Phát triển khoa học và công nghệ; 4- Quản lý và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; 5- Quản lý đất đai; 6- Quản lý dân cư và phát triển, quản lý nhà ở; 7- Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; 8- Phát triển và quản lý hệ thống giao thông vận tải; 9- Bảo tồn và phát triển văn hóa, lịch sử, du lịch.

Tổ chức điều phối Vùng Thủ đô

Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô gồm các thành viên sau:

Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng. Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Phó Chủ tịch Thường trực);  Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Các Ủy viên gồm: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ủy viên Thường trực); Thứ trưởng và tương đương của các bộ và cơ quan ngang bộ: Tài chính; Công Thương; Giao thông vận tải; Xây dựng; Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Ngoại giao; Công an, Quốc phòng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nội vụ; Tư pháp; Văn phòng Chính phủ.

Chủ tịch UBND các tỉnh: Bắc Ninh; Hưng Yên; Hà Nam; Hòa Bình; Phú Thọ; Bắc Giang; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Thái Nguyên.

Đại diện là chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu thuộc cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học của vùng; đại diện có uy tín của cộng đồng doanh nghiệp của Vùng Thủ đô.

Thường trực Hội đồng điều phối vùng gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực.

Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô có chức năng tham mưu, đề xuất và giúp Thủ tướng Chính phủ điều phối, kiểm tra, giám sát thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực, nội dung phối hợp của Vùng Thủ đô quy định tại Nghị định này.

Chính sách ưu tiên huy động nguồn vốn đầu tư

Nghị định quy định cụ thể chính sách ưu tiên huy động nguồn vốn đầu tư. Cụ thể, ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần cho các tỉnh, thành phố để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các công trình, dự án trọng điểm của vùng.

Ưu tiên huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của vùng.

Các tỉnh, thành phố có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của vùng trên địa bàn của mình.

Ưu tiên tổng hợp các công trình, dự án trọng điểm của vùng vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư của các chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia.

Các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố thuộc vùng ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cho các công trình, dự án trọng điểm của vùng.

Miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian của dự án đối với các công trình, dự án trọng điểm của vùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, quản lý và bảo vệ môi trường được đầu tư toàn bộ từ nguồn vốn xã hội hóa. Việc miễn tiền thuê đất đối với các dự án trọng điểm của vùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, quản lý và bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và môi trường.

Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục dự án cụ thể trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương sau khi Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô có ý kiến.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 5/12/2021.

Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2021

Ngày 21/10/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 271/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) 9 tháng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2021.

Thông báo nêu rõ, trong 9 tháng đầu năm 2021, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, tình hình TTATGT năm 2021 tiếp tục có chuyển biến tốt, cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) đều giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể: Giảm 2.527 vụ (-23,64%), số người chết giảm 817 người (-16,37%), số người bị thương giảm 2.237 người (-28,38%), ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính (trước khi đợt dịch COVID-19 bùng phát) cơ bản được kiểm soát.

Trong những tháng còn lại của năm 2021, với sự nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh COVID-19 sẽ từng bước được kiểm soát, kinh tế - xã hội sẽ từng bước được phục hồi và tăng trưởng trở lại, dự báo hoạt động giao thông vận tải sẽ dần quay về với mức độ trước khi có đại dịch COVID-19 và tiếp tục gia tăng. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa 15, tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Quý IV cũng là giai đoạn chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán, nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá tăng mạnh, tạo áp lực lớn cho công tác bảo đảm TTATGT. Vì vậy,  để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông và phòng chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả, Phó Thủ tướng giao Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chiến lược bảo đảm ATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Chủ tịch Ủy ban trong tháng 10/2021; dự thảo văn bản chỉ đạo của Ủy ban ATAGT Quốc gia về bảo đảm TTATGT, khắc phục ùn tắc giao thông theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, bảo đảm thống nhất thực hiện đối với các bộ, ngành và các địa phương.

Đồng thời, tổ chức các đoàn liên ngành do các đồng chí Ủy viên Ủy ban ATGT Quốc gia làm trưởng đoàn, đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT gắn với phòng, chống dịch COVID-19; các địa phương để xảy ra TNGT, ùn tắc giao thông tăng trong quý III, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ trong công tác bảo đảm TTATGT.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông

Bộ Giao thông vận tải kiểm tra tình hình thực hiện tại các địa phương trong việc triển khai Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đường sắt và Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô; đẩy nhanh tiến độ các dự án nâng cấp, mở rộng và kế hoạch bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên hệ thống các tuyến đường quốc lộ do Trung ương quản lý.

Chỉ đạo các cơ quan trực thuộc bộ, các sở GTVT thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm chiều cao tĩnh không và an toàn giao thông đường thuỷ khi thiết kế cầu đường bộ, đường sắt và các công trình vượt sông; chủ động hướng dẫn tổ chức vận tải hành khách, hàng hoá trên đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Công an chủ động dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 ở địa phương để có phương án bố trí lực lượng, phương tiện bảo đảm TTATGT trong bối cảnh nới lỏng giãn cách; tiếp tục phối hợp với ngành Y tế, GTVT và địa phương duy trì hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm TTATGT và an toàn phòng dịch cho người dân buộc phải rời Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An về quê bằng phương tiện cá nhân. Báo cáo tiến độ thực hiện Đề án Đầu tư, lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính. Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; tham gia phối hợp với ngành GTVT trong công tác tổ chức lại giao thông, nhất là trên các tuyến giao thông phức tạp, kịp thời phát hiện và xử lý các bất hợp lý về tổ chức giao thông, điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT.

Bộ Y tế nắm chắc tình hình và dự báo diễn biến dịch COVID-19, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan để hướng dẫn hoặc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động giao thông vận tải và công tác bảo đảm TTATGT.

Các bộ, ngành, cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm  nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT và phòng chống COVID-19 của người tham gia giao thông; kiên trì tuyên truyền, vận động thực hiện “Đã uống rượu, bia không lái xe”, “Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy”, “Lái xe không nghe điện thoại”…

Thống nhất kiểm soát dịch trên các tuyến giao thông theo đúng Nghị quyết 128/NQ-CP

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy định trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn; ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ (đối với những địa phương chưa thực hiện).

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương thực hiện thống nhất về yêu cầu, nội dung, phương thức tổ chức kiểm soát dịch đối với người và phương tiện trên các tuyến giao thông theo đúng Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị, xã hội và doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT gắn chặt với tuyên truyền thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT theo các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ GTVT, gắn với thực tiễn của địa phương; có phương án phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hành vi đua xe và tổ chức đua xe trái phép, cương quyết xử lý, trấn áp theo quy định pháp luật những đối tượng manh động chống người thi hành công vụ.

UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả thực hiện những giải pháp cụ thể về nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; kết quả việc di dời các cơ quan Trung ương, trường học, bệnh viện lớn ra khỏi trung tâm thành phố. Tiếp tục thực hiện và duy trì bảo đảm trật tự lòng, lề đường, vỉa hè, tránh hiện tượng tái lấn chiếm, việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và đơn vị trực tiếp quản lý.

Nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 về hạn mức trả tiền bảo hiểm.

Quyết định này quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với người được bảo hiểm tiền gửi.

Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng (quy định tại Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg là 75 triệu đồng).

Đối với các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi trước ngày 12/12/2021, hạn mức trả tiền bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm.

Quyết định 32/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 12/12/2021, thay thế Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm.

Chủ trương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp số 03 tại Hưng Yên

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1771/QĐ-TTg  ngày 20/10/2021 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp số 03 (KCN số 03).

Quy mô dự án 159,71 ha với tổng vốn đầu tư là 2.309.986.000.000 đồng (tương đương 99.333.000 USD), trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 392.697.620.000 đồng (tương đương 16.886.589 USD).

Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư.

Quyết định nêu rõ điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án: Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện đầu tư, kinh doanh bất động sản công nghiệp; góp đủ vốn và đúng thời hạn để thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án theo quy định tại Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các nội dung đã cam kết, bảo đảm tiến độ triển khai dự án theo quy định của pháp luật; ký quỹ để thực hiện dự án và nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật.

Nhà đầu tư chỉ được thực hiện dự án sau khi thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, quản lý, sử dụng đất trồng lúa và dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên bảo đảm tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình và thẩm định theo quy định của pháp luật; tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành; triển khai dự án phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bảo đảm điều kiện về tỉ lệ lấp đầy các KCN trong quá trình thành lập mới các KCN; làm cơ sở xem xét cho việc quyết định chủ trương đầu tư của dự án. Nếu việc thành lập mới các KCN dẫn đến không bảo đảm điều kiện quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế thì có báo cáo bằng văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tổ chức thực hiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên và các cơ quan liên quan: Giám sát, đánh giá việc triển khai dự án, trong đó có việc góp đủ vốn và đúng thời hạn của nhà đầu tư để thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đất đai, doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.

Yêu cầu nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, nếu phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thì phải báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Đồng thời, phối hợp với nhà đầu tư triển khai phương án đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định; thực hiện các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động làm việc trong KCN, trong đó có phương án xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động; hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; thực hiện thu hồi đất phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và thu hút đầu tư để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến người dân bị thu hồi đất…/.