• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

"Siêu pháo đài bay" ăn đòn cao xạ Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Trung tướng Dương Đức Hoà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 2 viết về chiến công bắn rơi máy bay B-52 bằng pháo cao xạ của Lữ đoàn Pháo phòng không 297, Quân khu 2 và những bài học kinh nghiệm rút ra từ chiến thắng này.

13/12/2012 13:49

Trung tướng Dương Đức Hòa, Tư lệnh Quân khu 2 kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của Lữ đoàn Phòng không 297, Quân khu 2. - Ảnh: VGP/Minh Diễm

Lữ đoàn Pháo phòng không 297 - Quân khu 2 ngày nay (tiền thân là Trung đoàn 256- Quân khu Việt Bắc năm xưa) được thành lập ngày 27/6/1972. Ra đời vào thời điểm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong chiến dịch 12 ngày đêm (18-29/12/1972), Lữ đoàn đã cùng lực lượng phòng không cả nước tiêu diệt nhiều máy bay Mỹ các loại, trực tiếp bắn rơi 2 siêu pháo đài bay B-52 trong đêm 24 và 26/12/1972.

Quyết tâm bắn rơi siêu pháo đài bay

Ngày 05/12/1972, sau khi có công điện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 256 xác định rõ quyết tâm, khẩn trương triển khai kế hoạch luyện tập phương án, động viên cán bộ, chiến sĩ tranh thủ ngày đêm luyện tập, đặc biệt là phương án và cách đánh B-52.

Ngay từ những ngày đầu tháng 12, lãnh đạo Quân khu và Quân chủng Phòng không – Không quân đã trực tiếp xuống từng trận địa pháo 100 ly động viên cán bộ, chiến sĩ, chỉ đạo hiệu chỉnh khí tài, để đảm bảo phát hiện B-52 được từ xa.

Đêm 19, rạng sáng ngày 20/12, địch cho nhiều tốp máy bay F4 và các loại máy bay chiến thuật khác quần đảo xung quanh các trận địa pháo của Trung đoàn. Sáng ngày 20/12, 5 tốp máy bay cùng nhiều máy bay cường kích chiến thuật ồ ạt ném gần 1.000 quả bom xuống 10 điểm của thành phố Thái Nguyên.

Tại trận địa của Đại đội 5 ở xã Quang Vinh, địch thả hơn 100 quả bom quanh trận địa, Trung đoàn cùng với lực lượng phòng không của tỉnh Thái Nguyên đánh trả quyết liệt nhưng phần vì hỏa lực hạn chế, phần do kinh nghiệm chưa có nên không bắn hạ được chiếc B-52 nào.

Chiều ngày 24/12, Trung đoàn được lệnh của Quân khu sẵn sàng đánh B-52. Ban chỉ huy Trung đoàn đã cử cán bộ xuống kiểm tra, chỉ đạo động viên các Đại đội cao xạ 100 ly chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm “bắn rơi siêu pháo đài bay” của địch.

Lúc 19 giờ 45 phút ngày 24/12, Sở chỉ huy Trung đoàn nhận được điện báo từ trạm quan sát Đèo Khế và núi Pháo (Đại Từ), “có B52 từ hướng Tây - Tây Bắc đang bay vào thành phố Thái Nguyên theo trục đường 1A”. Pháo thủ các trận địa pháo 100mm, Đại đội 3, 5, 9 bình tĩnh ngồi trực trên mâm pháo, các quả đạn pháo 100mm đã nằm gọn trên từng máng pháo, sẵn sàng rời khỏi nòng.

Bốn chiếc máy bay F4 bay trước, Sở chỉ huy Trung đoàn xác định B52 sắp đến tầm bắn. Với tính quyết đoán, mau lẹ của người chỉ huy, Trung đoàn trưởng Đồng Quốc Huệ ra lệnh như thét vào máy 2W “Bỏ F4, đánh B52, bắn loạt, bắn nhanh… bắn!”, 18 nòng pháo đồng loạt gầm lên dữ dội, dựng thành màn đạn bắn cản khá tập trung, chớp lửa đầu nòng sáng rực trên các trận địa, các loạt đạn liên tục trút vào đội hình B52.

Kết quả, chỉ với những quả đạn pháo 100mm, cán bộ chiến sĩ Đại đội 5 đã tiêu diệt chiếc B-52 to xác trên 100 tấn. Đây là đơn vị đầu tiên trong toàn quân bắn rơi siêu pháo đài bay bằng pháo cao xạ 100mm - kết quả của những ngày đêm dày công huấn luyện chiến thuật cách đánh B52.

Ngày 25/12, theo chỉ lệnh của Tư lệnh Quân khu, tất cả các đơn vị phòng không tham gia chiến đấu đã tiến hành tổ chức rút kinh nghiệm từ chiến thắng của Đại đội 5, Trung đoàn pháo cao xạ 256 để tìm ra cách đánh hiệu quả trước thủ đoạn, chiến thuật nham hiểm và các trang bị kỹ thuật hiện đại của không quân Mỹ. Các đơn vị trong Trung đoàn khẩn trương củng cố lực lượng, công sự trận địa chuẩn bị cho trận chiến đấu mới.

Đêm ngày 26/12, Mỹ huy động 105 máy bay B52 và 120 chiếc máy bay chiến thuật điên cuồng đánh phá vào khu vực Trung đoàn đảm nhiệm bảo vệ. Ngay đợt đầu không kích, địch đã làm hỏng 2 khẩu pháo và 2 chiến sĩ bị thương. Song sự điên cuồng của giặc Mỹ không làm lung lay ý chí của cán bộ, chiến sĩ, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đặc biệt khi địch oanh tạc dữ dội vào khu vực trận địa Đại đội 5.

Lúc này, Đại đội 5 mất hoàn toàn toàn thông tin liên lạc với Sở chỉ huy Trung  đoàn, nhưng với tính quyết đoán của người Đại đội trưởng trong chiến đấu, đồng chí Nguyễn Công Tuấn đã kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ tiếp tục đánh địch theo phương án 2.

Những quả đạn pháo 100mm đã được cắt ngòi nổ ở các độ cao 14, 12, 10 km, bắn liên tục tạo thành lưới lửa đạn dày đặc bao vây kẻ thù. Kết quả, các cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5 lại lập công xuất sắc, tiêu diệt chiếc B-52 thứ hai bằng pháo cao xạ 100mm.

Chiến công này đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn, Trung đoàn đã được Nhà nước tặng Huân chương Quân công hạng Ba và Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Sức mạnh chính trị tinh thần là yếu tố tiên quyết

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay, lực lượng vũ trang Quân khu 2 cần phát huy tốt một số bài học và kinh nghiệm rút ra từ chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”.

Một là, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần chiến đấu  dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng cho cán bộ, chiến sĩ.

Sức mạnh chính trị tinh thần tr­ước hết là tinh thần yêu nước được thể hiện dám đánh, quyết đánh và quyết thắng. Đó là yếu tố tiên quyết, chỉ có dám đánh, quyết đánh thì chúng ta mới tìm ra đ­ược phương pháp, cách đánh hay, hiệu quả chiến đấu cao; ý chí dám đánh, quyết đánh trở thành một lực l­ượng vật chất vô cùng to lớn giúp ta chiến thắng mọi kẻ thù. Sức mạnh chính trị tinh thần phải được biểu hiện ở tinh thần v­ượt mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, độc lập tự chủ, tự lực, tự c­ường, đoàn kết hiệp đồng lập công tập thể.

Những thành tích mà cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 256 năm xưa cho ta thấy, bất luận trong mọi khó khăn, gian khổ, với vũ khí, trang bị còn hạn chế so với vũ khí tối tân, hiện đại của địch, song chúng ta đã chiến thắng, đó là chiến thắng của tinh thần người chiến sĩ trên chiến trường.

Hai là, phát huy tốt tinh thần mưu trí, sáng tạo, quyết đoán của người cán bộ trong chiến đấu; biết vận dụng, sử trí linh hoạt sáng tạo, phát huy tốt tính năng của vũ khí trang bị hiện có.

Chiến công mà cán bộ chiến sĩ Trung đoàn pháo cao xạ 256 năm xưa giành được trong chiến dịch 12 ngày đêm cho thấy: tinh thần quyết đoán, mưu trí, nhanh lẹ sáng tạo của người chỉ huy luôn là yếu tố then chốt quyết định nên thắng lợi, người chỉ huy cần biết quyết đoán, quyết định đúng thời cơ; đồng thời vận dụng linh hoạt trong từng tình huống cụ thể, chính yếu tố quyết đoán xác định quyết tâm đánh địch trong điều kiện mất liên lạc với trên, biết chỉ đạo cắt ngòi nổ ở các tầng, tạo nên một lưới đạn dày đặc đã buộc B-52 của địch phải rơi dưới làn đạn pháo. Việc đưa ra quyết định này chỉ bằng sự phán đoán mau lẹ và kinh nghiệm của người chỉ huy, không một nguồn thông tin của trên, không một thiết bị quan sát.

Người cán bộ trong chiến đấu luôn là linh hồn của trận đánh, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, nó như tiếp thêm sức mạnh ý chí quật cường, không ngại hy sinh gian khổ; không một sức mạnh nào có thể chiến thắng được sức mạnh chính trị tinh thần đó.

Ba là, bố trí, sử dụng các lực lượng phòng không hợp lý nhằm phát huy hiệu quả các lực lượng, các loại vũ khí trang bị hiện có tạo thành lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, đánh địch ở mọi độ cao, mọi hướng.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cũng chính là chiến thắng của nghệ thuật sử dụng lực lư­ợng. Trong tương lai, nếu buộc phải tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chúng ta phải phát huy cao độ tiềm năng chiến đấu của lực lư­ợng phòng không ba thứ quân, tạo nên hệ thống hoả lực phòng không rộng khắp, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh thắng, vừa tập trung hiệp đồng tiêu diệt lớn, vừa đồng thời đánh liên tục, tại chỗ, rộng khắp trên các địa bàn.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi 

Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng chạp năm 1972, chúng ta đã rất thành công trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân, tạo nên hệ thống hoả lực phòng không rộng khắp, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh thắng kẻ thù.  

Đó là sức mạnh của sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của chính phủ và nhân dân các n­ước yêu chuộng hòa bình; sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, của các lực l­ượng cách mạng, dân chủ hoà bình và của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ.   

Năm là, luôn kế thừa và phát huy kinh nghiệm đánh giặc của cha ông, thường xuyên làm tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có.

Bốn mươi năm đã trôi qua, những trận địa pháo của Trung đoàn pháo cao xạ 256 năm xưa nay đã trở thành ruộng vườn, nhà cửa, nhà máy, trường học mới khang trang.... Nhưng, những ký ức về cuộc chiến đấu gan góc, mưu trí, sáng tạo và vô cùng dũng cảm của quân dân ta nói chung và thành tích vẻ vang của Lữ đoàn pháo phòng không 297 nói riêng vẫn luôn là niềm tự hào, sự cổ vũ lớn lao của Lực lượng vũ trang Quân khu 2, từ đó giành những thành tích mới, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.