• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bạc Liêu: Kinh nghiệm huy động nguồn lực xóa nghèo

(Chinhphu.vn) - Xác định chăm lo cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn là việc làm thường xuyên, tỉnh Bạc Liêu đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; các chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo, các mô hình giảm nghèo bền vững đã được thực hiện hiệu quả, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

08/12/2020 14:13

Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu

Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ, ông Dương Thành Trung, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, đạt được những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo thời gian qua, ngay từ đầu giai đoạn, Bạc Liêu xác định công tác giảm nghèo là một trong những mục tiêu nâng cao đời sống của nhân dân và góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững của tỉnh.

Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã góp phần vào công tác giảm nghèo của tỉnh Bạc Liêu. Xin ông cho biết cụ thể về kết quả thực hiện chương trình này ở Bạc Liêu?

Ông Dương Thành Trung: Trong 05 năm qua, tỉnh Bạc Liêu luôn quán triệt sâu sắc, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh có nhiều đổi mới trong triển khai thực hiện, nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật trong công tác giảm nghèo, như: Đầu tư xây dựng 218 công trình kinh tế, xã hội thiết yếu ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt, đi lại của người dân; triển khai 78 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế hỗ trợ cho 2.920 hộ hưởng lợi; hỗ trợ đào tạo nghề cho 109.588 lao động và tạo việc làm cho 87.868 lao động (trong đó, có 12.883 lao động thuộc hộ nghèo, hộ gia đình chính sách) giải quyết vay vốn cho 1.652 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ cho 15.434 lượt hộ xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn; 51.500 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay các nguồn vốn tín dụng ưu đãi với số tiền trên 1.000 tỷ đồng; hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế 156.727 cho người nghèo; 124.027 người cận nghèo; 597.469 cho người dân sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, với tổng số tiền 548 tỷ đồng; miễn, giảm và hỗ trợ chi phí học tập cho 56.421 lượt học sinh thuộc hộ nghèo; hằng năm có 4.038 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; 69.146 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hằng tháng.

Nhằm thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, trong thời gian qua, việc triển khai hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo, kết quả 5 năm toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 5.123 căn cho hộ nghèo với kinh phí trên 154 tỷ đồng (trong đề án 33 là 3.984 căn, tương đương 111,52 tỷ đồng: Vốn của NHCSXH cho vay trên 99 tỷ đồng, vốn hỗ trợ từ Quỹ vì người nghèo của tỉnh và cấp huyện gần 20 tỷ đồng; tỉnh, huyện vận động hỗ trợ xây dựng 1.139 căn ngoài đề án 33 với số tiền trên 34 tỷ đồng). Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo không có khả năng tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Từ những giải pháp, cách làm nêu trên, đầu năm 2016, tổng số hộ nghèo trong toàn tỉnh là 30.855 hộ, tỷ lệ 15,55% đến cuối năm 2019 tổng số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3.068 hộ, chiếm 1,38%. Năm 2020, đã phân công giúp đỡ 2.067 hộ (phấn đấu đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn khoản 0,5%)%; bình quân hằng năm giảm 3,02% (chỉ tiêu 2%/năm), đã hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo trước 2 năm.

Một trong những thành tựu quan trọng thời gian qua tại tỉnh Bạc Liêu là đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Xin ông chia sẻ những kinh nghiệm Bạc Liêu thực hiện thành công công tác này?

Ông Dương Thành Trung: Đạt được những kết quả trong công tác giảm nghèo nêu trên trong thời gian qua, ngay từ đầu, Bạc Liêu xác định công tác giảm nghèo là một trong những mục tiêu nâng cao đời sống của nhân dân và góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững của tỉnh. Từ đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giảm nghèo phải hướng vào những vùng còn tỷ lệ hộ nghèo cao như vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với phương châm: Đúng trọng tâm, đúng trọng điểm; về chỉ đạo, phải quyết liệt, biết khối lượng công việc, lực lượng thực hiện, thời hạn hoàn thành; phải gương mẫu, tận tụy, sâu sát, dân chủ, sáng tạo nhưng đúng pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, Bạc Liêu có sự phát triển nhanh về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, điểm xuất phát của tỉnh còn hạn chế, nguồn ngân sách phục vụ cho công tác giảm nghèo của tỉnh còn chưa đáp ứng yêu cầu. Trước tình hình đó, để có đủ nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo, với sự chung tay, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của Thường trực Tỉnh ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chúng tôi đã gặp gỡ vận động các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các “Mạnh thường quân” trong và ngoài tỉnh đóng góp thông qua nhiều hình thức. Trong 5 năm đã vận động với số tiền trên 512 tỷ đồng, góp phần cùng ngân sách nhà nước giải quyết các chính sách về nhà ở, tuyến lộ giao thông, trường học, quà tết, thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Các chương trình, chính sách, mô hình giảm nghèo bền vững của Bạc Liêu đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Ông Dương Thành Trung: Bên cạnh các chính sách chung của Trung ương, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành một số chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo như: Mô hình phân công đảng viên nhận giúp đỡ hộ nghèo (các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nhận giúp đỡ hộ nghèo); phát động phong trào chăm lo cho người nghèo; đẩy mạnh xã hội hóa trong giúp đỡ hộ nghèo thông qua việc vận động Quỹ “Vì người nghèo-An sinh xã hội”; vận động các tập đoàn, doanh nghiệp, các ngân hàng xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Cụ thể, qua 05 năm đã hỗ trợ, giúp đỡ cho 23.825 hộ với số tiền trên 87 tỷ đồng; hỗ trợ quà tết cho 84.932 lượt hộ nghèo, cận nghèo số tiền 34,281 tỷ đồng.

Đặc biệt, để giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh từ nguồn ngân sách địa phương. Kết quả, đã cấp 3.086 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo mới thoát nghèo với số tiền trên 2,4 tỷ đồng.

Cùng với đó là chủ động phân loại, chia nhỏ các nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo để có sự hỗ trợ phù hợp, hiệu quả đối với từng loại/nhóm đối tượng, trong đó ngoài đối tượng nghèo thông thường, thì còn 02 nhóm đối tượng đặc biệt, gồm:

Những hộ không thể thoát nghèo (khoảng gần 800 hộ, là những gia đình nhiều người bệnh tật, già yếu, không có khả năng lao động…). Nhóm này sẽ đưa vào đối tượng bảo trợ xã hội để hỗ trợ lâu dài theo chính sách chung.

Những hộ không muốn thoát nghèo (đó là những gia đình tuy có khả năng thoát nghèo, song lại muốn được tiếp tục hưởng các chế độ, chính sách của hộ nghèo, nhóm này có số lượng ít, song vẫn tồn tại). Nhóm này sẽ được tập trung rà soát, đánh giá kỹ từng tiêu chí, sau đó lấy ý kiến công khai trong cộng đồng để xác định có đủ điều kiện thoát nghèo hay chưa? Đồng thời, giao chính quyền cơ sở vận động, thuyết phục, phân tích để họ đồng thuận, nỗ lực vươn lên thoát nghèo thực sự.

Năm 2020 là năm cuối Việt Nam thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Theo ông cần có những thay đổi gì trong cơ chế chính sách giai đoạn tới để vừa phát huy sự nhân văn trong chính sách vừa bảo đảm hiệu quả của việc giảm nghèo đúng nơi, đúng lúc?

Ông Dương Thành Trung: Để trong giai đoạn tới chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững phát huy được tính nhân văn trong chính sách, bảo đảm hiệu quả của việc giảm nghèo đúng nơi, đúng lúc, cần tiếp tục đẩy nhanh rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện… Từ đó, giúp cho các địa phương kịp thời triển khai thực hiện các cơ chế mới của Chương trình đúng trọng tâm, trọng điểm.

Mặt khác, để tiếp tục phát huy tính nhân văn các chính sách của Đảng và Nhà nước đối công tác giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025, khi xây dựng, ban hành chính sách, Trung ương nên chú trọng bảo đảm các mục tiêu phải hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững. Đặc biệt là nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực; tạo việc làm đầy đủ, tạo việc làm tốt cho tất cả mọi người; giảm bất bình đẳng trong xã hội…

Theo dự báo trong thời gian tới, biến đổi khí hậu có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội, đặc biệt là đến người nghèo và các nhóm yếu thế đối với sức khỏe, sinh mạng, tài sản, tư liệu sản xuất và thậm chí cả phương thức, tập tục canh tác của nhóm đối tượng này, làm cho vốn sinh kế của người nghèo càng bị rủi ro và suy giảm nhiều. Do đó, để bảo đảm cho nhóm đối tượng này trong giai đoạn 2021-2025, Bạc Liêu đề xuất Trung ương sớm chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể và đưa ra những giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội trước tác động của biến đổi khí hậu trên cả 3 phương diện: Phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Kiều Liên (thực hiện)