Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh |
Theo Đề án đã được phê duyệt, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam là tổng công ty nhà nước, được giao vốn thông qua Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; có trách nhiệm kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Cơ cấu quản lý của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam gồm: Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, kế toán trưởng và bộ máy giúp việc. Vốn điều lệ của Tổng công ty không thấp hơn 8.122 tỷ đồng.
Các đơn vị thành viên của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam gồm: Các đơn vị hạch toán phụ thuộc (Bưu điện các tỉnh, thành phố trong cả nước; Công ty Phát hành báo chí Trung ương; Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện); 4 công ty do Tổng công ty góp trên 50% vốn điều lệ và các đơn vị sự nghiệp.
Tổng công ty sẽ hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: Thiết lập, quản lý, khai thác và phát triển mạng bưu chính công cộng, cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; kinh doanh các dịch vụ bưu chính, phát hành báo chí, chuyển phát, tài chính, ngân hàng trong và ngoài nước; tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính quốc tế và các dịch vụ khác trong khuôn khổ các điều ước quốc tế trong lĩnh vực bưu chính mà Việt Nam ký kết, gia nhập được Nhà nước cho phép...
Quyết định nêu rõ, trong thời gian 5 năm kể từ khi thành lập, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam được vay các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư, duy trì, mở rộng, phát triển mạng bưu chính công cộng; được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với các doanh nghiệp mới thành lập thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư và đầu tư vào địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn. Tổng công ty được lấy nguồn kinh phí từ Quỹ trợ cấp mất việc làm của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam để giải quyết chế độ cho số lao động dôi dư khi sắp xếp lại bộ máy.
Phương Mai
(Nguồn: Quyết định 674/QĐ-TTg)