Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại Tọa đàm, lãnh đạo Báo Nhân Dân cho rằng: Việc hình thành tài chính toàn diện để bảo đảm sự công bằng cho mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý, thuận tiện, có trách nhiệm và bền vững là xu thế trong thập niên thứ hai và thứ ba của thế kỷ 21.
Việt Nam không nằm ngoài xu hướng của thế giới khi Chính phủ đã sớm hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) để xây dựng một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Việt Nam cũng là một trong 25 quốc gia ưu tiên tập trung phát triển tài chính toàn diện trong Sáng kiến phổ cập tiếp cận tài chính đến năm 2020.
Sau gần 5 năm triển khai Chiến lược tài chính toàn diện, đây là thời điểm thích hợp để xem xét quá trình hiện thực hóa mục tiêu đang đặt ra.
Phân tích thực trạng bức tranh tài chính toàn diện tại Việt Nam, đại diện IDS cho biết: Nhờ sự tăng trưởng nhanh ở cả số lượng kênh cung ứng dịch vụ và tốc độ chuyển đổi số, tỷ lệ người trưởng thành tiếp cận dịch vụ tài chính hiện đại đã tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, nếu phân chia theo mức thu nhập (đối với nhóm cá nhân) và quy mô (đối với nhóm DN) thì bức tranh về tiếp cận dịch vụ tài chính trên quy mô toàn quốc có sự phân hóa đáng chú ý.
Đối với nhóm cá nhân, mức độ cải thiện về sở hữu tài khoản của nhóm thu nhập thấp nhất gần như không đáng kể theo thời gian và cách xa so với các nhóm thu nhập cao hơn...
TS Trần Văn – Viện trưởng IDS phân tích: Thông lệ tốt của thế giới cho thấy việc áp dụng công nghệ giúp các dịch vụ tài chính ngân hàng có thể được cung cấp ở bất cứ nơi nào, kể cả không có sự hiện diện của ngân hàng.
Nhờ đó, những rào cản đối với tài chính toàn diện như thu nhập, chi phí và khoảng cách địa lý gần như được xóa bỏ, giúp cho cả những người nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính thuận lợi hơn.
Các quốc gia đang phát triển muốn bao phủ nhanh và hiệu quả dịch vụ tài chính chính thức, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để hiện đại hóa các kênh cung ứng dịch vụ tài chính hiện đại. Việt Nam không chỉ đi sau mà còn có quy mô thị trường lớn với gần 100 triệu dân, nếu không có giải pháp đột phá, không sử dụng công nghệ, sẽ khó tăng tốc. Mặc dù thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số dịch vụ tài chính, song thực trạng bức tranh tiếp cận dịch vụ cho thấy vẫn còn dư địa lớn để cải thiện.
Nghiên cứu của IDS chỉ ra rào cản lớn nhất hiện nay nằm ở khung pháp lý đối với các DN ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính (fintech). Nhóm này sở hữu nhiều tiềm năng phát triển nhờ các lợi thế về công nghệ, dữ liệu, chi phí vận hành, cơ hội kinh doanh…, là động lực cho thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. TS Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng nhìn nhận: Các vấn đề rủi ro có thể được hóa giải nhờ sự hợp tác giữa tổ chức tài chính, tín dụng truyền thống và các đối tác fintech (không cạnh tranh, hợp tác lấp đầy khoảng trống thị trường,…).
"Thay vì phải bỏ ra các nguồn lực hữu hình, Nhà nước có thể cùng hợp tác phát triển bằng nguồn lực vô hình là xây dựng khung pháp lý phù hợp cho sự phát triển của hoạt động ứng dụng công nghệ nói chung và fintech nói riêng", TS Nguyễn Đức Kiên nói.
Tham gia tọa đàm, đại diện của một số hiệp hội DN, các DN tiên phong triển khai fintech đã trao đổi những kinh nghiệm đúc kết trong quá trình triển khai dịch vụ công nghệ tài chính.
Tài chính số trở thành giải pháp hiệu quả để phục vụ người dân từ rừng núi đến biển xa, từ quê nghèo lên phố lớn, giải quyết hiệu quả bài toán tài chính toàn diện quốc gia nhờ xóa nhòa những rào cản về thu nhập, chi phí và khoảng cách địa lý. Qua đó, các DN cũng đề xuất những kiến nghị về cơ chế chính sách tạo đòn bẩy cho việc gia tăng bao phủ dịch vụ tài chính chính thức cũng như chuyển đổi số dịch vụ tài chính thông qua việc kiến tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho tất cả các tổ chức tham gia như mục tiêu mà Chiến lược đã đặt ra ngay từ ban đầu.
Đại diện cơ quan quản lý, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN khẳng định: Thực tế minh chứng, tài chính toàn diện là vấn đề vô cùng quan trọng nhưng nhìn nhận tổng thể các chính sách, cơ chế chính sách để vận hành một xã hội hướng đến mục tiêu đó là chưa đạt được.
Lãnh đạo NHNN phân tích: Thực tế nguồn lực trong nền kinh tế của chúng ta không hề nhỏ, nhưng khai thác thế nào để mọi người hiểu rõ về nó và có thể tiếp cận nó lại là vấn đề. Cần có cơ chế chính sách để phát triển tài chính toàn diện, trong đó, dưới góc độ ngân hàng 4 trụ cột.
Thứ nhất, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm vận hành trôi chảy nhưng vẫn có sự ràng buộc.
Thứ hai, phải đổi mới, sắp xếp lại một cách có hiệu quả, hay nói đúng hơn là làm rõ các tổ chức cung ứng mô hình dịch vụ tài chính cho các đối tượng yếu thế được thụ hưởng, kể cả của Nhà nước cũng như của thị trường, xã hội như: các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, các công ty tài chính…
Thứ ba là giáo dục nhận thức về tài chính và quản lý tài chính toàn diện. Thứ tư là ứng dụng công nghệ số, ứng dụng công nghệ nền tảng kỹ thuật, công nghệ mới để công nghệ vừa trở thành phương tiện, vừa trở thành nguồn lực hỗ trợ những đối tượng thụ hưởng tài chính toàn diện.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú lưu ý: Việc ứng dụng công nghệ, sử dụng trung gian tài chính cung cấp các sản phẩm tài chính đã phát triển mạnh trong vài năm nay vẫn cần kiểm soát chặt chẽ.
Ví dụ, chưa khi nào tài khoản ngân hàng lại nhiều như hiện nay, một người dân có khi có đến mấy tài khoản, thẻ ngân hàng.
Bình quân mỗi người dân vài cái thẻ ngân hàng nhưng không dùng hết, đây một sự lãng phí xã hội rất lớn.
Tuy nhiên, mà không phải lúc nào cũng có thể cứng nhắc ngăn cản được khi ngân hàng nào cũng phát hành.
NHNN cho rằng đây là tất yếu của kinh tế thị trường có cạnh tranh, phát triển xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt.
"Các sản phẩm dịch vụ tài chính mới với nhiều công nghệ mới đem lại nhiều thuận lợi, tạo ra hướng đi, tạo ra "con đường mới" cho các DN tiếp cận các đối tượng của tài chính vi mô", lãnh đạo NHNN nói.
Theo lãnh đạo Báo Nhân dân: Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm có bài viết mang tựa đề: "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: "Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho nền kinh tế số, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...."
Anh Minh