Tại huyện Gia Viễn, từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều gia đình đã vượt khó vươn lên, cải thiện cuộc sống gia đình, như câu chuyện của chị Lê Thị Liên ở xóm 4, Gia Vượng.
Năm 2019, chồng chị Liên đột ngột qua đời vì một tai nạn, để lại 3 đứa con thơ cùng cơ nghiệp đang gây dựng dở dang, chị Liên tự nhủ mình phải kiên cường, phải cố gắng thay chồng chăm lo cho các con. Từ đó chị thức khuya dậy sớm, từ làm ruộng, làm thuê, ai thuê gì làm đó để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Trước hoàn cảnh khó khăn của chị, các tổ chức hội, đoàn thể của xã đã hướng dẫn cho chị được vay vốn hộ cận nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) với số tiền 100 triệu đồng. Có vốn, chị đầu tư mua cám, giống để tiếp nối ước mơ phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô lớn của 2 vợ chồng trước kia.
Được sự động viên của Hội Phụ nữ, chị còn sắp xếp thời gian tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, để sản xuất được hiệu quả.
Hiện nay, mỗi năm chị Liên bán ra thị trường 20 tấn cá, ngoài ra còn nguồn thu từ đàn vịt, cây ăn quả, được khoảng 40 triệu đồng, kinh tế gia đình từng bước ổn định.
Còn câu chuyện của anh Vũ Hồng Nhất và chị Nguyễn Thị Thúy thì lại khác. Từng nhiều năm làm thuê tại các nhà vườn ở Lâm Đồng-thủ phủ của nông nghiệp công nghệ cao, đôi vợ chồng này luôn đau đáu tham vọng đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt tiên tiến nhất để về khai phá, phát triển nông nghiệp ở miền quê còn nhiều khó khăn thuộc thôn Đá Hàn, xã Gia Hòa.
Nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh từ Ngân hàng CSXH với thời gian vay dài, lãi suất ưu đãi chính là động lực để vợ chồng anh Nhất, chị Thúy mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới quy mô 4.000 m2 với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại nhất để trồng hoa, cùng với đó xây dựng chuồng trại quy củ chăn nuôi hơn 200 con dê.
Nhờ đầu tư bài bản, nắm vững kỹ thuật nên hiện nay trung bình mỗi năm mô hình cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng và tạo công ăn việc làm thường xuyên gần 10 lao động địa phương. Anh Nhất chia sẻ: "Nguồn vốn cho vay ưu đãi Ngân hàng CSXH đã tạo động lực giúp vợ chồng tôi yên tâm làm giàu ngay tại quê nhà, có thu nhập ổn định, truyền cảm hứng, kinh nghiệm cho các thanh niên khác cùng vươn lên làm giàu".
Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách là những người yếu thế dễ bị tổn thương trong xã hội.
Là địa phương còn ít nhiều khó khăn bởi trong tổng số 21 xã, thị trấn thì Gia Viễn có 8 xã miền núi vùng II, 3 xã thuộc vùng xả lũ, thuộc diện khó khăn của tỉnh, thường xuyên phải gánh chịu những hậu quả do thiên tai gây ra. Do vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Gia Viễn càng nhận thức và xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Ngay sau khi Chỉ thị 40 được ban hành, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và triển khai tích cực của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Gia Viễn không ngừng tăng trưởng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua Ngân hàng CSXH đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đến hết tháng 4 năm 2024, tổng nguồn vốn đạt trên 465 tỷ đồng, tăng 227% so với cuối năm 2014 (trước khi có Chỉ thị 40). Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 48.170 triệu đồng.
Nguồn vốn được tăng cường, đồng thời, định kỳ hàng năm, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn đã làm tốt công tác điều tra, rà soát, xác định chính xác, công bố kịp thời, đầy đủ các đối tượng được vay vốn từ chương trình tín dụng chính sách nên đến nay, 100% đối tượng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế đều đã được đáp ứng nhu cầu vay. Không chỉ có vậy, người vay còn được huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ, qua đó giúp phát huy, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn để phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho biết: Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp nhịp nhàng của các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác thì nguồn vốn tín dụng chính sách đến gần với người dân hơn, chất lượng tín dụng ngày một nâng lên.
Qua 22 năm hoạt động của Ngân hàng CSXH và sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 20.000 hộ trên địa bàn huyện vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 10 nghìn lao động (trên 300 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 12.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 50.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 200 căn nhà ở cho hộ nghèo…
Giai đoạn 201-2015, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm từ 16,46% xuống còn 4,62%; giai đoạn 2016 -2020 tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 11,71% xuống còn 2,8%; đến cuối năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 1,91%.
Kết quả trên đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng cũng như các địa phương khác, hiện nay, nguồn lực để thực hiện một số chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện còn hạn chế so với nhu cầu vay vốn; nhất là một số chương trình tín dụng có nhu cầu lớn như: Chương trình cho vay giải quyết việc làm; đối tượng người thu nhập thấp, có mức sống trung bình chưa có cơ chế cho vay. Thực tế, trên địa bàn huyện hiện vẫn còn trên 17.000 hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình là những hộ còn khó khăn nhưng chưa được thụ hưởng tín dụng chính sách để tạo sinh kế.
Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, huyện Gia Viễn tiếp tục quán triệt sâu rộng, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 và xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Triển khai, mở rộng cuộc vận động tiết kiệm chung tay vì người nghèo nhằm bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng CSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Chủ động tham mưu đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phù hợp với giai đoạn mới.
BT