Tham dự buổi nghiệm thu có Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thuận, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu NHCSXH cùng các ủy viên Hội đồng nghiệm thu và đại diện các Ban Chuyên môn nghiệp vụ, Trung tâm Đào tạo.
Chính sách tín dụng của Chính phủ về cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP giải ngân qua NHCSXH ra đời rất kịp thời và phù hợp với chủ trương của các tỉnh, thành phố trong việc phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp, các nhóm đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở. Chương trình cho vay nhà ở xã hội đã phát huy hiệu quả, mang lại ý nghĩa kinh tế xã hội và tính nhân văn sâu sắc và dần trở thành một trong những chương trình tín dụng trụ cột, có quy mô lớn, có tiềm năng phát triển trên toàn quốc.
Chương trình nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, giúp cho hàng trăm hộ gia đình trên toàn quốc có cơ hội được tiếp cận vốn vay để “an cư, lạc nghiệp”, tự mua một chỗ ở ổn định hoặc xây mới, sửa chữa, cải tạo nhà cửa giúp cho chất lượng cuộc sống được nâng cao, qua đó, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước.
Giai đoạn 2018-2023, đến hết ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn cho vay chương trình nhà ở xã hội đạt 17.121 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay đạt 514 tỷ đồng. Tổng doanh số cho vay đạt 19.519 tỷ đồng với 46.304 khách hàng được vay vốn, tổng dư nợ đạt 16.906 tỷ đồng với 43.707 khách hàng có dư nợ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội tại NHCSXH trong những năm qua cũng cho thấy còn có những khó khăn, hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội chưa được bố trí kịp thời, đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng; cơ chế chính sách cho vay nhà ở xã hội còn nhiều nội dung bất cập (về đối tượng thụ hưởng, mức cho vay, lãi suất cho vay,…); vẫn còn khoảng trống về đối tượng vay vốn là hộ cận nghèo khu vực nông thôn, hộ có mức sống trung bình rất có nhu cầu vay vốn nhưng chưa được tiếp cận với với chương trình tín dụng chính sách.
Trên cơ sở khảo sát, thu thập, xử lý dữ liệu, nhóm nghiên cứu đã phân tích đánh giá thực trạng triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội tại NHCSXH giai đoạn từ 2019-2023, từ đó, chỉ ra những kết quả đạt được, những khó khăn hạn chế, tồn tại, đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường triển khai cho vay nhà ở xã hội tại NHCSXH trong thời gian tới. Trong đó, cần tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp và cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và cơ quan liên quan cũng như của toàn thể mọi tầng lớp nhân dân.Đề tài của nhóm nghiên cứu được Hội đồng đánh giá cao, có ý nghĩa thực tiễn và phù hợp trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của NHCSXH. Nhóm nghiên cứu cần tiếp thu những ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh đề tài đảm bảo các giải pháp được ứng dụng ngay trong thực tiễn, nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương.
Với những nghiên cứu rất có ý nghĩa và phù hợp với tình hình phát triển NHCSXH, đề tài “Giải pháp tăng cường triển khai thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội của NHCSXH” xếp loại xuất sắc.
BT