Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Sở LĐTB&XH TPHCM, cùng với chi trả gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 09/NQ-HĐND, TPHCM cũng trích ngân sách để thực hiện hỗ trợ theo gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Nguyên tắc là trường hợp mà gói hỗ trợ bằng ngân sách của TPHCM không có thì sẽ bổ sung, trường hợp nào trùng nhau thì sẽ thực hiện theo chính sách nào có chế độ hỗ trợ cao hơn. TPHCM cũng là một trong 4 địa phương (gồm TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lâm Đồng) xác định thêm đối tượng đặc thù so với Nghị quyết số 68
Tính hết hết ngày 24/7, thực hiện Nghị quyết số 09, có 284.465 người lao động tự do, chiếm 100% tổng số người lao động tự do, đã được nhận hỗ trợ, với tổng kinh phí là 426 tỷ đồng. 31.295 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ trên 62,49 tỷ đồng. 121 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ 252,8 triệu đồng. 5.375 hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động được hỗ trợ 10,75 tỷ đồng. 10.190 thương nhân tại các chợ truyền thống được hỗ trợ trên 15,344 tỷ đồng.
TPHCM cũng đang thống kê lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng nằm ngoài 6 nhóm hỗ trợ đã nêu trong Nghị quyết số 09 của HĐND TPHCM, gồm bảo mẫu, thợ hồ, sửa xe, xe ôm công nghệ, bán báo dạo… Sau khi có thống kê từ các quận, huyện và TP. Thủ Đức, Sở LĐTB&XH sẽ đề xuất Thành phố bổ sung hỗ trợ những lao động này từ nguồn Quỹ phòng chống dịch COVID-19.
Theo Nghị quyết số 09, có 6 nhóm được hỗ trợ trong gói 886 tỷ đồng, gồm: Hỗ trợ tiền ăn; hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc; hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động; hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống.
Thu Cúc