Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phạm Việt Hà - Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho biết: "Từ đầu năm đến ngày 26/12/2022, Tổng cục DTNN đã giao các Cục DTNN khu vực thực hiện xuất cấp 107.327 tấn gạo để hỗ trợ cho các địa phương; trị giá khoảng 1.287 tỷ đồng".
Cụ thể, hỗ trợ cứu đói dịp Tết Nguyên đán năm 2022 là 13.959 tấn gạo cho 16 tỉnh; hỗ trợ cứu đói giáp hạt đầu năm 2022 là 10.370 tấn gạo cho 17 tỉnh; hỗ trợ dịch COVID-19 đầu năm 1.869 tấn gạo cho 3 tỉnh; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai do ảnh hưởng mưa lũ, hạn hán mất mùa là 4.171 tấn gạo cho 4 tỉnh. Hỗ trợ học sinh tại 42 tỉnh, thành phố 67.223 tấn gạo.
"Việc sử dụng nguồn lực DTQG hỗ trợ cho các địa phương để kịp thời ứng phó với các tình huống cấp thiết về dịch bệnh, thiên tai là một trong những nguồn lực, chính sách được dư luận nhân dân, xã hội ủng hộ. Đồng thời cũng là một trong những công cụ điều hành, giải quyết các tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra, mang lại giá trị, hiệu quả cao của Chính phủ, giúp các địa phương bảo đảm an sinh xã hội, động viên, khuyến khích người dân vùng bị dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, mất mùa sớm ổn định cuộc sống, sản xuất và phục vụ tốt cho công tác quốc phòng, an ninh tại các địa phương", ông Phạm Việt Hà nhấn mạnh.
Về công tác đấu thầu, đại diện Tổng cục DTNN cho biết, hiện nay, công tác đấu thầu các mặt hàng DTQG được chia làm 2 chủ đầu tư, trong đó Tổng cục DTNN sẽ là chủ thầu mua sắm vật tư, thiết bị; các cục DTNN khu vực sẽ là chủ thầu mua sắm lương thực.
Hiện tại, Tổng cục DTNN triển khai 100% đấu thầu qua mạng, không đấu thầu trực tiếp. Về mức giá, được Bộ Tài chính phê duyệt đơn giá quy trình hồ sơ mời thầu.
"Chúng tôi đã thực hiện đánh giá các nhà thầu dựa trên xếp hạng đánh giá uy tín để đảm bảo chất lượng và công bằng", ông Phạm Việt Hà cho hay.
Về vấn đề xuất cấp gạo dịp Tết Nguyên đán năm 2023, ông Phạm Việt Hà thông tin, đến nay, 14 tỉnh có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp cho các địa phương này với tổng số gạo 15.400 tấn. Tổng cục DTNN đã chỉ đạo các Cục Dự trữ khu vực chuẩn bị các phương án để khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cấp xuất gạo dự trữ cho các địa phương, hàng dự trữ đến được người dân sớm nhất.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục DTNN Nguyễn Thị Phố Giang cho biết, Tổng cục DTNN đang chuẩn bị nhiều phương án để khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định, hàng dự trữ sẽ đến người dân sớm nhất, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán.
Về công tác đấu thầu, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Phố Giang nhấn mạnh, theo lộ trình thì đến năm 2025 mới phải hoàn thành đấu thầu 100% qua mạng, nhưng Tổng cục DTNN đã chủ động triển khai 100% mua sắm hàng DTQG thực hiện tại Bộ Tài chính được tổ chức đấu thầu qua mạng, đây là điểm mới đáng chú ý trong công tác dự trữ so với trước đây.
Lãnh đạo Tổng cục DTNN nhấn mạnh, các tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu phải đảm bảo đúng theo pháp luật. Những nhà thầu không thực hiện đúng cam kết, vi phạm quy định đấu thầu sẽ bị cấm tham gia đấu thầu trong 3 năm. Về phía Tổng cục DTNN, nếu các nhà thầu vi phạm thì sẽ có những chế tài xử lý kịp thời.
"Về dự trữ xăng dầu, theo các quy định hiện hành tại các Nghị định của Chính phủ thì các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm dự trữ lưu thông từ 15-20 ngày.
Còn với xăng dầu DTQG, mức đáp ứng còn hạn chế, hiện Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang làm việc, trao đổi về cách thức xây dựng phương án DTQG phù hợp nhất để báo cáo lãnh đạo Chính phủ, bà Nguyễn Thị Phố Giang cho biết thêm.
Anh Minh