Nhà hát lớn được khởi công xây dựng vào ngày 07/6/1901, hoàn thành năm 1911, được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Pháp là Broyer và Harlay, phụ trách thi công chính là Travary và Savelon.
Tòa nhà này nằm trên một mảnh đất có hình thế đặc biệt, được bao quanh bởi một khu vườn. Sự sắp xếp theo đường chéo của những con phố xung quanh đã tôn lên vị trí nổi bật của Nhà hát lớn. Ban công nhà hát được phân chia bởi những cột trụ theo kiểu kiến trúc lonic và Doric, hai cạnh mỗi bên đều có một phần nhà nhô ra. Tòa nhà dài, hình chữ nhật, tỏ rõ vẻ hoành tráng và hoàn toàn không mang dấu vết gì của kiến trúc địa phương. Nội thất rất tráng lệ. Sự kết hợp của các “chuồng gà” và “lô” như một yếu tố trang trí nằm lơ lửng giữa những cột trụ vững chắc kiểu Corin tạo ấn tượng về sự cân đối, hài hòa.
Nhà hát lớn có diện tích 2600m2, chiều dài 87m, chiều rộng 30m, đỉnh vòm cao so với mặt đường là 34m. Cầu thang giữa lên tầng hai là một sảnh chính rộng, cầu thang phụ và hành lang chạy vòng ở hai bên. Phía sau sân khấu là phòng quản trị, 18 buồng hóa trang, 2 phòng tập hát, 1 thư viện và 1 phòng họp. Sức chứa của nhà hát là 870 ghế, xếp thành 3 tầng, được thiết kế theo phong cách cổ điển Pháp thế kỷ XIX. Các bức họa trang trí trần bên trên phòng khán giả do các họa sĩ Pháp thực hiện. Hệ thống đèn chùm được dát một lớp vàng theo công nghệ mới. Các đèn gắn trên tường được làm bằng đồng theo kiểu cổ.
Sảnh chính của nhà hát được lát đá Italia. Màu sắc của đá lát tạo cảm giác như sảnh chính được trải tấm thảm lớn. Dọc hai bên tường là hệ thống đèn chùm nhỏ mạ đồng, đèn chùm ở giữa được mạ vàng.
Phòng khán giả đươc lát gạch chất lượng cao và trải thảm chống cháy. Tường và trần được trang trí bằng các hình vẽ cầu kì do chính các họa sĩ thực hiện.
Nhà gương là phòng lễ nghi quan trọng, thường xuyên đón tiếp các nhân vật cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nguyên thủ quốc gia, được lát bằng đá Italia, lắp ghép thủ công theo kĩ thuật Mozaic.
Hệ thống âm thanh được thiết kế dựa trên sự kết hợp các thiết bị âm thanh cao cấp với các vật liệu đã được sử dụng trang trí trên mặt tường, trần, ban công nhằm tạo ra trường âm đồng đều tại mọi vị trí, triệt tiêu tiếng vang dội, mang lại âm thanh trung thực. Hệ thống chiếu sáng được điều khiển tự động hoàn toàn, kết hợp hài hòa, khéo léo với hệ thống kĩ thuật tạo khói, nước, lửa theo thiết kế của hãng Philips (Singapore). Hệ thống cơ khí sân khấu được thiết kế, lắp đặt bởi hãng AMG (Pháp), bao gồm thiết bị nâng hạ sân khấu từng phần, toàn phần, các thiết bị di chuyển phông màn, hố nhạc…Hệ thống điều hòa không khí được thiết kế và thi công bởi hãng Carrier (Mỹ). Ngoài ra, Nhà hát còn có hệ thống thiết bị an toàn, hệ thống thông tin nội bộ và hệ thống phòng cháy chữa cháy…
Nhiều chương trình ca múa nhạc, kịch nói do các nghệ sỹ nổi tiếng của Việt Nam và nước ngoài đã trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội trong 100 năm qua.
Mít tinh tổng khởi nghĩa 19/8/1945 tại Quảng trường Nhà hát lớn
Trong hai năm 1996 - 1997, với sự giúp đỡ của Chính phủ nước Cộng hòa Pháp (156 tỉ đồng VN), Nhà hát lớn Hà Nội đã được tu bổ, tôn tạo và nâng cấp trở thành một nhà hát hiện đại.
Trước mặt, Nhà hát này có một quảng trường, là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trong tháng Tám 1945. Vì vậy, năm 1994, được Hội đồng nhân dân thành phố đặt tên là quảng trường Cách mạng tháng Tám.
Ngày 17/8/1945, báo chí đăng tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Buổi chiều hôm đó, tại quảng trường Nhà hát lớn, diễn ra cuộc mít tinh do Tổng hội viên chức tổ chức để ủng hộ chính quyền bù nhìn. Nhân cơ hội này các tổ chức cứu quốc đã bí mật huy động hàng vạn quần chúng Hà Nội, Hà Đông tham dự. Cuộc mít tinh vừa bắt đầu thì các cán bộ Việt Minh lên chiếm diễn đàn trước sự ngơ ngác bất lực của lực lượng cảnh sát, lính bảo an của chính quyền bù nhìn. Nhiều lá cờ đỏ sao vàng được giương cao, một lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn được buông từ tầng gác Nhà hát lớn xuống. Hội viên tuyên truyền báo tin Nhật đã đầu hàng, nói rõ đường lối cứu nước của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh, đả đảo bọn bù nhìn thân Nhật. Cuộc mít tinh biến thành cuộc diễu hành, qua phố Tràng Tiền, ra ra hồ Gươm, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân, lên Cửa Bắc quay về Cửa Nam rồi giải tán. Đoàn diễu hành hô vang khẩu hiệu: “ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo bù nhìn”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”.
Sáng sớm ngày 19/8/1945, cả Hà Nội rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Tại quảng trường Nhà hát lớn, từ 11 giờ, cuộc mít tinh khổng lồ của gần 20 vạn người được tiến hành rất nghiêm trang, bắt đầu bằng phút chào cờ, và cử hành bản nhạc Tiến quân ca. Đại biểu Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội đọc lời hiệu triệu của Việt Minh. Sau đó cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang. Một khối đến phủ Khâm sai Bắc Kỳ (nay là nhà khách Chính phủ ở 12 phố Ngô Quyền). Anh em tự vệ trèo qua hàng rào sắt xông vào. Quần chúng như nước vỡ bờ, hô vang các khẩu hiệu cách mạng, trấn áp kẻ thù. Lính bảo an giữ phủ Khâm sai đã đầu hàng lực lượng cách mạng. Cờ quẻ li của chính quyền bù nhìn bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ ở phủ Khâm sai. Việc chiếm tòa nhà Thị chính, Sở cánh sát, Kho bạc, Sở bưu điện được tiến hành thuận lợi.
Một khối quần chúng khác qua Hàng Bài, chiếm trại Bảo an binh. 1000 lính giữ trại đã đầu hàng cách mạng.
Còn tại Nhà hát lớn, cũng có nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra:
- Ngày 29/8/1945: Đoàn quân Giải phóng từ Việt Bắc về Hà Nội, ra mắt đồng bào Thủ đô.
- Ngày 17/9/1945: Khai mạc “Tuần lễ vàng” để quyên góp vàng và tiền cho quỹ Quốc phòng và quỹ Độc lập.
- Đầu tháng 10/1945: Tổ chức ngày “Nam Bộ kháng chiến”
- Ngày 2/3/1946: Kì họp thứ nhất của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa đầu tiên.
- Ngày 2/9/1946: Mít tinh kỉ niệm 1 năm chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa.
- Ngày 9/11/1946: Quốc hội khóa I họp kì thứ 2, thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước ta.
Mỗi lần đi qua Nhà hát lớn Hà Nội hoặc ngồi trong nhà hát này thưởng thức ca múa nhạc, kịch… chúng ta rất tự hào về một công trình kiến trúc nghệ thuật hoành tráng, sang trọng gắn liền với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thủ đô, mở đầu một chương mới huy hoàng của lịch sử Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng.