Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo báo cáo tiến độ triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà với người lao động làm việc tại các khu vực công nghiệp, khu chế xuất, người trở lại thị trường lao động, tính đến 15h ngày 24/8, 60/63 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp, người lao động đã nộp hồ sơ nhận hỗ trợ.
Có 2 tỉnh không có đối tượng thuộc diện điều chỉnh của Quyết định 08/2022/QĐ-TTg là Lai Châu và Điện Biên. Ngoài ra, tại tỉnh Cao Bằng không có doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ.
Một số địa phương đã hoàn thành chi trả chế độ với 100% số người lao động nộp hồ sơ đề nghị là: Sơn La, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Tiền Giang, Thái Nguyên, Kon Tum, Thái Bình, Lào Cai... Đây là những tỉnh có số lượng ít người thụ hưởng chính sách.
Từ sau thời điểm hết hạn nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ là ngày 15/8, đến nay, tốc độ giải ngân tiền hỗ trợ tới người lao động ở hầu hết các tỉnh thành đã tăng nhanh.
Tuy nhiên, để hoàn thành việc chi trả chế độ đúng thời hạn đề ra (ngày 30/8/2022) phụ thuộc vào kết quả thực hiện tại các tỉnh thành có số lượng lớn người lao động được hưởng chính sách như TPHCM, Bình Dương.
Tính đến ngày 24/8, các địa phương đang có tiến độ chi trả tiền thuê nhà cho người lao động đạt kết quả cao là: Bắc Giang (99,47%), Hà Nội (93,6%), Nghệ An (83,2%), Đồng Nai (95%), Trà Vinh (93%), Cà Mau (92,1%), An Giang (89,4%), Lâm Đồng (58,7%)...
Cụ thể: Theo Sở LĐTB&XH Bắc Giang, tính đến ngày 24/8, toàn tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị của 696 lượt doanh nghiệp với 201.797 lượt người lao động với số tiền hơn 109 tỷ đồng. Các địa phương đã cấp kinh phí chi trả cho 200.906 lượt lao động với số tiền 108,461 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 99,47% so với số tiền đã được phê duyệt.
Còn tại Đồng Nai, theo ước tính của Sở LĐTB&XH, toàn tỉnh có khoảng 260.000 lao động được nhận hỗ trợ theo Quyết định 08.
Đến ngày 23/8, các địa phương đã phê duyệt gần 280 tỷ đồng tiền hỗ trợ thuê nhà cho trên 199.000 lao động tại 2.100 doanh nghiệp; trong đó đã giải ngân trên 260 tỷ đồng, đạt hơn 95% kế hoạch.
Dự kiến chậm nhất ngày 25/8, các địa phương này sẽ chi trả 100% cho các trường hợp được phê duyệt.
Cũng theo báo cáo tổng hợp số liệu, hiện vẫn có nhiều địa phương giải ngân thấp như: Bắc Ninh (4,99%), Phú Thọ (8,83%), Bình Định (15,2%), Thanh Hóa (16,27%), Quảng Nam (33,3%), Quảng Ngãi (34,6%), Nam Định (35,1%)…
Trong đó, Bắc Ninh là một trong những địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp nhất cả nước. Sở LĐTB&XH Bắc Ninh cho biết, nguyên nhân chậm giải ngân là do một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động tổ chức thực hiện tiếp nhận đơn đề nghị, xác minh thông tin để lập danh sách người lao động đủ điều kiện đề nghị hỗ trợ còn chậm.
Các đơn vị chưa chủ động hợp tác, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xác minh, thẩm định thông tin người lao động ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định, phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ.
Bên cạnh đó, một số địa phương có số lượng người lao động được hỗ trợ lớn chưa bố trí đủ kinh phí đối ứng để giải ngân kịp tiến độ.
Thu Cúc